Thứ Năm, 19/12/2024
Cuộc sống số
Thứ Năm, 18/6/2009 17:12'(GMT+7)

Phê duyệt kế hoạch tổng thể phát triển nguồn nhân lực CNTT

Ðào tạo nghề CNTT cũng được ưu tiên phát triển.

Ðào tạo nghề CNTT cũng được ưu tiên phát triển.

Quyết định mang số 698/QĐ-TTg do Thủ Tướng Chính Phủ ban hành theo thẩm quyền và xét đề nghị của bộ trưởng bộ GDĐT gồm có 4 điều, trong đó điều 1 quy định rõ quan điểm phát triển; mục tiêu phát triển đến năm 2015; định hướng phát triển đến năm 2020; các giải pháp; tổ chức thực hiện.

Theo quyết định, nhân lực CNTT được hiểu là nhân lực làm công tác đào tạo về CNTT, điện tử, viễn thông, nhân lực chuyên nghiệp về CNTT, điện tử, viễn thông làm trong doanh nghiệp và công nghiệp, nhân lực cho ứng dụng CNTT của các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp; cán bộ, viên chức và mọi người dân sử dụng, ứng dụng CNTT. Phát triển nguồn nhân lực CNTT có ý nghĩa quyết định đối với việc phát triển và ứng dụng CNTT, phải gắn kết chặt chẽ với quá trình đổi mới GDĐT, đặc biệt là ở bậc ĐH phải theo hướng hội nhập và đạt trình độ khu vực và quốc tế.

Mục tiêu đặt ra cho phát triển nguồn nhân lực CNTT là phải để đáp ứng đủ nhu cầu phát triển và ứng dụng CNTT của đất nước. Cụ thể, phải tạo bước đột phá về chất lượng đào tạo; khoảng 30% sinh viên CNTT, điện tử, viễn thông tốt nghiệp ĐH có đủ khả năng chuyên môn và ngoại ngữ để tham gia thị trường lao động quốc tế; 100% học sinh trung cấp chuyên nghiệp và học nghề được đào tạo các kiến thức và kỹ năng ứng dụng về CNTT. Đến năm 2010, 100% sinh viên ĐH, CĐ, học sinh THPT, 50% học sinh THCS và 20% học sinh tiểu học được học tin học và đến năm 2015 đạt 100% với học sinh THCS và 80% với học sinh tiểu học được học tin học.

Mục tiêu quy định, đến năm 2015, đạt 65% số giảng viên có đủ khả năng ứng dụng CNTT để hỗ trợ cho công tác giảng dạy, bồi dưỡng. Ở các trường ĐH, CĐ, TCCN và cơ sở dạy nghề, nâng cao chất lượng và tăng nhanh số lượng giảng viên; các ĐH và CĐ đạt tỷ lệ trung bình 15 - 20 sinh viên/1 giảng viên trong đào tạo CNTT; 70% số giảng viên CNTT ở ĐH và 50% giảng viên CNTT ở CĐ có trình độ thạc sĩ trở lên; tăng nhanh số giảng viên đạt học vị tiến sĩ; đến cuối năm 2015, 100% giảng viên ĐH, CĐ, giáo viên THPT, giáo viên TCCN, sinh viên có máy tính riêng. Đảm bảo từ nay đến 2015 cung cấp cho các doanh nghiệp 250.000 lao động chuyên môn CNTT, điện tử, viễn thông có trình độ từ TCCN và sơ cấp nghề (đào tạo 1 năm) trở lên, trong đó có 50% lao động có trình độ CĐ, ĐH và 5% có trình độ thạc sĩ trở lên. Đến năm 2020, 70% lao động trong các doanh nghiệp được đào tạo về CNTT; trên 90% giảng viên ĐH và trên 70% giảng viên CĐ về CNTT có trình độ thạc sĩ trở lên, 30% giảng viên ĐH có trình độ tiến sĩ.

Trong các giải pháp thực hiện, quyết định chủ trương đổi mới chương trình, phương pháp, quy trình đào tạo; mở rộng quy mô, hình thức đào tạo như tiếp tục đào tạo văn bằng 2 trình độ ĐH về CNTT; tăng cường xã hội hoá công tác phổ cập tin học; tăng cường đầu tư cho phát triển nguồn nhân lực CNTT; tăng cường dạy tiếng Anh và dạy CNTT bằng tiếng Anh và các ngoại ngữ khác; sử dụng phần mềm mã nguồn mở trong giảng dạy, đào tạo; phát triển mạng giáo dục EduNet; đẩy mạnh dạy tin học và ứng dụng CNTT trong trường phổ thông… Dự kiến kinh phí từ nguồn ngân sách nhà nước dành cho việc triển khai kế hoạch tổng thể giai đoạn 2009 - 2015 là khoảng 900 tỷ đồng. Bộ GDĐT, bộ LĐ-TB-XH, bộ Nội Vụ, bộ TTTT, bộ Tài Chính chủ trì triển khai các nhiệm vụ liên quan. Quyết định có hiệu lực từ ngày ký, thay thế quyết định số 331/QĐ-TTg ngày 6/4/2004 phê duyện chương trình phát triển nguồn nhân lực CNTT đến năm 2010 và bãi bỏ các quy định trước đây trái với quyết định này.

(Theo The Gioi Vi Tinh)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất