Nhiều chục năm qua, nom những sự chọn người trong thiên hạ, mấy bận rắp toan biên lại và nhẩm bụng đem bố cáo. Nhưng, lòng còn e ngại, bởi chửa hợp thời. Vả nữa, còn càng ngại rằng, chả ai muốn nghe. Hay nghe rồi chẳng động lòng hoặc lại nghĩ “ý này ý khác”. Nên đem cất kỹ tận nơi đáy hòm. Lại ngặt đó toàn là những chuyện “trung ngôn nghịch nhĩ” cả. Đâm ra, lại... đợi!
Một ngày cả gió, giở giời, mang đống bản thảo cũ ra phơi. Câu chuyện bật ra dưới nắng:
Rằng, từ rất lâu rồi, có vị cán bộ làm ở cái nơi, mà ngày xưa gọi là Bộ Lại (chả rõ vì sao chui được vào nơi này) luôn ra vẻ ta đây bời bời học thức. Ông ta học đòi kiểu “nhung y xứng kỳ đức”, “thuyền đua thì lái cũng đua”, nên muốn đến cả những con chim, con thú mà ông ta chơi, cũng phải có học thức. Tối thiểu chúng phải biết nói tiếng người.
Sằn sục mãi, cho tới một bữa, ôm một bị tiền, ông ta ra chợ. Ngắm nghía đô hồi, ông ta hất hàm hỏi ông già bán chim cảnh: - Con này nói được tiếng gì, bao nhiêu tiền? Ông già thưa: - Dạ, nó nói được tiếng Hoa, giá 2 đồng. Ông ta mua; và, chỉ sang con chim bên cạnh: - Con này sao, giá bao nhiêu? Ông già bán chim điềm đạm: - Dạ, nó nói được tiếng Nga và Pháp, ngài cho tám đồng.
Cứ thế, cứ thế, viên cán bộ nọ mua hết con này tới con kia, và lũ chim có thể nói được tới cả vài ba chục thứ tiếng ngoại quốc từ Á sang Âu tới Mỹ La-tinh, có giá dễ cả mấy chục ngàn đồng. Viên cán bộ vô cùng hỉ hả.
Đến con chim cuối cùng: - Con này nói được những thứ tiếng gì, bao nhiêu tiền? Ông lão bán chim tỉnh bơ: - Số tiền mua nó bằng tất cả số tiền lũ chim kia cộng lại và nhân với mười lần. Lão già có điên không đấy, nó có nói được tới trăm thứ tiếng không, mà đòi lắm tiền vậy? - viên cán bộ nọ nổi cáu. Ông già thờ ơ: - Dạ, chính vì thế, nó mới có giá nghìn đồng, lại bởi nó không hề biết nói một thứ tiếng nước nào. - Lão có điên thật không đấy? - Thì ngài xem, một con chim “hậu duệ”, vừa ra ràng, dù nó không biết nói tiếng nước nào, dưng được phong “tước”, lại bằng cấp treo khắp đầy mình. Và, quan trọng nhất, nó mù ngoại ngữ nhưng lại “có quyền chỉ huy” tất cả những con chim rất giỏi ngoại ngữ kia. Chả nhẽ nó không đáng được giá ấy ư, thưa quý bác? Lão còn một mớ mấy con “mua” được cả quyền chỉ huy, đại loại như kiểu ấy nữa.
Nói đoạn, ông già bán chim hững hờ thả ánh mắt đến quá... chân mây. Và, viên cán bộ nọ cả vui và đếm tiền...
Nghe đâu, ít lâu sau, những con chim ấy do viên cán bộ nọ mua tặng, vỡ tung đàn. Vì con chim “hậu duệ” có giá cả mấy ngàn đồng ấy làm đầu đàn. Tự dưng chả con chim nào trong đàn thèm tiếng ngoại quốc nữa, rồi bỏ đàn bay đi hoặc cứ chết dần chết mòn... mà tự tan.
Nay, thấy tại rất nhiều chốn: Đây thì “con ông cháu cha”, “cả họ làm quan”, “nhất hậu duệ, nhì tiền tệ...”, kia thì “làm quan thần tốc”, “mua danh ba vạn”, “dấm dúi lên... quan”... làm cho xôn xao trong dư luận lẫn chung chiêng cả chốn công đường. Nay, lại trông ở không ít cấp: Đó thì “hoạch phát hoạch tàn”, “tốc hỉ tốc... bại”, nọ thì “dục tốc bất đạt”, “nửa bước đi tắt thành... quan”, “nửa đời phấn đấu không bằng cơ cấu một giây”... khiến cho chuẩn mực ngả nghiêng, thật giả lẫn lộn, người tài người tốt ngoảnh... đi!. Những sự ấy nguy cơ làm cho nhân tâm ly tán, việc lớn nát bét, đội ngũ xộc xệch, cơ đồ xiêu nghiêng, bởi cái họa “cha truyền con nối” biến “việc của Đảng chứ đâu phải việc của họ nhà nào” thành sự nhãn tiền, như Bác Hồ nói, rồi “đầu tư quan hệ”, “buôn quan bán tước”...
Tất cả vô hình, nhiều cơ quan thì chuốc lấy “vạ trong tường vách”, mấy người “đạo vị” (ăn trộm chức vụ), lại như Bác Hồ bảo, số phận thì cũng “gươm treo chỉ mành”, lắm tổ chức thì chênh vênh hơn “trứng để đầu đẳng”... Cơ hồ tai họa ập đến, tính chỉ độ bằng ngày, giờ!
Nhưng, ai người có tội?
Nên thiển nghĩ, cả quyết không thể không biên ra ở đây, dẫu biết rằng, có thể là tốn... giấy mực!./.
NCC Nhị Bảo Lê/TCCS