Theo tổng hợp của Thường trực Ban Chỉ đạo, trong quý III, công nghiệp CNTT vẫn giữ tốc độ tăng trưởng cao do xuất khẩu các thiết bị phần cứng, máy tính, điện tử và điện thoại di động tiếp tục tăng trưởng mạnh.
Ước tính doanh thu toàn ngành đạt khoảng trên 16 tỷ USD, tăng trưởng 45% so với cùng kỳ.
Trong đó, phần cứng – điện tử vẫn là mặt hàng xuất khẩu dẫn đầu của Việt Nam trong 9 tháng qua. Cụ thể, kim ngạch xuất khẩu điện thoại di động và linh kiện đạt 8,6 tỷ USD, tăng 120,6%; điện tử, máy tính và linh kiện đạt 5,4 tỷ USD, tăng 77,3%. Ước tính tổng doanh thu công nghiệp phần cứng điện tử tăng trưởng trên 50% so với cùng kỳ 2011.
Về công nghiệp phần mềm, ước tính tổng doanh thu toàn lĩnh vực đạt khoảng 1 tỷ USD, tăng 7% so với cùng kỳ. Trong bối cảnh đó, các doanh nghiệp chủ lực như FPT vẫn tăng trưởng tốt, tổng doanh thu từ xuất khẩu phần mềm của FPT tăng trưởng khoảng 30% so với cùng kỳ.
Lĩnh vực công nghiệp nội dung số vẫn giữ được tốc độ tăng trưởng khá, ước tính 9 tháng đầu năm đạt mức tăng trưởng khoảng 15%, doanh thu khoảng 1 tỷ USD.
Điểm sáng ứng dụng CNTT trong giáo dục
Đến nay, 100% trường học đã thành lập bộ phận chuyên trách CNTT, tham mưu cho lãnh đạo triển khai các hoạt động ứng dụng CNTT trong nhà trường.
Tất cả các trường đại học đã có website riêng, hoạt động hiệu quả, ổn định. Các trường cũng đã có hệ thống thư điện tử dùng riêng, cấp cho toàn thể cán bộ, giáo viên, công nhân viên trong trường để sử dụng khi trao đổi thông tin trên internet.
Về hạ tầng kỹ thuật, hầu hết các trường đã sử dụng cáp quang kết nối internet. Nhiều trường đã triển khai hệ thống internet không dây miền phí trong khuôn viên trường, đáp ưng nhu cầu kết nối học tập, nghiên cứu của sinh viên và giáo viên.
Việc nghiên cứu khai thác, giảng dạy về mã nguồn mở đã được một số trường triển khai, đặc biệt ở khối trường có đào tạo về CNTT.
Ứng dụng CNTT trong đổi mới phương pháp dạy học đã được triển khai tích cực và đạt hiệu quả. Nhiều giáo viên đã lập các trang web, blog cá nhân để chia sẻ tài liệu và trao đổi với sinh viên. Nhiều trường đại học đã xây dựng cổng e-learning cung cấp môi trường học tập ảo, đáp ứng nhu cầu tự học của sinh viên; tự phát triển phần mềm để đáp ứng nhu cầu sử dụng nội bộ.
Thống nhất thành lập Ủy ban Quốc gia về CNTT-TT
Các thành viên Ban Chỉ đạo đã thảo luận và cơ bản nhất trí với nội dung kế hoạch thành lập Ủy ban Quốc gia về CNTT-TT.
Ủy ban sẽ do Thủ tướng Chính phủ đứng đầu. Hai Phó Chủ tịch Ủy ban dự kiến do một Phó Thủ tướng và Bộ trưởng Bộ Thông tin-Truyền thông trực tiếp đảm nhiệm. Thành viên của Ủy ban là lãnh đạo một số Bộ, ngành Trung ương…
Ủy ban có chức năng nghiên cứu, đề xuất với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ các phương hướng, giải pháp quan trọng, mang tính chất liên ngành để triển khai các hoạt động thúc đẩy phát triển và ứng dụng CNTT-TT; giúp Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo, điều hòa, phối hợp giữa các Bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ trong việc triển khai các giải pháp để đẩy mạnh việc thực hiện các chương trình, chiến lược, kế hoạch, đề án quốc gia, dự án trọng điểm về CNTT-TT.
Kết luận cuộc họp, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân, Trưởng Ban Chỉ đạo Quốc gia về CNTT-TT, đề nghị Bộ Thông tin-Truyền thông, Văn phòng Chính phủ, các bộ, ngành liên quan nhanh chóng hoàn thiện dự thảo Nghị quyết về việc thành lập Ủy ban Quốc gia về CNTT-TT để trình Thủ tướng Chính phủ trước ngày 10/11.
Phó Thủ tướng biểu dương những nỗ lực và kết quả trong duy trì và phát triển sản xuất kinh doanh, vượt qua giai đoạn khó khăn của các doanh nghiệp ngành CNTT, đặc biệt là các doanh nghiệp sản xuất phần cứng. Ngay trong nửa đầu tháng 12 tới đây, Phó Thủ tướng đề nghị sẽ có chuyến thăm, làm việc với nhà máy Samsung tại Việt Nam để tham quan mô hình, đồng thời nghiên cứu cơ chế để các doanh nghiệp Việt Nam có thể tham gia sâu hơn vào công đoạn sản xuất phụ trợ.
Đối với chương trình máy tính giá rẻ cho học sinh, sinh viên, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân gợi ý nên hướng tới nghiên cứu sản xuất cả máy tính bảng, quan trọng nhất là xác định đối tượng người dùng phù hợp để có thiết kế chính xác, giá thành phù hợp.
Để tiếp tục đẩy mạnh kết quả ứng dụng CNTT trong giáo dục, Phó Thủ tướng đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo cần sớm có báo cáo tổng thể tổng kết việc ứng dụng mã nguồn mở, từ đó có các giải pháp khuyến khích, nhân rộng trong thời gian tới.
Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân cũng đề nghị thường trực Ban Chỉ đạo Quốc gia về CNTT-TT nghiên cứu hình thức để tôn vinh, khuyến khích thanh niên ưu tiên ứng dụng CNTT trong học tập, công việc và cuộc sống.
Để thực hiện hiệu quả hơn đề án “Đưa Việt Nam trở thành nước mạnh về CNTT-TT”, Phó Thủ tướng đề nghị trước mắt, các Bộ, ngành phải rà soát để xác định danh mục, mục tiêu những chương trình, nhiệm vụ cần tập trung chỉ đạo thực hiện để đẩy mạnh ứng dụng CNTT trong ngành mình trong vòng 5 năm tới, để từ đó có bước chuẩn bị về con người, tài chính để thực hiện đề án./.
(Theo: Xuân Tuyến/VGP)