Sáng nay (22/9), Ủy ban Khoa học và công nghệ của Quốc hội tổ chức phiên họp chất vấn Bộ trưởng Bộ khoa học và công nghệ và đại diện Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch đầu tư về các vấn đề liên quan trong thực hiện nhiệm vụ khoa học công nghệ.
Các đại biểu đã tập trung chất vấn chủ yếu vào 4 nhóm vấn đề gồm: hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về cơ chế tài chính và huy động các nguồn lực đầu tư cho khoa học công nghệ; về việc thi hành chính sách pháp luật và trách nhiệm của các bộ có liên quan trong việc huy động, phân bổ, sử dụng và kiểm tra thực hiện chi ngân sách nhà nước và các nguồn đầu tư khác cho khoa học và công nghệ; về kết quả, hiệu quả đầu tư cho khoa học và công nghệ; về phương hướng, giải pháp đổi mới cơ chế tài chính và huy động các nguồn lực đầu tư cho khoa học và công nghệ.
Các bà Tôn Thị Ngọc Hạnh, đoàn Đắc Nông và Hoàng Thị Tố Nga, đoàn Nam Định quan tâm tình hình sử dụng sáng chế trong khoa học công nghệ và vấn đề thu hút nhân tài phục vụ khoa học và công nghệ đất nước. Bộ trưởng Nguyễn Quân cho rằng, dù chưa có những đột phá quan trọng trong khoa học và công nghệ nhưng số lượng sáng chế của các nhà hoa học đang tăng lên hàng năm. Trí tuệ của các nhà khoa học Việt Nam, của con người Việt Nam không thua kém so với thế giới nhưng những sáng chế của các nhà khoa học ít được áp dụng vào đời sống chủ yếu do cơ chế hiện hành, hầu hết là do cơ chế. Mặt khác, chúng ta chưa tạo điều kiện tốt nhất để các nhà khoa học phát huy hết khả năng, trí tuệ của mình phục vụ sự nghiệp phát triển đất nước.
Là một nhà khoa học lâu năm, đại biểu Bùi Thị An, đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội chất vấn Trứ trưởng Bộ Tài Chính Nguyễn Thị Minh về cơ chế tài chính phục vụ cho khoa học công nghệ.
Bà Minh cho biết: ngân sách Nhà nước dành cho Khoa học và công nghệ hàng năm tương đương 2%, nhưng thực tế số tiền này chậm giải ngân là do nhiều nguyên nhân như Hội đồng thẩm định đề tài chậm, bản thân các nhà khoa học không có ý tưởng rõ ràng…
Cũng trong buổi chất vấn sáng nay, Bộ trưởng Nguyễn Quân cũng cho rằng dù trong luật Khoa học công nghệ quy định giao quyền tự chủ tài chính cho các nhà quản lý nhưng thực tế hiện nay chưa có văn bản hướng dẫn ai được quyền giao, quy trình thủ tục giao như thế nào, giao rồi họ được quyền làm gì và khi thực hiện thành công thì việc chia sẻ quyền lợi giữa Nhà nước, nhà khoa học và cơ quan chủ trì như thế nào?.
Bộ trưởng Nguyễn Quân Khẳng định: Nếu Luật Khoa học và công nghệ (sửa đổi) lần này được thông qua, Bộ sẽ gấp rút xây dựng một văn bản giao quyền cho các nhà quản lý để có thể giao quyền sở hữu kết quả nghiên cứu cho các nhà khoa học./.
(Theo: VOV)