Chủ Nhật, 22/12/2024
Sinh hoạt tư tưởng
Thứ Bảy, 28/11/2015 9:12'(GMT+7)

Người sớm luận giải quan hệ hài hòa giữa con người với tự nhiên

 
 

1. Sinh thời, Ph. Ăng-ghen đã được đánh giá là một nhà bách khoa. Tri thức của ông sâu sắc, trải rộng trên nhiều lĩnh vực: triết học, quân sự, khoa học tự nhiên và khoa học xã hội… Tuy C. Mác và Ph. Ăng-ghen không dành riêng tác phẩm nào để luận giải mối quan hệ con người - tự nhiên song trong nhiều tác phẩm của các ông, quan hệ đó và sự tác động qua lại một cách biện chứng giữa con người với tự nhiên đã được luận giải ở tầm khái quát, không chỉ dựa trên những luận cứ khoa học mà bằng cả những cảm nhận tinh tế, hiểu biết sâu sắc từ góc độ thế giới quan duy vật biện chứng.

Ngay khi mới hình thành các quan niệm có tính chất nền tảng của Chủ nghĩa duy vật lịch sử, C. Mác và Ph. Ăng-ghen đã coi mối quan hệ giữa con người và tự nhiên, lịch sử con người và tự nhiên là một thể thống nhất hữu cơ, không thể tách rời. Mọi hành vi phá hoại tự nhiên, phá vỡ sự hài hòa giữa con người - tự nhiên là đồng nghĩa với sự hủy hoại cuộc sống của mỗi con người cũng như cả cộng đồng.

Trong Bản thảo kinh tế - triết học năm 1844, C. Mác đã viết: “… “Giới tự nhiên”... là thân thể vô cơ của con người. Con người sống bằng giới tự nhiên. Như thế có nghĩa là giới tự nhiên là thân thể của con người mà với nó con người phải ở lại trong quá trình thường xuyên giao tiếp để tồn tại. Nói rằng đời sống thể xác và tinh thần của con người gắn liền với giới tự nhiên, nói như thế, chẳng qua chỉ có nghĩa là giới tự nhiên gắn liền với bản thân giới tự nhiên vì con người là một bộ phận của giới tự nhiên” (C. Mác và Ph. Ăng-ghen - Toàn tập - NXB Chính trị Quốc gia, H.2002, Tập 42, tr.135). Điều đó cũng có nghĩa con người sống trong (và với) giới tự nhiên sẽ được tự nhiên nuôi dưỡng, nhưng sự nuôi dưỡng này chỉ có thể tạo dựng trên cơ sở con người có nhận thức, có cách ứng xử khoa học phù hợp với các quy luật của tự nhiên. Con người tác động tới giới tự nhiên một cách mù quáng, tự phát, hoang dại với tham vọng tước đoạt, thống trị, bất chấp quy luật khách quan nội tại của giới tự nhiên thì sẽ phải nhận hậu quả khôn lường. Và có thể nói hôm nay thế giới đã và đang phải chứng nghiệm điều đó.

Trong tác phẩm Biện chứng của tự nhiên, Ph. Ăng-ghen đã xác định thái độ ứng xử phù hợp với tự nhiên trên tinh thần khoa học: “... Và những sự việc đó nhắc nhở chúng ta từng giờ từng phút rằng chúng ta hoàn toàn không thống trị được giới tự nhiên như một kẻ xâm lược thống trị một dân tộc khác, như một kẻ sống ngoài giới tự nhiên, mà trái lại, bản thân chúng ta, với cả xương thịt, máu mủ và đầu óc chúng ta, là thuộc về giới tự nhiên, chúng ta nằm trong lòng giới tự nhiên và tất cả sự thống trị của chúng ta đối với giới tự nhiên là ở chỗ chúng ta, khác với tất cả các sinh vật khác là chúng ta nhận thức được quy luật tự nhiên và sử dụng được những quy luật đó một cách chính xác” (C. Mác và Ph. Ăng-ghen - Toàn tập - NXB Chính trị Quốc gia, H.2002, tập 20, tr.655). Quan điểm của ông làm rõ tính quy định lẫn nhau giữa lịch sử tự nhiên và lịch sử con người, qua đó khẳng định sự chung sống hài hòa giữa con người và tự nhiên là quan hệ, là giá trị vĩnh hằng, từ đó làm nên sức sống trường tồn trong suốt tiến trình thường xuyên cải tạo, và biến đổi tự nhiên của con người. Những điều này hoàn toàn đồng nhất với quan điểm hiện đại trước các vấn đề toàn cầu về ứng phó với các thảm họa tự nhiên và biến đổi khí hậu đang diễn ra hôm nay. Đây thực sự là cơ sở lý luận cho chiến lược phát triển bền vững của từng quốc gia cũng như của cả nhân loại.

2. Bảo vệ, giữ gìn môi trường cùng với tăng trưởng kinh tế và bảo đảm công bằng xã hội được khẳng định là ba trụ cột của sự phát triển bền vững. Nền kinh tế nếu được ưu tiên phát triển “nóng” có thể mang lại nhiều lạc quan trên bề nổi, song cùng với sự lạc quan này là nguy cơ khai thác cạn kiệt tài nguyên, và định hướng sai lầm sẵn sàng hy sinh các lợi ích môi trường lâu dài vì lợi nhuận trước mắt, hoàn toàn có thể gây tác hại nặng nề với nhiều loại tài nguyên như đất, nước, không khí, hệ sinh thái…, gây ô nhiễm môi trường, suy kiệt tài nguyên, tác động xấu tới mọi mặt đời sống xã hội. An ninh môi trường không chỉ là vấn đề thời sự cấp bách mà còn là vấn đề thường xuyên, lâu dài, liên quan đến toàn nhân loại và mỗi quốc gia, ảnh hưởng đến cuộc sống của cả xã hội, từng gia đình và mỗi cá nhân.

Ở Việt Nam, quá trình đô thị hóa, công nghiệp hóa diễn ra nhanh chóng trong những năm gần đây đang làm biến đổi mạnh các điều kiện môi trường, làm suy kiệt tài nguyên thiên nhiên. Ở nhiều nơi, ô nhiễm môi trường đang trở thành vấn đề cấp bách, ảnh hưởng xấu đến sức khoẻ của cộng đồng, ảnh hưởng đến nhiều mặt kinh tế - xã hội, đe dọa sự phát triển bền vững không chỉ của vùng đó. Có thể nói, quan niệm ưu tiên phát triển kinh tế, vì các lợi ích trước mắt mà bất chấp hậu quả về môi trường còn để lại dấu ấn trong một bộ phận cán bộ quản lý, ở các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân. Để kêu gọi đầu tư, một số địa phương đã xem nhẹ vấn đề bảo vệ môi trường, cho phép nhập và sử dụng công nghệ lạc hậu, không (chịu) hoàn thiện cơ sở hạ tầng để bảo đảm các yêu cầu an toàn môi trường. Bên cạnh đó, công tác quản lý Nhà nước về môi trường còn nhiều yếu kém, phân công, phân cấp trách nhiệm chưa rõ ràng; một số ngành, địa phương thiếu tích cực, chủ động, (thậm chí không quan tâm) xử lý các cơ sở gây ô nhiễm thuộc trách nhiệm quản lý theo Luật Môi trường. Nhiều vụ việc nghiêm trọng có tính chất hình sự nhưng việc xử lý của các cơ quan chức năng thường chỉ dừng lại ở mức độ xử phạt hành chính. Thậm chí, có những doanh nghiệp được giao nhiệm vụ bảo vệ môi trường lại vi phạm các quy định về bảo vệ môi trường v.v.

Đọc lại các luận điểm của Ph. Ăng-ghen có thể thấy rõ rằng: Trong việc bảo đảm an ninh môi trường trong chiến lược phát triển bền vững tổng thể trên phạm vi toàn cầu và ở Việt Nam cần có sự cân bằng giữa lợi ích trước mắt và lâu dài, chú trọng kết hợp đầu tư phát triển kinh tế, an sinh xã hội và bảo vệ môi trường. Có như vậy, các trụ cột của phát triển mới bền vững, nhu cầu của các thế hệ hiện tại được đáp ứng ngày càng tốt hơn nhưng cũng tạo (để dành) cơ hội cho sự phát triển mạnh mẽ hơn của các thế hệ tương lai. Tư tưởng của Ph. Ăng-ghen trong lĩnh vực này đã vượt trước thời đại của ông, đến nay cần được kế thừa và phát triển.

 
NGÔ VƯƠNG ANH
(Theo Nhân Dân)
Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất