Giai đoạn 2017-2020 phải hoàn thành thoái vốn 403 doanh nghiệp, nhưng đến nay mới chỉ thoái vốn tại 88 doanh nghiệp đạt 21,8%.
“Các Bộ ngành địa phương cần tiếp tục rà soát toàn diện các văn bản pháp luật để tháo gỡ vướng mắc khó khăn trong công tác cổ phần hóa, thoái vốn, đảm bảo công khai, minh bạch, rõ ràng và khả thi.” Đây là yêu cầu của Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, Trưởng Ban Chỉ đạo Đổi mới và phát triển doanh nghiệp tại hội nghị giao ban của Ban Chỉ đạo triển khai nhiệm vụ thời gian tới, diễn ra sáng nay tại Trụ sở Chính phủ.
Theo báo cáo của Ban Chỉ đạo 6 tháng qua đã phê duyệt phương án cổ phần hoá 4 doanh nghiệp Nhà nước và 2 đơn vị sự nghiệp công lập. Trong đó tổng giá trị doanh nghiệp là 680,86 tỷ đồng, giá trị vốn nhà nước là 615, 29 tỷ đồng. Đã IPO 5 doanh nghiệp, 1 đơn vị sự nghiệp, thu về 562,707 tỷ đồng. Bên cạnh đó, đã thoái vốn nhà nước tại 30 doanh nghiệp với giá trị sổ sách là 2.769,711 tỷ đồng, thu về 4.938,984 tỷ đồng. Như vậy tổng số thu từ cổ phần hoá, thoái vốn từ đầu năm đến nay là 5.501,691 tỷ đồng.
Luỹ kế từ năm 2016 đến nay, cả nước đã cổ phần hoá 162 doanh nghiệp với tổng quy mô vốn nhà nước được xác định lại đạt 205.433,2 tỷ đồng, bằng 108% tổng giá trị phần vốn nhà nước tại các doanh nghiệp cổ phần hoá cả giai đoạn 2011-2015...
Qua thảo luận một số Bộ, ngành địa phương phản ánh vẫn còn gặp vướng mắc trong triển khai thực hiện một số nội dung về sắp xếp, phê duyệt phương án sử dụng đất, xác định giá trị doanh nghiệp, phần vốn cổ phần hóa, thoái vốn theo các Nghị định 126, 167, 32 của Chính phủ và Quyết định 22 về chuyển đơn vị sự nghiệp thành công ty cổ phần.
“Tôi cho rằng về phương án sử dụng đất theo Nghị định 167 thì chặt chẽ nhưng theo tôi phải làm lại thứ hai là các doanh nghiệp khi áp dụng Nghị định 167 vẫn chưa triệt để nhất là trong xây dựng phương án cổ phần hóa còn nhiều thiếu sót liên quan đến đối tượng điều chỉnh rồi diện tích đất còn nhiều sai lầm” - Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Doãn Toản cho biết.
Đề cập về vấn đề quyết toán trong cổ phần hóa, Chủ tịch Hội đồng thành viên Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam Trần Sỹ Thanh thì cho rằng: “Riêng vấn đề quyết toán mắc ở tất cả các doanh nghiệp bây giờ hiểu từ quyết toán mỗi lĩnh vực một phạm trù có ý nghĩa khác nhau nhưng quyết toán cổ phần hóa lại khác, quyết toán công nợ, quyết toán xây dựng cơ bản cũng khác nhau. Nếu chúng ta không giải thích rõ từ quyết toán cho chuẩn sẽ khiến tắc toàn bổ vấn đề quyết toán trong cổ phần hóa dẫn đến các doanh nghiệp tổng công ty không làm được gì cả.”
Kết luận hội nghị, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, Trưởng Ban chỉ đạo Đổi mới và Phát triển Doanh nghiệp chỉ rõ, tiến độ cổ phần hóa và thoái vốn Nhà nước tại doanh nghiệp vẫn chậm so với kế hoạch đề ra, bởi theo Danh mục đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định 1232 giai đoạn 2017-2020 phải hoàn thành thoái vốn 403 doanh nghiệp, nhưng đến nay mới chỉ thoái vốn tại 88 doanh nghiệp đạt 21,8%.
Nguyên nhân là do một số Bộ, ngành địa phương Tập đoàn kinh tế, Tổng công ty Nhà nước và DNNN chưa nghiêm túc, quyết liệt trong chỉ đạo điều hành, triển khai thực hiện, đặc biệt vẫn còn hiện tượng không dám làm, không dám chịu trách nhiệm, viện dẫn vào các khó khăn vướng mắc để chậm hoặc không thực hiện.
“Chúng ta làm quản lý phải nhanh nhạy phát hiện ra những điều bất thường không thể ngồi chờ giao nhiệm vụ mới làm. Tôi thấy rất lạ các đồng chí toàn tham mưu ngược Chính phủ, Thủ tướng toàn phải đi tham mưu cho các Bộ, ngành và đã chỉ ra rồi còn không làm. Các đồng chí thấy từ một loạt Nghị định 32, 126, 167, Nghị định 20 giao dịch không liên kết rồi Nghị định về DATC. Vừa rồi là vấn đề xử lý trách nhiệm việc chậm công bố thông tin ai đáng khiển trách thì phải khiển trách, đại diện chủ sở hữu không thực hiện cũng phải cảnh cáo, chính vì vậy tất các đồng chí Tập đoàn, Tổng công ty phải rà lại ngay” - Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ yêu cầu.
Trên tinh thần này, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đề nghị, các Bộ ngành địa phương khẩn trương xây dựng, ban hành hoặc trình cấp có thẩm quyền phê duyệt phương án cơ cấu lại các doanh nghiệp Nhà nước trực thuộc theo quy định; kiểm điểm, xử lý nghiêm trách nhiệm của cá nhân, tổ chức liên quan về việc chậm phê duyệt phương án cổ phần hóa theo quy định. Bên cạnh đó, cần nghiêm túc khẩn trương rà soát, cho ý kiến phê duyệt kịp thời phương án sử dụng đất theo quy định đối với các doanh nghiệp nhà nước, các doanh nghiệp cổ phần hóa có đất đai tại các địa phương, chủ động tháo gỡ, khó khăn vướng mắc và đẩy nhanh tiến độ thực hiện kế hoạch cổ phần hóa, thoái vốn./.
Theo VOV.VN