Việc phân giới cắm mốc Việt Nam-Campuchia được thực hiện minh bạch theo
luật pháp quốc tế, các Hiệp ước và những cam kết mà 2 nước đã ký. Việc tuyên truyền nói xấu sự thật của Đảng đối lập là âm mưu để trục lợi chính trị.
Thời gian gần đây, các nghị sỹ của Đảng
đối lập Cứu quốc thường xuyên chỉ trích Chính phủ Campuchia thực hiện
việc phân giới cắm mốc biên giới Việt Nam– Campuchia không đúng quy
định.
Ủy ban Biên giới Quốc gia Campuchia cho
rằng, việc phân giới cắm mốc giữa Việt Nam và Campuchia được thực hiện
minh bạch đúng theo luật pháp quốc tế, các Hiệp ước và những cam kết mà 2
nước đã ký. Việc tuyên truyền nói xấu sự thật của Đảng đối lập là âm
mưu để trục lợi chính trị.
Trước năm 1954, Pháp đã vẻ xong bản đồ Bonne
tỷ lệ 1/100.000 cho Campuchia. Đây là bản đồ xưa nhất, được Chính phủ
đưa vào Hiến pháp Campuchia để bảo vệ chủ quyền lãnh thổ của mình. Căn cứ vào bản đồ Bonne, 2 Chính phủ Việt
Nam và Campuchia đã soạn thảo các Hiệp ước và những cam kết để thực hiện
phân giới cắm mốc Việt Nam- Campuchia.
Ông Va Kim Hong, Bộ trưởng Cao cấp, Chủ tịch
Ủy Ban Biên giới Quốc gia Campuchia cho biết, trong quá trình đàm phán
xây dựng các Hiệp ước, hai bên đã căn cứ vào Hiến pháp của mỗi nước để
đàm phán thương thảo một cách thận trọng và cầu thị để tìm ra giải pháp
mà hai bên đều chấp nhận được và không trái với Hiến pháp của mỗi nước.
Để triển khai có hiệu quả các Hiệp ước đã được ký, Campuchia đã thành
lập Ủy ban biên giới quốc gia với sự tham gia của các cấp chính quyền
địa phương.
"Ủy ban Biên giới quốc gia có đầy đủ thành
phần tham dự. Ở Trung ương có Ủy ban Biên giới Trung ương. Cấp tỉnh,
thành phố nơi có đường biên giới đi qua cũng có Ban Biên giới cấp tỉnh.
Cấp xã cũng có cán bộ kỹ thuật về biên giới. Khi đi làm nhiệm vụ đều có
lãnh đạo tỉnh, lãnh đạo huyện và các bộ kỹ thuật các cấp tham gia", ông
Va Kim Hong nói.
|
Hơn 83% số cột mốc giữa hai nước đã được cắm xong. |
Thủ tướng Campuchia Hun Sen cho biết, công
tác phân giới cắm mốc giữa Việt Nam và Campuchia đã diễn ra theo chiều
hướng tích cực. Đến nay đã có hơn 83% số cột mốc được cắm.
Tuy nhiên, thời gian gần đây một số đại biểu
Quốc hội của Đảng đối lập thường xuyên tuyên truyền phản đối, nói Chính
phủ sử dụng bản đồ giả để thực hiện việc phân giới cắm mốc quốc gia với
Việt Nam. Để bình ổn dư luận, Chính phủ đi mượn bản đồ của Liên hiệp
quốc và một số cường quốc khác về để so sánh.
Thủ tướng Hun Sen nói: “Nếu căn cứ theo
nguyên tắc, tôi không cần phải mượn bản đồ nào về để so sánh đâu. Vì
năm 2005 Quốc hội, Thượng viện và Quốc vương đã thông qua và đồng ý cho
Chính phủ sử dụng bản đồ hiện có rồi. Nhưng để người dân yên tâm hơn,
chúng tôi phải đi mượn bản đồ về để so sánh. Sau khi so sánh thấy 2 bản
đồ giống nhau người dân đã yên tâm và tin tưởng vào Chính phủ”.
Mặc dù vậy, Chính phủ vẫn tiếp tục mượn thêm
bản đồ từ các cường quốc khác như: Anh, Pháp và Mỹ. Ông Hor Nam Hong,
Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao và Hợp tác quốc tế cho biết: vài
ngày nữa, các cường quốc này sẽ mang bản đồ Campuchia về cho Chính phủ
mượn và so sánh với bản đồ mà Chính phủ đang sử dụng trong phân giới cắm
mốc hiện nay.
"Tôi hy vọng rằng vài ngày tới đây các ông
sẽ sáng mắt, sáng mắt đối với những gì mà các ông đã nói. Sau khi được
sáng mắt rồi hy vọng các ông sẽ chấm dứt tình trạng nói xấu Chính phủ
thông qua các trang mạng xã hội”, ông Hor Nam Hong nói.
|
Những cam kết của 2 Ủy ban biên giới quốc gia tiếp tục được ký. |
Ông Keo Remi, Quốc vụ khanh - Phó Chánh văn
phòng Chính phủ cho biết, trước đây ông cũng là thành viên của Đảng đối
lập, nhưng vì không thể chịu được tính hiếu chiến của Đảng đối lập nên
ông đã bỏ Đảng, đồng thời xin gia nhập vào Đảng nhân dân Campuchia (CPP)
để có cơ hội phục vụ nhân dân.
Ông cho biết, mấy chục năm nay, Chính phủ
Campuchia đã có nhiều nỗ lực trong công tác phân giới cắm mốc biên giới
với Việt Nam, đến nay đã đạt được kết quả nhất định; xây dựng đường biên
giới giữa hai nước thành đường biên giới hòa bình, hữu nghị, ổn định
lâu dài, góp phần phát triển quan hệ hợp tác láng giềng tốt đẹp giữa hai
nước./.
Theo VOV