Sáng 23/5, Quốc hội thảo luận ở tổ về đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2023; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2024.
Đại biểu Phạm Đức Ấn (Đoàn
ĐBQH Thành phố Hà Nội) cho rằng, vấn đề giá vàng rất “nóng” thời gian qua. Theo
đại biểu, nhiều ý kiến cho rằng Nghị định số 24/2012/NĐ-CP của Thủ
tướng Chính phủ về quản lý hoạt động kinh doanh vàng đã hết giá trị lịch
sử. Tuy nhiên, thời gian qua, Thủ tướng cũng yêu cầu nghiên cứu thêm về
vấn đề này.
“Tôi rất đồng tình là cần thận trọng với vấn đề quản lý vàng. Vì
chúng ta cũng biết, có thời kỳ định giá đất, cũng như rất nhiều vấn đề
khác, đều dựa vào giá vàng. Khi giá vàng biến động, sẽ ảnh hưởng lớn đến
bài toán tỷ giá, nếu đầu tư chạy theo giá vàng quốc tế thì nhiều doanh
nghiệp mất còn hơn được”, đại biểu Phạm Đức Ấn cho biết.
Đại biểu cũng lo ngại vấn đề “vàng hoá” có thể quay lại. Vì vậy, cần
có phương pháp, cách thức để quản lý thị trường vàng. Đây là vấn đề lớn
cần đánh giá nhiều khía cạnh để có chính sách quản lý phù hợp.
“Chúng ta muốn kiểm soát toàn bộ, nhưng không muốn vàng hoá trở lại,
nếu muốn giảm thiểu ảnh hưởng đến tỷ giá, thì việc quản lý chặt chẽ thị
trường vàng là cần thiết. Thời gian tới, cơ quan quản lý cần trình Chính
phủ các giải pháp hữu hiệu hơn để quản lý thị trường vàng, tránh chênh
lệch cao giữa giá vàng SJC và các loại vàng khác, cũng như chênh lệch
giá vàng trong nước và thế giới”, đại biểu Phạm Đức Ấn nhấn mạnh.
Cùng quan điểm, đại biểu Tạ Thị Yên (Đoàn ĐBQH tỉnh Điện Biên) nhắc
đến một số biến động bất thường của thị trường. Ví dụ như thị trường
vàng, bất động sản, trái phiếu doanh nghiệp trong thời gian vừa qua cho
thấy có sự không ổn định.
Theo đạo biểu, điều đó cho thấy cần sớm có sự chỉ đạo, tháo gỡ, bình
ổn, truyền thông làm rõ, để tránh những tác động tiêu cực đến nền kinh
tế, xáo trộn tâm lý của người dân.
Đối với thị trường vàng, đại biểu cho rằng có thể thấy rõ đây không
phải là nhu cầu thực tế của người dân, mà có thể là do một số đối tượng
đầu cơ, lũng đoạn thị trường để trục lợi.
Đối với thị trường bất động sản, việc thiếu phân khúc nhà ở thương
mại giá rẻ, giá trung bình hợp với khả năng tài chính của người dân cũng
cần phải điều chỉnh.
"Nhà ở xã hội có nơi thừa, nơi thì thiếu. Gói tín dụng 120.000 tỉ
đồng cho nhà ở xã hội mới giải ngân được 83.000 tỉ đồng là rất thấp",
đại biểu nói và cho rằng cần phải làm rõ trách nhiệm các cơ quan có liên
quan vì sao chính sách của chúng ta là rất tốt, rất nhân văn, thế nhưng
lại chậm được triển khai thực hiện, trong khi người dân thì rất mong
mỏi, chờ đợi điều này.
Đại biểu cũng nêu thực trạng nhà tái định cư. Con số thừa 14.000 căn
nhà tái định cư tại quận Bình Tân và TP. Thủ Đức, Thành phố Hồ Chí Minh; hay ở
Hà Nội cũng có hàng nghìn căn hộ tái định cư bỏ hoang như ở quận Long
Biên, Cầu Giấy… đã làm lãng phí nguồn lực tài chính công. Trong khi
người dân vẫn thiếu chỗ ở. Do đó đại biểu cho rằng cần phải làm rõ trách
nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan.
Còn đại biểu Hà Sỹ Đồng (Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Trị) cho biết, trong
khoảng 2 năm gần đây, giá vàng trong nước luôn cao hơn giá vàng quốc tế
từ 15 - 20 triệu đồng/lượng. Điều này khiến thị trường vàng trong nước
trở nên nhạy cảm hơn, kích thích hoạt động đầu cơ và nhập lậu, gây ảnh
hưởng mạnh lên tỷ giá tự do và gián tiếp gây áp lực lên tỷ giá chính
thức.
Tuy nhiên, theo đại biểu Hà Sỹ Đồng, điều mà nhiều người băn khoăn
là, thực chất nhu cầu nắm giữ vàng trong nước tăng đột biến đến từ ai và
do đâu? Đại biểu đặt câu hỏi, liệu có phải đây chủ yếu là do một nhóm
lợi ích với các hành vi phi pháp như tẩu tán tài sản, đầu cơ gây rối
loạn thị trường? "Nếu đúng thế, thì có giải pháp căn cơ. Theo dõi ở
nhiều diễn đàn thì tôi chưa tìm thấy câu trả lời cho câu hỏi này", đại
biểu Hà Sỹ Đồng nêu.
Một nội dung được đại biểu quan tâm là giá vé máy bay tăng cao. Về
vấn đề này, đại biểu Bùi Hoài Sơn, Ủy viên thường trực Ủy ban Văn hoá,
Giáo dục của Quốc hội cho rằng, giá vé máy bay tăng cao đã tác động tiêu
cực đến phát triển kinh tế - xã hội thời gian qua. giá vé máy bay là
nhu cầu đi lại, ảnh hưởng đến du lịch, công ăn việc làm của người dân,
du lịch…
“Theo tôi được biết, so với đường bay tương đương ở Thái Lan còn rẻ
hơn chúng ta rất nhiều. Ví dụ đi từ Bangkok đến Phuket, chặng bay 869km,
giá vé 768.000 đồng, trong khi từ Hà Nội đi Đà Nẵng chỉ có 757 km, thì
giá vé Vietjet là 1.112.000, còn Vietnam Arline là 1.508.000 đồng, như
vậy giá vé chúng ta cao so với khu vực”, đại biểu Bùi Hoài Sơn cho biết.
Theo đại biểu, có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên, đó là do
thiếu tính cạnh tranh, chi phí bảo trì bảo dưỡng ở nước ngoài cao, khi
phần lớn máy bay của Việt Nam phải ra nước ngoài bảo trì, bảo dưỡng,
cùng với đó là thiếu sự kết nối giữa hàng không và du lịch, đa phần mạnh
ai nấy làm, mà chưa có cách thức chia sẻ. Vì vậy, giá vé máy bay cao
ảnh hưởng đến sự phát triển du lịch, cũng ảnh hưởng rất nhiều đến sự
phát triển kinh tế - xã hội các địa phương.
Đại biểu Bùi Hoài Sơn cho rằng, cần có những đề xuất cụ thể quản lý
vấn đề này. Theo đó, cần có gói hỗ trợ hàng không, du lịch để có các
giảm giá, ví dụ như hỗ trợ phí dịch vụ ở các sân bay khi phí này chiếm
10-30% giá vé. Cùng với đó, cần phải nghĩ sâu xa hơn là đầu tư cho các
trung tâm bảo dưỡng máy bay ở Việt Nam và ngành du lịch với ngành hàng
không phải có hợp tác.
"Chúng ta chỉ nghĩ hàng không tăng vé có lợi cho hàng không nhưng
không nghĩ đến làm hại lĩnh vực khác. Như vậy, nếu ngành hàng không phối
hợp với ngành du lịch, nhà hàng, khách sạn sẽ tạo ra combo du lịch để
hạ vé máy bay, làm tốt cho du lịch, phát triển kinh tế - xã hội chung
của đất nước", Đại biểu Bùi Hoài Sơn bày tỏ./.
THU TRANG (baotintuc.vn)