Thứ Ba, 24/9/2024
Kinh tế
Thứ Ba, 22/11/2016 15:21'(GMT+7)

Cần cơ chế thúc đẩy doanh nghiệp đầu tư năng lượng tái tạo



* Thu hút doanh nghiệp tham gia 


Tại hội thảo “Năng lượng tái tạo năm 2016” do Liên minh Năng lượng bền vững Việt Nam tổ chức vừa qua, ông Đặng Đình Thống, Phó Viện trưởng Viện Năng lượng sạch Việt Nam nhấn mạnh: Hoạt động khảo sát, tìm kiếm địa điểm của các nhà đầu tư vào lĩnh vực năng lượng gió, năng lượng mặt trời hiện nay đang rất sôi động nhưng các nhà đầu tư đang chờ đợi cơ chế giá điện, bởi hiện cơ chế giá điện chưa đủ hấp dẫn cho các nhà đầu tư tham gia đầu tư vào điện tái tạo. 


Theo báo cáo của Bộ Công Thương, hiện nay có rất ít các dự án năng lượng tái tạo bán điện cho Tập đoàn điện lực Việt Nam (EVN). Đối với điện gió, hiện có tới 46 dự án đầu tư nhưng mới chỉ có 2 dự án bán điện cho EVN, trong khi đó, điện mặt trời vẫn chưa có dự án nào phát điện lên lưới. Chính sách phát triển năng lượng tái tạo hiện mới chỉ được xây dựng ở từng khu vực và một số lĩnh vực như điện gió, nên chưa tạo ra được hành lang pháp lý đồng bộ thu hút doanh nghiệp tham gia, ông Đặng Đình Thống nói. 


Thực tế, Chính phủ đã phê duyệt Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia giai đoạn 2011 – 2020 có xác định đến 2030, trong đó đề rõ mục tiêu ưu tiên phát triển nguồn năng lượng tái tạo cho sản xuất điện, tăng tỉ lệ điện năng sản xuất từ các nguồn năng lượng tái tạo. Đồng thời ban hành chỉ thị, chỉ đạo các bộ, ngành phối hợp xây dựng các quy chuẩn kỹ thuật, định mức sử dụng năng lượng và lộ trình áp dụng cho từng ngành sản xuất công nghiệp, khuyến khích sử dụng các trang thiết bị, phương tiện có hiệu suất sử dụng năng lượng cao, tiết kiệm năng lượng. Bên cạnh đó, nhằm thu hút các nhà đầu tư tư nhân tham gia lĩnh vực năng lượng tái tạo, Quyết định 2068 của Thủ tướng phê duyệt Chiến lược phát triển năng lượng tái tạo của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 quy định EVN phải mua tất cả các nguồn năng lượng tái tạo được doanh nghiệp sản xuất. Quyết định 2068 cũng yêu cầu các nhà đầu tư sử dụng nhiều nhiên liệu hóa thạch phải có trách nhiệm phát triển năng lượng tái tạo, như cứ phát triển 1.000 MW điện than thì phải có 30 MW nguồn điện tái tạo để ràng buộc, yêu cầu các doanh nghiệp phải đầu tư năng lượng tái tạo. 


Ông Phạm Trọng Thực, Vụ trưởng Vụ Năng lượng tái tạo (Tổng cục Năng lượng, Bộ Công Thương) cho rằng: Theo yêu cầu của Chính phủ, sau năm 2018 sẽ phải có một số dự án điện mặt trời được đưa vào vận hành để bổ sung vào nguồn điện. Để khuyến khích lắp đặt hệ thống năng lượng mặt trời trên mái nhà, đã có chính sách quy định cơ chế thanh toán bù trừ. Theo đó, EVN sẽ đảm nhiệm vai trò là người mua điện theo giá Chính phủ quy định, khách hàng sẽ mua điện từ hệ thống điện quốc gia để sử dụng, sau đó được bù trừ trong thanh toán sau khi cân đối nguồn cung và nguồn điện tiêu thụ. 


Chính phủ có chính sách yêu cầu EVN mua hết nguồn điện tái tạo (điện gió, điện mặt trời), nhưng cơ chế giá điện chưa đủ hấp dẫn để thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào năng lượng tái tạo. Ông Phạm Trọng Thực cũng cho biết để giải quyết bài toán về giá, giảm áp lực tăng giá điện, trong thời gian tới sẽ thành lập Quỹ phát triển năng lượng tái tạo. Hiện chưa có mô hình cụ thể về quỹ này, nhưng quỹ này sẽ lấy một phần từ ngân sách, chi phí môi trường mà các doanh nghiệp điện sử dụng nhiên liệu hóa thạch đóng góp và các nguồn huy động khác. 


Việc phát triển năng lượng tái tạo của Việt Nam là cần thiết để đảm bảo an ninh năng lượng, góp phần cải thiện sức khỏe cộng đồng, bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu... Theo đó, Việt Nam sẽ cần có các chính sách phối hợp, bền vững ở cấp quốc gia và vùng lãnh thổ để mở rộng thị trường năng lượng tái tạo, thúc đẩy và triển khai công nghệ mới; cung cấp các cơ hội thích hợp khuyến khích sử dụng năng lượng tái tạo ở tất cả các lĩnh vực quan trọng trên thị trường năng lượng. 


* Đẩy mạnh nghiên cứu và khai thác các nguồn năng lượng mới 


Theo Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Trần Quốc Khánh, trong bối cảnh các nguồn nghiên liệu hóa thạch ngày càng cạn kiệt và tình trạng ô nhiễm môi trường, sự tốn kém trong khắc phục hậu quả thiên tai do biến đổi khí hậu, việc nghiên cứu các nguồn năng lượng mới thay thế ngày càng cần thiết và cấp bách. Việc đẩy mạnh nghiên cứu và khai thác các nguồn năng lượng mới có nhiều tiềm năng phát triển như năng lượng mặt trời, năng lượng gió, năng lượng sinh khối; ứng dụng công nghệ tiên tiến trên thế giới vào sản xuất, sử dụng năng lượng tái tạo ở quy mô công nghiệp; thúc đẩy các dự án kinh doanh sử dụng năng lượng tái tạo… trong việc giải quyết các bài toán về bảo vệ môi trường và phát triển bền vững là một trong những nội dung quan trọng trong chiến lược phát triển của Việt Nam. 


Để đẩy mạnh nghiên cứu và khai thác các nguồn năng lượng mới, hội thảo “Năng lượng tái tạo năm 2016” mới diễn ra đã thảo luận các vấn đề liên quan đến hầu khắp các lĩnh vực công nghệ năng lượng như quang điện và năng lượng mặt trời, hệ thống năng lượng gió, pin nhiên liệu, lưới điện thông minh, năng lượng sinh học và năng lượng địa nhiệt, ứng dụng công nghệ nano trong lĩnh vực năng lượng, điện tử công suất và chuyển đổi năng lượng, quản lý năng lượng trong các tòa nhà thông minh… Đồng thời, nhiều kết quả nghiên cứu, xu hướng mới nhất trên thế giới ứng dụng điện - điện tử trong các lĩnh vực tiết kiệm năng lượng, bảo vệ môi trường, quản lý và đổi mới công nghệ năng lượng, các loại hình sản phẩm, dịch vụ đang được áp dụng thành công và hiệu quả trên thế giới cũng được chia sẻ để Việt Nam có thể phát triển mạnh mẽ năng lượng tái tạo trong thời gian tới. 


Với nhiều năm kinh nghiệm làm việc tại Viện Công nghệ Massachusetts (Mỹ), GS. Konstantin Turitsyn đã giới thiệu về các công cụ toán học thế hệ mới cho mạng lưới điện thông minh và bền vững - một giải pháp nhằm phòng ngừa các sự cố xảy ra trong lĩnh vực năng lượng. 


Nhiều chuyên gia cho rằng rào cản chính cho phát triển năng lượng tái tạo là chi phí sản xuất, vì vậy cần đẩy mạnh nghiên cứu nhiều công nghệ mới trong lĩnh vực năng lượng tái tạo để cạnh tranh được với các nhiên liệu hóa thạch và có thể đáp ứng một phần nhu cầu năng lượng của Việt Nam. Ngoài yếu tố giá thành, chi phí sản xuất cao, một số rào cản khác đối với sự phát triển năng lượng tái tạo như: Thiếu chính sách và tổ chức hỗ trợ cho phát triển năng lượng tái tạo, thiếu thông tin và cơ sở dữ liệu phục vụ công tác quy hoạch và hoạch định chính sách; công nghệ và dịch vụ phụ trợ cho năng lượng tái tạo chưa phát triển; khó tiếp cận nguồn vốn để phát triển các dự án năng lượng tái tạo. Vì vậy, thời gian tới cần đẩy mạnh nghiên cứu và khai thác các nguồn năng lượng mới để đảm bảo kế hoạch dự kiến có thể khai thác 3.000 -5.000MW với sản lượng hơn 10 tỷ kWh từ năng lượng tái tạo vào năm 2025. Nếu chính sách hỗ trợ phù hợp thì năng lượng tái tạo sẽ đóng góp lớn cho nhu cầu của quốc gia về sản lượng điện./. 

TTX


Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất