Đồng chí Nguyễn Văn Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Kinh tế Trung ương cho rằng, Trung ương cần có cơ chế, chính sách đặc thù cho các tỉnh trung du miền núi Bắc Bộ, trong đó có Bắc Kạn; đồng thời có định hướng ưu tiên ngân sách cho vùng khó khăn, đặc biệt là để phát triển hệ thống hạ tầng giao thông.
Đồng chí Nguyễn Văn Bình phát biểu như trên tại Hội nghị tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết số 37-NQ/TW của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế-xã hội và đảm bảo quốc phòng an ninh vùng trung du và miền núi Bắc Bộ đến năm 2020, do Tỉnh ủy Bắc Kạn tổ chức ngày 9/7.
Sau khi Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết 37, cấp ủy, chính quyền các cấp trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo quán triệt, tổ chức thực hiện nghị quyết và các văn bản hướng dẫn của Trung ương đảm bảo đúng kế hoạch đề ra.
Sau 15 năm thực hiện nghị quyết, các lĩnh vực của Bắc Kạn phát triển khá toàn diện và có chuyển biến tích cực, cụ thể tốc độ tăng trưởng kinh tế của tỉnh giai đoạn 2004-2018 đạt bình quân 8,78%/năm. GRDP (theo giá hiện hành) đạt trên 9.962 tỷ đồng, tăng hơn 11 lần; thu nhập bình quân trên đầu người đạt 30,4 triệu đồng/năm, tăng 9,5 lần so với năm 2004.
Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực, từ nông nghiệp-dịch vụ-công nghiệp sang dịch vụ-nông nghiệp-công nghiệp. Thu ngân sách năm 2018 đạt 644 tỷ đồng, tăng gần 10 lần so với năm 2004. Khu vực nông, lâm nghiệp phát triển khá toàn diện. Từ năm 2004 đến hết năm 2018, tỉnh Bắc Kạn đã trồng được hơn 103.000ha rừng, nâng độ che phủ rừng từ 53% lên 72,6% và là tỉnh có độ che phủ rừng cao nhất cả nước.
Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới được quan tâm đầu tư. Đến nay, toàn tỉnh có 100% xã hoàn thành quy hoạch xây dựng nông thôn mới; 15 xã đạt chuẩn nông thôn mới...
Công nghiệp được ưu tiên tập trung khai thác tiềm năng, lợi thế về tài nguyên khoáng sản, thủy điện, chế biến nông lâm sản, góp phần quan trọng vào mục tiêu chuyển dịch cơ cấu, tăng trưởng kinh tế, tăng nguồn thu ngân sách, tạo thêm việc làm cho người lao động. Tỉnh cũng đã xây dựng được một khu công nghiệp với diện tích 73,5ha và hiện có sáu dự án đầu tư hoạt động sản xuất.
Cơ sở vật chất kỹ thuật, kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội được tăng cường, diện mạo đô thị và nông thôn có nhiều thay đổi. Công tác xóa đói, giảm nghèo, giải quyết việc làm và an sinh-xã hội được quan tâm. Đến năm 2018, tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống còn 21,88%. Trong giai đoạn năm 2004-2018, toàn tỉnh đã giải quyết việc làm cho 83.581 lao động...
An ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn tỉnh được bảo đảm. Tiềm lực, thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân được tăng cường; chất lượng tổng hợp, sức mạnh chiến đấu của lực lượng vũ trang được nâng cao, cơ bản đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới.
Hệ thống chính trị của Bắc Kạn không ngừng được củng cố, vững mạnh về mọi mặt. Phương thức lãnh đạo của các cấp ủy Đảng từ tỉnh đến cơ sở được đổi mới. Tỉnh coi trọng công tác giáo dục chính trị tư tưởng và rèn luyện đạo đức, lối sống cho cán bộ, đảng viên được. Việc tinh gọn bộ máy, sắp xếp cơ quan chuyên môn các cấp được đẩy mạnh. Toàn tỉnh đã giảm một cơ quan cấp tỉnh, 16 phòng chuyên môn cấp huyện và 75 đơn vị sự nghiệp công lập.
Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện nghị quyết, tỉnh cũng gặp nhiều khó khăn. Cụ thể, Bắc Kạn là tỉnh khó khăn nhất trong vùng và cả nước; tốc độ tăng trưởng năm 2018 đứng thứ 13/14 tỉnh trong vùng. GRDP bình quân đầu người đạt khoảng 77% bình quân của vùng và đứng thứ 12/14 tỉnh trong vùng; là tỉnh duy nhất có số thu dưới 1.000 tỷ đồng... Tỷ lệ hộ nghèo tuy đã giảm mạnh thời gian qua nhưng vẫn cao, đứng 10/14 tỉnh; tỷ lệ xã đạt chuẩn nông thôn mới thấp, chỉ cao hơn một tỉnh trong vùng.
Bắc Kạn nói riêng và các tỉnh vùng trung du, miền núi phía Bắc Bộ nói chung phấn đấu đến năm 2030 tập trung phát triển kinh tế bền vững gắn với nâng cao chất lượng và sức cạnh tranh của nền kinh tế; xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội, đặc biệt là hạ tầng nông thôn và hạ tầng giao thông phục vụ phát triển du lịch.
Cùng với đó là từng bước nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân, nhất là khu vực nông thôn, chú trọng giảm nghèo bền vững; kết hợp chặt chẽ giữa phát triển kinh tế-xã hội với tăng cường củng cố quốc phòng-an ninh; giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội.
Bắc Kạn phấn đấu đến năm 2045 trở thành địa phương phát triển khá trong khu vực, hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại; giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, tạo dựng cho người dân có cuộc sống tốt, mức sống cao; an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được đảm bảo.
Tại Hội nghị, có nhiều kiến nghị như: đề nghị Ban Cán sự Đảng Chính phủ, các bộ, ngành xem xét ban hành chương trình, chính sách riêng đặc thù về tổng thể đầu tư phát triển kinh tế-xã hội vùng dân tộc thiểu số, miền núi và vùng kinh tế-xã hội có điều kiện đặc biệt khó khăn.
Ngoài ra, tỉnh Bắc Kạn đề nghị Chính phủ, các bộ, ngành trung ương nghiên cứu, xây dựng đề án thí điểm thực hiện một số chính sách liên quan đến bảo vệ, phát triển rừng, ứng phó với biến đổi khí hậu; đề nghị Chính phủ xem xét có chính sách ưu đãi, thu hút đầu tư, phát triển công nghiệp cho các tỉnh vùng núi phía Bắc, đặc biệt là các tỉnh miền núi cao, khó khăn như Bắc Kạn...
Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Văn Bình đánh giá cao sự cố gắng, nỗ lực mà Bắc Kạn đã đạt được trong thời gian qua; chia sẻ với những khó khăn mà Bắc Kạn đang gặp phải.
Đối với Bắc Kạn, đồng chí Nguyễn Văn Bình lưu ý tỉnh nên lấy nông nghiệp làm hướng phát triển chính, trong đó phát triển nông nghiệp cần thân thiện với môi trường. Riêng về công nghiệp, tỉnh chỉ nên phát triển công nghiệp chế biến cho nông nghiệp.
Đặc biệt, mô hình phát triển của Bắc Kạn phải khác những nơi khác. Tỉnh cần tập trung xây dựng mô hình phát triển thân thiện với môi trường, bảo vệ hệ thống sinh thái.
Trong lĩnh vực chăn nuôi và lâm nghiệp, tỉnh cần tập trung theo hướng chăn nuôi đại gia súc và trồng rừng phải chuyển hướng sang trồng cây gỗ lớn để gia tăng nguồn thu kinh tế từ rừng...
Chiều cùng ngày, đồng chí Nguyễn Văn Bình và đoàn công tác tới thăm Mẹ Việt Nam Anh hùng Nguyễn Thị Bé tại thành phố Bắc Kạn và Mẹ Việt Nam Anh hùng Mông Thị Thi tại xã Cẩm Giàng, huyện Bạch Thông.
Nhân dịp này, Ngân hàng Nhà nước đã trao tặng 5 tỷ đồng cho huyện Ngân Sơn để xây dựng Trường Mầm non Đức Vân./.
(TTXVN)