Thứ Bảy, 5/10/2024
Đời sống
Thứ Sáu, 11/2/2011 19:43'(GMT+7)

Sau Tết, hàng hóa dồi dào, giá giảm

Để bình ổn giá cả sau Tết Nguyên đán, nhiều siêu thị đã tung ra các chương trình khuyến mãi giảm giá ngay trong những ngày đầu năm - Ảnh minh họa.

Để bình ổn giá cả sau Tết Nguyên đán, nhiều siêu thị đã tung ra các chương trình khuyến mãi giảm giá ngay trong những ngày đầu năm - Ảnh minh họa.

Hệ thống siêu thị tăng nguồn hàng, kích cầu tiêu dùng

Để bình ổn giá cả sau Tết Nguyên đán, nhiều siêu thị đã tung ra các chương trình khuyến mãi giảm giá ngay trong những ngày đầu năm.

Ngay từ ngày 5/2 (mùng ba Tết), các siêu thị ở Hà Nội đã mở cửa phục vụ với nhiều chương trình khuyến mãi đầu năm mới hấp dẫn. Hệ thống các siêu thị của Hapro đã bắt đầu mở cửa, tiếp tục cam kết bán 9 mặt hàng bình ổn giá thấp hơn 5% so với thị trường gồm gạo, đường, dầu ăn, thực phẩm chế biến, rau, củ, quả... Siêu thị Big C triển khai 5 chương trình khuyến mãi kéo dài 22 ngày (từ 6-27/2), áp dụng cho hơn 1.100 mặt hàng trong đó có hơn 300 mặt hàng rau củ quả, thịt, thuỷ hải sản tươi sống, thực phẩm chế biến được giảm giá từ 5 - 40%, kèm nhiều quà tặng. 

Theo thống kê của Sở Công Thương Hà Nội, lượng hàng dự trữ tại một số chợ đầu mối, chợ dân sinh trên địa bàn thành phố vẫn duy trì ở mức tăng 100 - 150% so với cùng thời điểm tháng 1/2010. Chợ đầu mối Phía Nam dự trữ và kinh doanh trung bình mỗi ngày khoảng 800 tấn hoa quả, 120 tấn rau, củ và 20 tấn thịt lợn, 20 tấn cá, 3 tấn gia cầm; Chợ Long Biên có khoảng 1.087 hộ buôn bán dự trữ và kinh doanh khoảng 240 tấn hoa quả tươi và 100 tấn rau, củ tươi. Chợ nông sản thực phẩm Dịch Vọng dự trữ và kinh doanh lưu chuyển hàng hóa trung bình 230 tấn nông sản, thực phẩm/đêm.

Giá các loại thực phẩm, rau, củ quả tại Hà Nội từ sau Tết Nguyên đán tương đối ổn định, giá nhóm hàng thực phẩm (thịt gia súc, gia cầm và sản phẩm từ gia cầm vẫn duy trì ở mức cao trong các mùng 3 - 5 Tết Nguyên đán và giảm dần khoảng 10% vào ngày mùng 8 tết), riêng đối với nhóm hàng hải sản, thủy sản giá có nhích nhưng không đáng kể, mức tăng thấp chỉ khoảng 5%.

Tại TP Hồ Chí Minh, các loại thực phẩm, rau, củ quả cũng trong xu hướng giảm nhiệt. Bà Nguyễn Thanh Hà - Phó Giám đốc Công ty quản lý và kinh doanh chợ đầu mối Thủ Đức - cho biết: “So với cùng kỳ các năm trước, lượng hàng nông sản về chợ đầu mối hiện nay tăng gấp 2 lần nên nguồn hàng về chợ khá dồi dào, giá giảm mạnh. Thậm chí, một số loại giá rẻ hơn ngày thường. Hiện lượng nông sản về chợ đầu mối Thủ Đức sáng 10/2 đã đạt 2.625 tấn. Trong khi cùng kỳ năm trước chỉ đạt hơn 1.000 tấn/ngày”.

Đến ngày mùng 10/2, tại hệ thống siêu thị Co.opmart, nguồn hàng rau, củ quả cũng khá phong phú và thu hút đông lượng người đến mua. Theo bà Nguyễn Thị Hạnh - Tổng Giám đốc Liên hiệp Hợp tác xã thương mại TP Hồ Chí Minh -Saigon Co.op: “Ngày càng có nhiều người dân đi siêu thị sắm đồ. Các mặt hàng tươi, ngon, giá cả ổn định. Để có đủ nguồn hàng cung cấp cho người dân trong những ngày tết và sau tết, Co.opmart đã vận động các nhà vườn, nhà cung cấp thực phẩm tươi sống làm việc liên tục, để bán cho người tiêu dùng với giá cam kết, nhằm tạo sự bình ổn và yên tâm cho khách hàng khi mua sắm trong những ngày đầu năm mới...”.

Bình ổn giá thành công nhờ công tác phối hợp đồng bộ

Theo đánh giá của Bộ Công Thương, mặc dù sức mua của thị trường Tết Tân Mão 2011 tăng khoảng 20-25% so với năm 2010 nhưng nhìn chung cung cầu, giá cả trên thị trường cả nước thời gian trước Tết, cận Tết và trong 3 ngày Tết là ổn định, nguồn cung hàng hoá đáp ứng đủ nhu cầu tiêu dùng, không thiếu hàng, "sốt" giá.

Việc dự trữ hàng hoá bình ổn thị trường tại các địa phương đã đem lại hiệu ứng tích cực cho thị trường, nhất là tại các thành phố lớn như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Đà Nẵng.

Còn Bộ Tài chính đưa ra nhận định, trong công tác đảm bảo cân đối cung cầu hàng hóa dịch vụ, hầu hết các bộ, ngành, các địa phương trong cả nước đã xây dựng và tổ chức thực hiện các phương án chuẩn bị nguồn hàng phục vụ Tết thông qua các biện pháp huy động sức mạnh của các thành phần kinh tế.

Công tác hỗ trợ doanh sản xuất kinh doanh cũng được triển khai tích cực. Theo báo cáo của các địa phương gửi về Bộ Tài chính, tính đến ngày 28/12/2010, có 42 tỉnh, thành phố đã triển khai sớm phương án ứng vốn không lãi suất hoặc hỗ trợ lãi suất vay vốn cho các doanh nghiệp dự trữ hàng hóa bình ổn giá trong dịp Tết với tổng kinh phí hơn 2.500 tỷ đồng.

Theo tính toán của Bộ Tài chính, nguồn cung hàng hóa lương thực, thực phẩm thiết yếu của chương trình này chiếm được khoảng 20-30% nhu cầu thị trường và được bán với giá bình ổn đã có tác động giải tỏa kéo mặt bằng giá thị trường chung không tăng quá cao.

Bên cạnh đó, các cơ quan quản lý giá cả cũng thực hiện kiểm soát việc đăng ký giá của doanh nghiệp đối với các mặt hàng doanh nghiệp đăng ký điều chỉnh giá trong dịp Tết, yêu cầu doanh nghiệp giãn thời gian điều chỉnh tăng giá trong dịp Tết./.
 
(Theo: chinhphu.vn)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất