Thứ Hai, 25/11/2024
Kinh tế
Thứ Hai, 7/1/2013 16:45'(GMT+7)

Cân đối ngân sách từ 2012 nhìn tới 2013

(Ảnh minh hoạ)

(Ảnh minh hoạ)

Hiếm có năm nào trong hàng chục năm qua mà ngân sách lại gặp khó khăn như năm 2012, cả về thu, cả về chi và cân đối ngân sách, nhưng đến những ngày cuối cùng của năm vẫn đạt được những kết quả tích cực.

2012: Vượt khó khăn chồng chất

Về thu ngân sách, khó khăn đến từ hai phía. Ở phía thứ nhất, nếu GDP là hiệu quả (giá trị gia tăng của toàn bộ nền kinh tế), thu ngân sách là hiệu quả của hiệu quả, thì năm nay tăng trưởng kinh tế cũng gặp khó khăn hiếm thấy. Mặc dù tăng trưởng GDP đạt được những kết quả quan trọng (cao lên qua các quý, đạt được ở cả 3 nhóm ngành và được đánh giá là tăng trưởng hợp lý...), nhưng do có nhiều điểm nghẽn ở cả đầu vào, ở cả đầu ra, nên tốc độ tăng ở mức thấp (thấp hơn mục tiêu Quốc hội đã đề ra 6- 6,5%).

Nhóm ngành nông, lâm nghiệp- thủy sản đạt nhiều kỷ lục mới, nhưng giá cả tiêu thụ trong nước và xuất khẩu lại bị giảm so với năm trước. Nhóm ngành công nghiệp- xây dựng có năng suất hiệu quả cao hơn cả (năng suất lao động năm 2012 của nhóm ngành này đạt 110,3 triệu đồng/lao động, cao gấp 4,3 lần nhóm ngành nông, lâm nghiệp- thuỷ sản, cao gấp 1,6 lần nhóm ngành dịch vụ, cao gấp 1,9 lần năng suất lao động của toàn bộ nền kinh tế), nhưng tốc độ tăng GDP của nhóm ngành này tạo ra đã thấp hơn tốc độ tăng chung (4,52% so với 5,03%). Nhóm ngành dịch vụ tuy có tốc độ tăng GDP cao hơn tốc độ tăng chung (6,42% so với 5,03%), nhưng các ngành ngân hàng, chứng khoán, bất động sản lợi nhuận bị sụt giảm. Thu từ hoạt động xuất nhập khẩu theo dự toán thì chiếm tỷ trọng lớn trong tổng thu (20,8%), nhưng kim ngạch nhập khẩu tăng thấp (7,1%, riêng khu vực kinh tế trong nước còn bị giảm sâu tới 6,7%), nhất là những mặt hàng như ô tô, xe máy còn giảm sâu hơn nữa.

Ở phía thứ hai, Nhà nước đã thực hiện nhiều giải pháp như giãn thuế giá trị gia tăng, giãn nợ thuế đối với doanh nghiệp, giãn tiền sử dụng đất, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp cho doanh nghiệp... nhằm tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, hỗ trợ  thị trường. Mặc dù vậy, tổng thu ngân sách năm nay thực hiện vẫn vượt kế hoạch theo dự toán của Quốc hội (ước vượt 0,14%) và tăng so với năm trước (ước tăng 5,3%). Trong đó có một số khoản thu vượt khá, như thu từ dầu thô, thu thuế thu nhập cá nhân.

Về chi ngân sách vượt 0,11% dự toán và tăng 14,6% so với năm trước. Tất cả các khoản thu ngân sách nhà nước, từ chi đầu tư phát triển, chi trả nợ viện trợ, chi thường xuyên, chi thực hiện cải cách tiền lương, chi bổ sung quỹ dự trữ tài chính, đến dự phòng đều được bảo đảm. Trong đó có hai khoản thu đáng lưu ý, đó là chi trả nợ, viện trợ được bảo đảm, đặc biệt các khoản chi cho an sinh xã hội không những không bị cắt giảm mà còn tăng trên 20%.

Mặc dù gặp khó khăn trong việc cân đối ngân sách như trên, nhưng bội chi ngân sách/GDP năm 2012 vẫn được thực hiện ở mức 4,8%, hoàn thành được mục tiêu theo Nghị quyết của Quốc hội đề ra.

Năm 2013 phải tiếp tục vượt khó

Kết quả thực hiện của năm 2012 là một trong những căn cứ để Quốc hội, Chính phủ đề ra mục tiêu năm 2013 với mức bội chi ngân sách/GDP ở mức 4,8%. Tuy nhiên, những khó khăn trong việc cân đối ngân sách như trên trong năm 2013 không những không giảm, mà có mặt còn khó khăn hơn.

Mục tiêu của năm 2013 được đề ra là “Tăng cường ổn định kinh tế vĩ mô; lạm phát thấp hơn, tăng trưởng cao hơn năm 2012. Đẩy mạnh thực hiện 3 đột phá chiến lược gắn với tái cơ cấu nền kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng. Bảo đảm an sinh xã hội và phúc lợi xã hội. Nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại và hội nhập quốc tế. Tăng cường quốc phòng, an ninh và bảo đảm ổn định chính trị- xã hội. Tạo nền tảng phát triển vững chắc hơn cho những năm tiếp theo”.

Các mục tiêu trên tác động đến cả thu, cả chi và cân đối ngân sách. Thu ngân sách cũng sẽ gặp khó khăn về cả hai phía như năm 2012. Chi ngân sách ngoài nhiệm vụ như năm trước, còn phát sinh một số khoản chi không nhỏ. Đó là các khoản chi để góp phần xử lý các điểm nghẽn lớn của nền kinh tế hiện nay, chi trả nợ xây dựng cơ bản của ngân sách, tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, hỗ trợ thị trường...

Có nhiều giải pháp để thực hiện mục tiêu, song tác giả bài viết cho rằng có thể quy về 3 nhóm giải pháp.

Trước hết là sản xuất kinh doanh phải có hiệu quả để làm tăng GDP. Để sản xuất kinh doanh có hiệu quả, bản thân các doanh nghiệp, người sản xuất phải nâng cao hiệu quả đầu tư, nâng cao năng suất lao động. Năm 2013, hệ số ICOR theo mục tiêu giảm (từ gần 6,7 lần xuống 5,5 lần), do tỷ lệ vốn đầu tư/GDP giảm xuống (30% so với 33,5%), do tốc độ tăng trưởng GDP cao lên (5,5% so với 5,03%); tốc độ tăng năng suất lao động cũng cao lên (năm 2012 tăng gần 2,3%, mục tiêu năm 2013 tăng lên 2,7%). Nhà nước, ngân hàng thương mại và doanh nghiệp cần phải phối hợp chặt chẽ, khẩn trương xử lý các điểm nghẽn lớn là nợ xấu, tồn kho, bất động sản để khơi thông dòng vốn tín dụng, thu hút các nguồn vốn ở trong và ngoài nước... Tuy nhiên, cần tiếp tục thực hiện phương châm “khoan thư sức dân”, “nuôi dưỡng nguồn thu”, bởi tỷ lệ giữa tổng thu ngân sách nhà nước/GDP, mặc dù đã giảm so với năm trước (còn 25,1%), nhưng vẫn còn cao hơn so với định hướng 22- 23%.

Thứ hai, công tác hành thu cần làm tốt hơn nữa trong việc thu đúng, thu đủ, chống thất thu, buôn lậu, gian lận thương mại... Đây là một trong những “bí quyết” của ngành tài chính mỗi khi sản xuất kinh doanh gặp khó khăn, ảnh hưởng đến hiệu quả... Ngoài “bí quyết” trên, ngành tài chính cần tích cực chống tình trạng chuyển giá.

Thứ ba, tăng cường tiết kiệm chi ngân sách, quyết liệt chống lãng phí, tham nhũng, làm thất thoát ngân sách. Về mặt tài chính, cần có giải pháp để giảm thiểu sơ hở của cơ chế quản lý; tăng cường giám sát, kiểm tra, thanh tra, xử lý; chấn chỉnh lại công tác hạch toán (chứng từ, sổ sách, quyết toán, báo cáo tài chính...)./.

(Minh Ngọc/VGP)


Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất