Trại sáng tác tuyên truyền về Đảo Thanh niên năm 2014 được
Trung ương Đoàn TNCS HCM tổ chức từ ngày 28-10 đến ngày 01-11 quy tụ hơn 60 văn
nghệ sĩ và sinh viên (là các đại biểu đến từ Đại học Mỹ thuật Công nghiệp, Đại
học Sân khấu Điện ảnh, Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam, Đại học Sư phạm Nghệ
thuật Trung ương, Đại học Văn hóa nghệ thuật quân đội, Học viện Báo chí và
Tuyên truyền, Hội Mỹ thuật Việt Nam, Hội Nghệ sỹ nhiếp ảnh Việt Nam, Hội Nhạc sỹ
Việt Nam và Nhà xuất bản Kim Đồng) đến với huyện đảo Bạch Long Vĩ, TP Hải
Phòng.
Theo đồng chí Nguyễn Minh Thơ, Q.Trưởng ban TNXP Trung ương
Đoàn phát biểu tại buổi khai mạc thì: “Mục đích của Trại sáng tác lần này nhằm
tuyên truyền về Đề án xây dựng Đảo Thanh niên toàn quốc giai đoạn 2013 - 2020 đã
được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; đồng thời xây dựng bộ nhận diện và truyền
thông chung làm công cụ phục vụ công tác tuyên truyền về Đảo Thanh niên trong
các cấp bộ Đoàn”.
Một số hoạt động của đoàn văn nghệ sỹ tại đảo Thanh Niên - Bạch Long Vĩ (Ảnh: NSNA Vũ Minh Hiếu)
Các đại biểu, là các họa sĩ, nhạc sĩ, ca sĩ, nghệ sĩ nhiếp ảnh,
nhà báo, sinh viên và giảng viên các ngành nghệ thuật…, tham gia Trại sáng tác
với nhiệm vụ xây dựng các sản phẩm truyền thông bao gồm logo, tờ rơi, quà lưu
niệm, các vật phẩm phục vụ đời sống, tranh cổ động, clip, spot, trailer hình ảnh
tuyên truyền, các ca khúc mới và truyện tranh...
Từ ấn tượng đảo xa giữa
trùng khơi…
Bạch Long Vĩ - Đảo Thanh niên nằm trên Vịnh
Bắc Bộ, giữa vùng biển Việt Nam và Trung Quốc. Đảo có diện tích rất nhỏ, khi thủy
triều lên có diện tích 2,5km2, khi thủy triều xuống diện tích đảo khoảng 4km2, cách
đảo Hòn Dấu - Hải Phòng 110 hải lý, là hòn đảo xa bờ nhất của Việt Nam.
Chính vì lẽ đõ, kỷ niệm khó quên nhất đối với các
thành viên trong đoàn, ghi dấu ấn đầu tiên trong chuyến hành trình có lẽ là chặng
đường dài hơn 6 tiếng lênh đênh trên biển xuất phát từ Bến Bính, TP. Hải Phòng
đi ra đảo Bạch Long Vĩ. Đoàn công tác khởi hành đúng ngày biển động cấp 5, cấp
6, gần như hầu hết các thành viên trong đoàn
đều bị “đánh gục” bởi các con sóng dữ dội.
Khi ấy, nhà lý luận và phê bình Nhiếp Ảnh Vũ Huyến
(Hội viên Hội nghệ sỹ Nhiếp ảnh Việt Nam) đã hóm hỉnh chia sẻ: “Tôi đã
ra Trường Sa nhiều chuyến, chuyến nào tàu cũng say trước tôi. Vậy mà chuyến này
tôi phải xin túi nilon những hai lần”.
Kết thúc chuyến đi 5 ngày với các hoạt động đầy ý nghĩa như: gặp gỡ cán bộ Tổng đội Thanh niên xung phong thành phố
Hải Phòng đang làm việc trên đảo; tặng quà, giao lưu giữa đại biểu tham dự Trại
sáng tác với các gia đình thanh niên xung phong, lực lượng hải quân trên đảo;
viếng đài liệt sĩ huyện; thăm và tặng quà Trung đoàn 952, Trạm rađa, Đồn biên
phòng Bạch Long Vĩ, Trường mầm non, tiểu học Bạch Long Vĩ; thăm quan đền chùa Bạch
Long, Lầu Phật; chia nhóm tham gia các hoạt động: giới thiệu công trình xây dựng
cột mốc chủ quyền (cột cờ Bạch Long Vĩ), hoạt động cùng ngư dân trẻ… Kết thúc
chuyến đi thực tế, hầu hết các đại biểu đều tỏ ra tiếc nuối khi không được ở lại
trên đảo lâu hơn để thâm nhập cuộc sống của quân dân địa phương trên đảo, tìm
hiểu kỹ hơn đời sống của ngư dân và giao lưu cùng với các chiến sĩ.
Tận dụng cơ hội quý giá được về với biển đảo quê hương và tham
gia các hoạt động trong chuyến hành trình “săn bắt con nghệ thuật”, các văn nghệ
sĩ đều cố gắng tìm tòi, len lỏi vào các ngóc nghách để khám phá thiên nhiên,
con người, đời sống nơi đảo tiền tiêu. Mỗi người đều mang trong mình những xúc
cảm đặc biệt trong ngày trở về đất liền để tạo ra những nguồn cảm hứng mới
trong sáng tạo nghệ thuật.
Chia sẻ cảm xúc sau chuyến đi, nhạc sĩ Hoàng Ngân – Hội viên Hội
nhạc sĩ Việt Nam tâm sự: “Tôi đặc biệt yêu những người lính đảo và những thanh
niên xung phong tình nguyện đến công tác tại Bạch Long Vĩ. Trong những ngày
tham gia chuyến hành trình, tôi có cơ hội được gặp Tổng đội trưởng đội TNXP tại
huyện đảo Bạch Long Vĩ là đồng chí Nguyễn Công Diễn. Anh cho tôi xem những dòng
thơ anh viết khi đang làm nhiệm vụ vào năm 2013. Đọc những nét chữ viết vội
nhưng chan chứa tâm sự về tình cảm thiêng liêng của anh dành cho biển đảo, cho
Tổ quốc, tôi đã khóc vì xúc động. Và khi đó tôi biết, anh muốn tôi và các bạn bắt
tay vào cuộc cùng với họ, dùng trái tim nhiệt huyết và tâm hồn nghệ thuật của
mình để truyền tải thông điệp từ chính những người trong cuộc đến những người
con đất liền về tình yêu biển đảo, tình yêu Tổ quốc thiêng liêng”.
Đại biểu Nguyễn Ngọc Tú – GV chuyên ngành Sáng tác âm nhạc, ĐH
Văn hóa nghệ thuật Quân đội lại mang trong mình ấn tượng khác về Bạch Long Vĩ:
“Sự tận tâm chu đáo của liên đội TNXP Bạch Long Vĩ là điều mà tôi ấn tượng nhất,
họ chính là những người chuẩn bị cho đoàn nơi ăn, chốn ở cùng những bữa cơm chan
chứa lòng mến khách. Các bạn ấy cũng rất thiệt thòi nhưng luôn quyết tâm gắn bó
đời mình với đảo. Điều đó mới là điều đáng trân trọng”.
Được gọi vui là một trong những “lính thủy đánh bộ” chuyên
“săn” những khoảnh khắc độc của cả đoàn, nghệ sĩ Nhiếp ảnh Vũ Minh Hiếu – Giảng
viên trường ĐH SKĐA vừa đăng tải tấm ảnh chụp các thành viên trong buổi lễ chào
cờ đầu tiên trên đảo, vừa chia sẻ câu nói cảm động mà anh nhớ và tâm đắc nhất của
một đồng chí thanh niên xung phong đang sống và làm việc tại đây: “Ở đây chúng
em nghiêm túc lắm, sáng nào cũng làm lễ chào cờ rồi mới ai vào việc nấy, làm gì
thì làm”.
Anh cũng quan sát rất kỹ và nhận ra chính quyền địa phương
nơi đây rất quan tâm đến đời sống tâm linh của nhân dân và ngư dân trên đảo. Chùa
Bạch Long, đền thờ Đức Thánh Trần, miếu thờ cá Ông... đã và đang được xây dựng
trên đảo như khẳng định chủ quyền của đất nước qua đời sống văn hóa tinh thần của
người dân.
Đối với họa sĩ Nguyễn Doãn Sơn – GV trường ĐH Sư phạm Nghệ thuật
TW thì mỗi khoảnh khắc giá trị trong chuyến hành trình đều đáng được lưu lại. Tận
dụng thế mạnh của bản thân là khả năng ký họa, anh quan sát rất kỹ những hoạt động
trải nghiệm và nhiệt tình “xung phong” làm người “ghi” lại nhật ký hành trình
cho đoàn bằng các bức vẽ.
Còn trong buổi tổng kết Trại sáng tác, cô sinh viên Nguyễn
Phúc Tú Anh – Phó Chủ tịch Hội SV trường ĐH Mỹ thuật Công nghiệp lại nảy ra ý
tưởng sẽ tổ chức chương trình tình nguyện cho SV trường mình đến với đảo Bạch
Long Vĩ vào cuối năm vì đã trót “đắm đuối” với mảnh đất và con người nơi đây. Thông
qua Trại sáng tác, Tú Anh đã trình bày nguyện vọng của bản thân tới các cán bộ
lãnh đạo tại huyện đảo và nhận được sự ủng hộ cũng như tạo điều kiện nhiệt
tình.
… đến tác phẩm và dự định
tâm huyết của mỗi cá nhân
Tình yêu biển đảo, tình yêu Tổ quốc là nguồn cảm hứng bất tận đã
chắp cánh cho các tác phẩm của các văn nghệ sĩ thêm phần thăng hoa. Nhờ có bài
thơ chan chứa tình cảm thiêng liêng với biển đảo quê hương của người TNXP Nguyễn
Công Diễn, nhạc sĩ Hoàng Ngân đã mượn lời bài thơ ấy và cho ra đời đứa con tinh
thần đầu tiên sau chuyến đi mang tên “Tổ Quốc thiêng liêng” (Nhạc: Hoàng Ngân,
lời: Hoàng Ngân, Công Diễn).
Ngay khi vừa trở về sau chuyến đi, nhạc sĩ Thế Vinh (Hội viên
Hội Nhạc sĩ Việt Nam) cũng đã chia sẻ tới các thành viên trong đoàn tác phẩm
tâm huyết của mình là bài hát “Đất thiêng Bạch Long” với nhịp điệu vừa phải, giai
điệu vui tươi xen lẫn tự hào.
Còn GV ngành Sáng tác âm nhạc Nguyễn Ngọc Tú, vì đã bị ấn tượng
“dữ dội” bởi hình ảnh con sóng mạnh mẽ khi tàu bắt đầu ra đảo hay con sóng lăn
tăn thơ mộng khi tàu trở về đất liền nên chị đang cố gắng hoàn thành tác phẩm của
mình là bản giao hưởng Sóng sau khi đã viết xong chương I mang tên “Tổ quốc
sóng”. Chị tâm sự: “Chuyến đi đã cho tôi rất nhiều trải nghiệm và cảm xúc, một
tác phẩm ra đời sẽ không thể nói hết được những gì tôi muốn truyền tải, vậy nên
ca khúc “Bạch Long Vĩ hát” sẽ là sản phẩm tiếp theo của tôi (cười)”.
Là một trong các họa sĩ đại diện cho Hội Mỹ thuật Việt Nam
tham gia Trại sáng tác lần này, họa sĩ Lê Tiến Vượng tình nguyện cùng các đồng
nghiệp nhận nhiệm vụ sáng tác logo. Anh hào hứng chia sẻ: “Bạch Long Vĩ là Đảo
Thanh Niên – nơi TNXP tình nguyện ra đảo xây dựng, bảo vệ và lập nghiệp ở đó.
Đây cũng là đảo tiền tiêu biên cương trên biển Đông, nơi chịu nhiều giông bão,
hiểm nguy, những người lính đảo luôn phải chắc tay súng, vững tay chèo. Cảm hứng
thiết kế logo của mình được lấy từ hình ảnh con sóng, chiếc mũ tai bèo, ngọn hải
đăng…, bạn cũng sẽ thấy ở đó màu xanh của áo đoàn. Tên “Hải đăng xanh” được đặt
thành tên diễn đàn của các thành viên Trại sáng tác cũng vì lẽ đó”.
Nảy ra nhiều ý tưởng táo bạo, sau chuyến đi cô sinh viên trường
Mỹ thuật công nghiệp Nguyễn Phúc Tú Anh gấp rút cùng những người bạn của mình tại
trường đại học thực hiện bộ quà tặng “độc và lạ” có in logo, hình ảnh của
chương trình được làm từ chất liệu gốm sứ làm sản phẩm truyền thông cho Trại
sáng tác như vòng tay, cốc, mặt dây chuyền, vỏ USB… Tú Anh hi vọng có thể nhanh
chóng biến ý tưởng táo bạo này trở thành hiện thực để thu hút được nhiều sự
quan tâm của những người trẻ trong việc tuyên truyền về biển đảo.
Mỗi nghệ sĩ có những góc nhìn nghệ thuật khác nhau, qua đó,
các tác phẩm của họ cũng mang những giá trị nghệ thuật riêng, không ai giống
ai. Quan trọng hơn hết là mỗi thành viên tham gia Trại sáng tác đều mang trong
mình sứ mệnh cao cả trong việc tuyên truyền về chủ quyền biển đảo và ý thức được
về trách nhiệm của mình đối với từng tất đất, hòn đá dựng xây của bao thế hệ
cha ông ta đã ngã xuống gìn giữ vùng biển trời nơi hải đảo xa xôi.
Trong buổi tổng kết ngắn Trại sáng tác trước khi đoàn lên đường
trở về Hà Nội, đồng chí Lê Duy Hưng Thịnh – Phó ban Tuyên giáo TW Đoàn, đại diện
BTC cho biết: “Toàn bộ các tác phẩm hoàn thành của các nghệ sỹ sẽ được tổ chức
triển lãm, trưng bày công bố giới thiệu tới đông đảo quần chúng nhân dân nhằm sử
dụng trong các hoạt động tuyên truyền biển, đảo nói chung và Đảo Thanh Niên nói
riêng đến năm 2020”.
Bài: Đinh Hồng Anh
Giảng viên Học viện Báo chí & Tuyên truyền