Tiếp tục chuyến thăm Cộng hòa Liên bang Đức, ngày 20/9, tại Berlin, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh đã hội đàm với Bộ trưởng Ngoại giao Đức Guido Westerwele.
Trên tinh thần hữu nghị, cởi mở, tin cậy và hiểu biết lẫn nhau, hai Bộ trưởng đã trao đổi về tình hình mỗi nước, các biện pháp thúc đẩy quan hệ song phương trong thời gian tới cũng như các vấn đề quốc tế và khu vực cùng quan tâm.
Hai bên nhất trí đánh giá việc nâng cấp quan hệ Việt Nam-Đức lên thành Đối tác chiến lược đã tạo khuôn khổ thúc đẩy hợp tác hai nước phát triển mạnh mẽ, toàn diện và hiệu quả trên mọi lĩnh vực, nhất là trong các lĩnh vực ưu tiên như chính trị-ngoại giao, kinh tế- thương mại-đầu tư, hợp tác phát triển, pháp luật, giáo dục - đào tạo và khoa học công nghệ…
Trên cơ sở đó, hai Bộ trưởng đã nhất trí một số biện pháp và phương hướng lớn nhằm đưa quan hệ đối tác chiến lược Việt Nam-Đức ngày càng đi vào chiều sâu và thiết thực trong thời gian tới.
Hai Bộ trưởng thống nhất trong thời gian tới, hai bên cần tăng cường trao đổi đoàn các cấp, đặc biệt là cấp cao, tạo xung lực thúc đẩy hợp tác song phương phát triển sâu rộng và hiệu quả. Hai bên đánh giá cao chuyến thăm Việt Nam của Bộ trưởng Kinh tế và Công nghệ Đức Phillip Rosler từ ngày 17-19/9/2012. Hai bên khẳng định sẽ phối hợp chặt chẽ để tổ chức chuyến thăm Đức của Chủ tịch Quốc hội Việt Nam Nguyễn Sinh Hùng trong năm 2013.
Hai bên cũng đánh giá cao kết quả cuộc họp nhóm Điều hành chiến lược Việt Nam-Đức cấp Thứ trưởng Ngoại giao lần thứ nhất diễn ra tại Berlin vừa qua (10/9), coi đây là cơ chế hữu hiệu và quan trọng để thúc đẩy triển khai các nội dung cụ thể trong Kế hoạch hành động chiến lược Việt Nam-Đức.
Hai bên vui mừng nhận thấy quan hệ hợp tác trong lĩnh vực thương mại đầu tư giữa hai nước tiếp tục có những bước phát triển tích cực trong bối cảnh kinh tế châu Âu và thế giới còn gặp nhiều khó khăn. Đức tiếp tục là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam trong EU. Nhiều tập đoàn và công ty lớn của Đức đã và đang hoạt động hiệu quả tại Việt Nam. Tuy nhiên, đầu tư trực tiếp của Đức ở Việt Nam còn khiêm tốn, chưa tương xứng với lợi thế và tiềm năng của cả hai nước. Hai bên nhất trí cần tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa cho doanh nghiệp hai nước đầu tư, kinh doanh tại thị trường của nhau.
Bộ trưởng Phạm Bình Minh cảm ơn Chính phủ và nhân dân Đức đã cung cấp nguồn ODA quan trọng và hiệu quả cho Việt Nam thời gian qua; đánh giá cao việc Đức tiếp tục đưa Việt Nam vào danh sách các nước ưu tiên nhận ODA trong thời gian tới, chú trọng các lĩnh vực như bảo vệ môi trường, y tế, đào tạo nghề, thích ứng với biến đổi khí hậu… phù hợp với ưu tiên phát triển kinh tế xã hội của Việt Nam.
Hai bên nhất trí thúc đẩy hợp tác trong lĩnh vực giáo dục-đào tạo, đặc biệt là phối hợp triển khai dự án xây dựng và phát triển Trường Đại học Việt Đức thành trường đại học xuất sắc tiêu biểu, có đẳng cấp trong khu vực và trên thế giới. Việt Nam khẳng định tạo điều kiện để Đức mở rộng chương trình dạy thí điểm tiếng Đức trong các trường phổ thông của Việt Nam. Hai bên cũng cho rằng cần tăng cường hơn nữa hợp tác trong lĩnh vực khoa học-công nghệ.
Bộ trưởng Phạm Bình Minh đã cảm ơn và đề nghị phía Đức tiếp tục tạo điều kiện cho cộng đồng người Việt tại Đức hoà nhập và đóng góp tích cực cho nước sở tại, góp phần tăng cường quan hệ hữu nghị và hợp tác giữa hai nước.
Bộ trưởng Phạm Bình Minh và Bộ trưởng Guido Westerwele cũng chia sẻ quan điểm về nhiều vấn đề quốc tế mà hai bên cùng quan tâm và nhất trí tăng cường hợp tác trên các diễn đàn đa phương và tại các tổ chức quốc tế lớn như ASEM, ASEAN, EU và Liên hợp quốc. Hai bên nhất trí cần phát huy vai trò và vị thế của Việt Nam và Đức ở ASEAN và EU nhằm thúc đẩy hơn nữa hợp tác giữa hai khu vực. Phía Đức khẳng định tiếp tục ủng hộ Việt Nam tăng cường quan hệ hợp tác toàn diện với Liên minh châu Âu (EU), tích cực hỗ trợ Việt Nam trong tiến trình đàm phán Hiệp định thương mại tự do (FTA) và triển khai Hiệp định Hợp tác và Đối tác (PCA) với EU.
Hai bên bày tỏ lo ngại về những diễn biến gần đây ở Biển Đông tác động tiêu cực đến hòa bình, ổn định ở khu vực và nhất trí cho rằng các tranh chấp cần được giải quyết bằng biện pháp hòa bình, trên cơ sở phù hợp với luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982.
Cũng trong ngày 20/9/2012, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh đã tiếp Phó Chủ tịch Uỷ ban đối ngoại Quốc hội Đức Hans-Ulrich Klose, thăm và nói chuyện với cán bộ, nhân viên Đại sứ quán Việt Nam tại Đức và tham dự Tiệc chiêu đãi Quốc khánh 2/9 do Đại sứ quán Việt Nam tổ chức./.
Theo TTXVN