Thứ Bảy, 5/10/2024
Đời sống
Thứ Tư, 16/2/2011 15:58'(GMT+7)

Cái gốc của an ninh lương thực

Trước đó, phát biểu tại Đại hội Lúa gạo Quốc tế lần thứ 3 tại Hà Nội, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng đã khẳng định: Chính phủ Việt Nam xác định đảm bảo an ninh lương thực quốc gia lâu dài, trong mọi tình huống là một nội dung quan trọng trong sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Việc Việt Nam phát triển sản xuất lúa gạo hiệu quả, bền vững còn góp phần đảm bảo an ninh lương thực thế giới vì hiện nay xuất khẩu gạo của Việt Nam chiếm tới 1/5 sản lượng gạo xuất khẩu toàn cầu.
 
Trước những thách thức của vấn đề an ninh lương thực toàn cầu và phát triển bền vững đảm bảo môi trường, cũng như các cơ hội cho sự phát triển, WEF 2011 đã chính thức đưa vào chương trình nghị sự các buổi thảo luận tìm kiếm một lộ trình cho các đối tác nhằm thực hiện tầm nhìn mới trong nông nghiệp. Lộ trình này được lồng ghép giữa chính sách ưu tiên phát triển của các quốc gia với những giải pháp kinh tế của doanh nghiệp đồng hành với quyền lợi lâu dài của người nông dân.
 
Có thể thấy rằng dù đang là nước xuất khẩu gạo lớn thứ hai trên thế giới, song thị trường lúa gạo Việt Nam đang phải đối mặt với rất nhiều thách thức và khó khăn trước hết là do sự bất cập của một số chính sách. Ai cũng biết, trong rất nhiều năm qua giá gạo xuất khẩu của Việt Nam thấp hơn so với Thái Lan và nhiều nước khác. Có hai lý do chính: Một là, chất lượng gạo Việt Nam thấp, không đa dạng và khâu xay xát kém; Hai là, Việt Nam chưa xây dựng được thị trường đáng tin cậy trên thế giới nên buộc phải giữ giá thấp để thu hút khách hàng. Lúa gạo trong chính sách quốc gia của nhiều nước được xem không phải là mặt hàng thương mại đơn thuần, Việt Nam cũng không phải ngoại lệ. Tuy vậy, cũng không nên nhấn mạnh tính chất đặc thù để tạo ra những sự can thiệp quá sâu mang tính chất hành chính vào công việc kinh doanh, làm méo mó thị trường.

Sự can thiệp của Chính phủ là cần thiết vì lý do an ninh lương thực. Còn sự can thiệp quá sâu của Hiệp hội xuất nhập khẩu lúa gạo có thể bắt nguồn từ lý do các công ty của họ không đủ năng lực kinh doanh, thường phải bán giá thấp; vì thế đã gây thiệt hại cho đất nước và cũng có thể tạo ra những bất lợi về giá cho người trồng lúa, kiềm chế giá thu mua lúa gạo từ nông dân. Trong khi đó, không ít các công ty kinh doanh lúa gạo năng lực yếu kém, tồn tại nhờ chính sách bảo hộ, không bị đào thải bởi quy luật thị trường. Cuối cùng, hầu hết các rủi ro lẽ ra các công ty yếu kém phải chấp nhận thì lại đổ dồn lên cấp vĩ mô và được giải quyết bằng các biện pháp hành chính, thiệt hại cuối cùng vẫn đổ lên vai người sản xuất. Khi người nông dân thấy giá cả bất lợi, khả năng mất dần động lực để duy trì sự phát triển bền vững là chuyện đương nhiên. Vì vậy, cái gốc của việc đảm bảo an ninh lương thực không phải là sự can thiệp quá sâu của giới chức hành chính hay là các động thái “vận động hành lang” để được lợi thế về chính sách của giới kinh doanh mà phải là những chương trình đầu tư có tính chiến lược, đảm bảo cho người sản xuất có lợi, ngày càng yên tâm phát triển nghề trồng lúa chất lượng cao.
 
Chẳng hạn như, nếu có chiến lược hỗ trợ cho nông dân dự trữ trong những lúc thu hoạch rộ thì nông dân sẽ được lợi, giá gạo trên thị trường quốc tế không bị chìm xuống, giảm bớt những bất lợi đối với việc xuất khẩu gạo của Việt Nam và gia tăng lợi ích cho nông dân. Cần có chương trình hỗ trợ cho việc lập những kho dự trữ của nông dân, các công ty xuất khẩu, khắc phục tính thời vụ trên thị trường thế giới thường xuyên gây bất lợi với gạo xuất khẩu của Việt Nam. Điều này sẽ có lợi cho nông dân và họ sẽ là những người bảo quản tích cực nhất đối với số lúa gạo mà họ dự trữ. Có thực tế là thị trường gạo nội địa không ngừng liên kết với thị trường gạo thế giới và Chính phủ cần khuyến khích sự phát triển này. Chính sách minh bạch sẽ mở ra cơ hội bình đẳng cho các doanh nghiệp Việt Nam tham gia mở rộng thị trường nội địa và xuất khẩu. Họ phải sử dụng thực lực, công nghệ hiện đại và nguồn tài chính tương ứng để cạnh tranh với doanh nghiệp nước ngoài góp phần xây dựng thương hiệu lúa gạo Việt Nam.
 
Các chuyên gia cũng cho rằng, Việt Nam còn rất thiếu những thông tin phân tích, thông tin dự báo, chất lượng của các dự báo giúp những nhà hoạch định chính sách, các nhà kinh doanh có điều kiện tham khảo để quyết định chính xác hơn.  Hiện nay, trong lĩnh vực nông nghiệp, việc đầu tư cho công tác nghiên cứu khoa học rất thấp. Một nền kinh tế chưa coi trọng nghiên cứu khoa học thì chưa thể nói tới có sự quan tâm với các nghiên cứu phân tích dự báo đảm bảo cho phát triển hiệu quả và bền vững. Về phía người nông dân, phần lớn lại chỉ quan tâm đến thời tiết mùa màng hơn là những diễn tiến giá cả của thị trường. Cho dù họ có quan tâm thì cũng rất thiếu điều kiện tiếp cận các doanh nghiệp, cơ quan của Chính phủ hoặc của Hiệp hội. Do vậy, quyền được tiếp cận đầy đủ các thông tin liên quan tới quyền lợi của người trồng lúa cũng là một vấn đề cần được sớm minh định. Đơn cử, hiện vấn đề quy hoạch, chuyển đổi đất trồng lúa cũng đang là những “mê hồn trận” tại các địa phương, gây nhiều lo lắng và bức xúc cho phần lớn nông dân, khiến họ không yên tâm đầu tư.

Theo Hữu Nguyên/ Dân trí.vn
Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất