Thứ Tư, 2/10/2024
Cuộc sống số
Thứ Năm, 18/6/2009 20:34'(GMT+7)

Cần có cơ quan quản lý chuyên ngành về tần số vô tuyến điện

Chiều nay (18/6), Quốc hội thảo luận tại Hội trường về dự án Luật Tần số vô tuyến điện. Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Kiên điều khiển phiên họp.

Theo gợi ý của Phó Chủ tịch Nguyễn Đức Kiên, Quốc hội tập trung thảo luận các nhóm vấn đề chính: phạm vi điều chỉnh, cơ quan quản lý Nhà nước về tần số vô tuyến điện, đấu giá – thi tuyển với các tần số chất lượng cao, quản lý và sử dụng tần số vô tuyến điện trong điều kiện đã gia nhập Tổ chức thương mại thế giới…

Đa số ý kiến đại biểu đều khẳng định, tần số vô tuyến điện (TSVTĐ) là tài nguyên ngày càng trở nên quý hiếm của nước ta, vì vậy phải quản lý và sử dụng nguồn tài nguyên này một cách khoa học, có hiệu quả hơn, nhằm đáp ứng được nhu cầu hội nhập của đất nước và hội nhập kinh tế, quốc tế. Việc ban hành Luật TSVTĐ là rất cần thiết.

Cơ quan quản lý TSVTĐ

Theo đại biểu Dương Kim Anh (đoàn Trà Vinh), hoạt động quản lý tần số vô tuyến điện liên quan đến nhiều ngành, nhiều lĩnh vực và có tính quốc tế cao. Tại nhiều nước hoạt động phối hợp đăng ký quốc tế về tần số vô tuyến điện và quỹ đạo vệ tinh là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của công tác quản lý tần số. Bởi vì sóng vô tuyến điện lan truyền tự do trong không gian, không bị giới hạn trong phạm vi vùng hay lãnh thổ, mỗi quốc gia đều phải tuân thủ theo quy định chung của quốc tế để hạn chế tối đa việc ảnh hưởng tiêu cực từ việc sử dụng tần số vô tuyến điện đến quốc gia khác và ngược lại.

"Tôi đồng ý là cần có cơ quan quản lý chuyên ngành về tần số vô tuyến điện, và quy định rõ vai trò, vị trí, chức năng nhiệm vụ của cơ quan này" - đại biểu Dương Kim Anh nói.

Đồng tình với quan điểm này, đại biểu Nguyễn Thị Nga (đoàn Hải Dương) bổ sung yêu cầu cần có điều khoản riêng để quy định rõ hơn về vai trò, vị trí và chức năng của cơ quan này. Vì các hoạt động quản lý tần số không chỉ liên quan đến lĩnh vực kinh tế-xã hội mà còn liên quan đến lĩnh vực an ninh quốc phòng và bảo vệ quyền lợi quốc gia về tần số vô tuyến điện.

Đại biểu Vũ Văn Hiến (đoàn Hậu Giang) phân tích rõ hơn: Việc quy định rõ về cơ quan quản lý chuyên ngành sẽ làm rõ hơn vai trò và trách nhiệm quản lý tài nguyên phù hợp với xu hướng và tách biệt giữa cơ quan làm chính sách của Bộ và cơ quan thực thi, cơ quan quản lý, để đảm bảo tính độc lập nhất định của cơ quan quản lý.

Đấu giá là cần thiết

Ngày nay, tốc độ phát triển của công nghệ thay đổi từng ngày, từng giờ trên toàn cầu đã đặt các cơ quan quản lý trước các vấn đề cần phải giải quyết như tài nguyên tần số ít, hiếm mà nhu cầu ứng dụng tần số vô tuyến điện rất lớn đồng thời việc sử dụng phổ tần bất hợp lý dẫn đến hiệu quả sử dụng tần số nói chung còn thấp. Trước tình hình này, theo các đại biểu Quốc hội việc thị trường hóa lĩnh vực viễn thông và tần số là một tất yếu.

Đại biểu Vũ Văn Hiến đưa ra cách nhìn thận trọng hơn về việc đấu giá TSVTĐ. “Nếu theo khái niệm chung thì các tần số thương mại là tần số chất lượng cao nhất. Tôi cho rằng, tần số chất lượng cao trước hết phải phục vụ cho an ninh, quốc phòng, phải phục vụ cho các cơ quan truyền thông lớn của Đảng và Nhà nước chứ không phải những tần số tốt nhất lại mang ra đấu giá. Chúng ta cần phải tách biệt giữa an ninh, quốc phòng, dịch vụ công ích của các cơ quan Đảng, Nhà nước. Chúng ta phải cân nhắc, cái gì có thể đấu giá trong điều kiện chúng ta phát triển kinh tế thị trường và hội nhập”.

Theo đại biểu Dương Kim Anh, kinh nghiệm ở một số nước cho thấy họ đã có chế độ thẩm tra định kỳ thu hồi đối với một số tần số có hiệu quả sử dụng không cao.

Không phải cơ quan nào cũng có quyền gây nhiễu

Đại biểu Nguyễn Minh Thuyết băn khoăn về việc dự kiến mở rộng quyền được gây nhiễu. Điều 47 dự thảo Luật mở rộng ra là cơ quan, tổ chức khác không thuộc Bộ quốc phòng, Bộ công an cũng được sử dụng thiết bị gây nhiễu. “Chúng tôi nghĩ mở như thế rộng quá, cản trở kế hoạch của người khác sử dụng tần số, làm ảnh hưởng đến quyền lợi của các tổ chức, cá nhân khác. Luật cần quy định rõ cơ quan nào được quyền gây nhiễu, ví dụ như bộ đội, công an thì không ai thắc mắc nhưng không nên mở quyền cho những cơ quan khác để gây nhiễu.

Về những hành vi bị nghiêm cấm, theo đại biểu Trần Thị Hoa Ry (đoàn Bạc Liêu), nên bổ sung trong dự thảo về nghiêm cấm sử dụng tần số vô tuyến điện không đúng theo quy định đã được cấp phép và sử dụng không xin phép của cơ quan quản lý Nhà nước. Vì không loại trừ trường hợp người sử dụng thiết bị vô tuyến điện lưu thông trôi nổi trên thị trường, không đúng theo qui hoạch của tần số dễ gây can nhiễu làm ảnh hưởng đến mạng thông tin vô tuyến điện đã được cấp phép sử dụng và gây khó khăn trong công tác quản lý, thậm chí gây thiệt hại cho người khác.

Việc bảo đảm an toàn bức xạ vô tuyến điện cũng được nhiều đại biểu đề cập. Gần đây, dư luận xã hội lo ngại những cột thu phát sóng của viễn thông, sử dụng điện thoại di động có hại đến sức khỏe của con người, nhất là sức khỏe sinh sản. “Đây là vấn đề mà nhân dân rất quan tâm, nhất là hiện nay có nhiều tổ chức truyền thông cho dựng các cột ăng ten trên các nóc nhà dân làm cho bà con xung quanh rất hoang mang, lo lắng về sức khỏe”-đại biểu Nguyễn Minh Thuyết (đoàn Lạng Sơn) nhấn mạnh.

Do đặc thù truyền lan không phụ thuộc địa giới hành chính của sóng vô tuyến điện, nên các vi phạm về phát sóng vô tuyến có phạm vi rộng, từ tỉnh này, sang tỉnh khác vượt quá khả năng xử lý của thanh tra cấp sở. Vì vậy, theo ý kiến của một số đại biểu cần thiết phải có thanh tra chuyên ngành tại cơ quan quản lý.

Ngày mai (19/6), Quốc hội làm việc tại Hội trường và tiến hành phiên bế mạc Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khoá XII./.

VOVNews

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất