Chủ Nhật, 22/9/2024
Giáo dục
Thứ Năm, 8/11/2012 23:14'(GMT+7)

Cần chấm dứt “đọc - chép” và “nhìn - chép”

Dạy học bằng các thiết bị hiện đại giúp tăng cường khả năng tương tác giữa giáo viên và học sinh. Ảnh minh hoạ

Dạy học bằng các thiết bị hiện đại giúp tăng cường khả năng tương tác giữa giáo viên và học sinh. Ảnh minh hoạ


Từ “đọc chép”...

Những năm 60-70 cuả thế kỷ trước, nền giáo dục nước ta còn gặp nhiều khó khăn. Thầy cô giáo còn thiếu về số lượng và việc đào tạo người đứng lớp cũng chưa được bài bản (thường chỉ là hệ 7+3 ; 7+2 ; 10+3 ; 10+2). Công bằng mà nói, đội ngũ các nhà giáo thế hệ này đã đóng góp công sức rất lớn cho nền giáo dục nước nhà. Các thầy cô giáo rất nhiệt tình truyền thụ cho các em kiến thức đã học trong trường sư phạm (và cả kiến thức thực tế ngoài đời sống). Nhưng do đất nước còn chiến tranh, đội ngũ giáo viên thiếu nhiều về số lượng trong khi nhu cầu lại rất lớn, vì vậy việc đào tạo ghép nhiều môn là bình thường (có khi đào tạo theo 2 ban: tự nhiên và xã hội). Mỗi thầy cô giáo đứng lớp thường phải đảm bảo dạy nhiều môn của cả ban (và chéo ban cũng có). Vì thế, trong 1 tiết học chỉ có thể đảm bảo truyền thụ đủ kiến thức sách giáo khoa (SGK). Thời đó, SGK và sách tham khảo rất thiếu - cả trường chỉ có 1 tủ sách dùng chung, mỗi lớp chỉ được khoảng 7-8 bộ SGK đã cũ, có những cuốn mất đến trang thứ 8 thứ 9 - nên học sinh không thể tự nghiên cứu ở nhà. Thế mới sinh ra giáo viên soạn giáo án chỉ tóm lược được những ý chính, khi lên lớp giảng bài cho học sinh xong, thầy đọc, trò chép vào vở (thậm chí đọc từng dấu chấm dấu phẩy). Phương pháp này gọi là đọc - chép.

Sau khi đất nước thống nhất, nền giáo dục nước nhà đã có bước chuyển biến đáng kể. Từ khi chương trình cải cách giáo dục đựợc triển khai đến tất cả các cấp học (năm 1979) và tiến hành đổi mới giáo dục liên tục từ năm 1986 đến nay, thì ngành giáo dục đã quyết tâm khắc phục hiện tượng “đọc - chép” trong giảng dạy. Phương pháp dạy mới cùng với sự hỗ trợ cuả các phương tiện dạy học khác như đồ dùng trực quan, máy chiếu, SGK, sách tham khảo đã giúp cho giáo viên hoàn thành bài giảng. Giáo viên có thể dùng nhiều hình thức giúp học sinh tiếp thu nhẹ nhàng mà hiệu quả bài học như sắm vai (với các môn xã hội) và tổ chức trò chơi (ở tất cả các môn học) đều phát huy tốt khả năng tư duy cuả học sinh.

... Đến “nhìn - chép”

Phương pháp dạy học đã thay đổi, cách thức lên lớp của các thầy cô cũng hiện đại hơn. Do đẩy mạnh ứng dụng CNTT trong giảng dạy, từ chỗ chỉ dạy giáo án viết tay, các thầy cô đã lên lớp bằng giáo án điện tử. cách dạy học mới mẻ này đã hấp dẫn học sinh và cũng đem lại nhiều tiện lợi cho giáo viên khi lên lớp. Trong giáo án điện tử, các trang trình chiếu đều được thiết kế công phu và hiển thị trên màn hình. Tuy nhiên, nhiều giáo viên đã quá lạm dụng nên không hề ghi bảng mà đưa tất lên màn hình. Thậm chí cả phần ghi bài của học sinh, thầy cô cũng ký hiệu sẵn “bàn tay cầm bút” và quy ước với học sinh màu chữ để các em ... nhìn vào đó mà chép lại. Vậy là đọc chép đã được loại bỏ, thì nay lại nảy sinh một vấn đề mới, đó là “nhìn - chép”.

Nếu như phải ghi bảng, thầy cô sẽ ngại viết mà cho học sinh ghi ít hơn, nhưng nhờ có trang trình chiếu, các thầy cô tha hồ mà đưa các vấn đề nội dung bài học vào để học sinh ghi lại mà không sợ mất thời gian của cô đọc, không sợ “cháy giáo án”. Vậy là để có đủ nội dung bài học, các em phải cắm cúi nhìn vào các trang trình chiếu có ký hiệu “bàn tay cầm bút” để chép vào vở. Nếu không chép nhanh cô sẽ chuyển sang trang khác, nội dung này không hề lưu lại trên bảng đen, và nếu không viết kịp, bài ghi sẽ không đầy đủ.

Ngay cả những giờ học không sử dụng máy chiếu, có nhiều thầy cô vẫn cho học sinh “nhìn - chép” trên bảng đen. Do không được đọc - chép nên nhiều thầy cô đã ghi tất tần tật những phần cần ghi nhớ của bài học lên bảng. Có những giờ học cô cứ cắm cúi ghi và trò cắm cúi chép, sợ không đủ thời gian nên lời giảng ít đi. Vì khối lượng kiến thức nhiều, lại không chịu đầu tư chắt lọc nên có người suốt cả giờ học chỉ cắm cúi ghi bảng mà không để ý quan sát học sinh trong giờ học. Hiện tượng “cô ghi, trò chép” vẫn diễn ra, có điều không phải đọc chép mà là ... nhìn - chép.

Cần chấm dứt cả “đọc - chép” và “nhìn - chép”

Theo phương pháp dạy học mới “lấy học sinh làm trung tâm” đòi hỏi người thầy phải đào sâu suy nghĩ, chắt lọc kiến thức trước khi lên lớp. Học trò cũng phải nghiên cứu trước bài ở nhà rồi đến lớp nêu vấn đề, thảo luận hay đưa ra các ý kiến của mình trong hoạt động nhóm. Tất cả hoạt động trong giờ học đều theo sự hướng dẫn gợi mở giảng giải của thầy cô, cùng với việc các em nêu ý kiến để trao đổi và thầy cô giải đáp. Đó là cách học và dạy theo phương pháp mới. Với cách học này, học trò được tích hợp kiến thức theo hình thức tích hợp ngang (giữa các môn) và tích hợp dọc (giữa lớp trên và lớp dưới). Nếu vẫn áp dụng dạy học theo cách “đọc - chép” và “nhìn - chép” như trên sẽ khiến học sinh thụ động, vì nó không phát huy tính tích cực của các em trong lĩnh hội kiến thức mới.

Ngành giáo dục đang quyết tâm thực hiện cuộc cải cách đổi mới phương pháp dạy học. Thiết nghĩ để phát huy tốt vai trò hướng dẫn gợi mở của người thầy, để việc đổi mới toàn diện và nâng cao chất lượng giáo dục, cần kiên quyết nói không với cách dạy học “đọc - chép” và “nhìn - chép” như đã nêu trên.

Nguyễn Thị Diệp

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất