Cần tổ chức quy hoạch lại không gian đô thị TPHCM
Tại hội thảo, GS.KTS Trần Ngọc Chính, Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam cho rằng TPHCM là đô thị đặc biệt, đô thị lớn của Việt Nam, có ý nghĩa rất quan trọng đối với khu vực Đông Nam Á và quốc tế. Vì thế, cần có giải pháp nghiên cứu để làm sao TPHCM xứng tầm là đô thị mang tầm quốc tế. Trong đó, cần gắn TPHCM vào nghiên cứu quy hoạch vùng. Đặc biệt, để quản lý sự phát triển của TP, nhất là vấn đề giao thông, hạ tầng kinh tế, hạ tầng xã hội cần liên kết vùng, phát triển vùng TPHCM. Đồng thời, tập trung xây dựng hệ thống giao thông công cộng tốt nhất để tạo thuận lợi cho việc đi lại của người dân.
Các ý kiến đại biểu cũng chỉ ra những vấn đề bất cập, hạn chế trong quá trình quản lý đô thị mà TPHCM cần đưa ra những giải pháp giải quyết trong thời gian tới. Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TPHCM Lê Hoàng Châu phân tích: TPHCM là vùng sông nước, ven biển, TP của người nhập cư. Tuy nhiên, hiện nay khâu yếu nhất là vấn đề thực thi pháp luật, trong đó có cả về thực thi quy hoạch.
Theo ông Lê Hoàng Châu, phát triển các dự án bất động sản phải đi đôi với hạ tầng đô thị. Cụ thể, trong phát triển các khu đô thị mới thì hạ tầng giao thông là yếu tố đi trước, việc phát triển các dự án bất động sản phải đồng thời với chỉnh trang đô thị. Thế nhưng, trong thời gian vừa qua, nhiều dự án cao tầng mọc lên trong các đường nhỏ, thậm chí đường hẻm tập trung lượng người dân sinh sống đông nên gây quá tải hạ tầng đô thị.
Còn nguyên Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TPHCM Phạm Chánh Trực cho rằng TPHCM hiện nay đang có những vấn đề lớn, cơ bản cần quan tâm giải quyết. Đó là mâu thuẫn giữa không gian phát triển, không gian sống, hoạt động với nhu cầu thực tiễn phát triển kinh tế - xã hội. Theo đồng chí Phạm Chánh Trực, về vấn đề này một mình TP không giải quyết được mà phải nghiên cứu, có sự hỗ trợ của cả vùng để bố trí lại lực lượng sản xuất trên toàn vùng Nam bộ.
Cho rằng trong những năm qua, công tác lập quy hoạch và quản lý quy hoạch của TP có một số kết quả tương đối khả quan, tuy nhiên, Giám đốc Sở Quy hoạch và Kiến trúc TP Nguyễn Thanh Nhã cũng nhìn nhận: Đối với các quy hoạch hiện nay, số liệu, dữ liệu để định ra công tác quy hoạch rất quan trọng nhưng hiện nay TP cũng như các địa phương làm chưa đến nơi đến chốn. Sắp tới, các cơ quan quản lý nhà nước TP cần hoàn thiện hơn.
Ngoài ra, hiện nay TP đang giao cho Sở Quy hoạch và Kiến trúc TP chuẩn bị điều chỉnh quy hoạch chung TP. Sở nhận thức đây là vấn đề khó, phải chuẩn bị kỹ. Trong đó, Sở tập trung vào phân tích những số liệu, những dự báo, yêu cầu của TPHCM về định hướng kinh tế - xã hội để làm sao đưa những thông tin này vào trong đồ án quy hoạch để thực hiện quy hoạch tích hợp nhằm tạo tính tương tác cao, chia sẻ giữa các ngành từ kinh tế - xã hội đến hạ tầng kỹ thuật, dân số.
Giải quyết 4 vấn đề trong quy hoạch
Phát biểu tại hội thảo, Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Thiện Nhân cho rằng trong quá trình hoàn thiện quy hoạch có 4 vấn đề phải giải quyết. Thứ nhất, về quy hoạch tổng thể TP, phải có quy hoạch đô thị khu vực trung tâm và khu vực vệ tinh; quy hoạch gắn với giao thông TP, gắn với liên kết vùng. Hiện nay phát triển đô thị TP ban đầu theo hướng Đông Bắc là chính, hướng phụ là phía Nam. Đến năm 1998, phát triển thêm hướng Nam, Đông Nam, hướng phụ là Tây Bắc và hướng Tây. Đây là vấn đề cần xem xét lại. Vì trong đô thị gắn với xây nhà là xây nhà trên vùng đất cao không xây nhà vùng đất thấp. Trong khi đó, vùng phía Nam TP là vùng đất thấp. Cho nên, việc xây dựng nhà ở phía Nam phải có mật độ vừa phải, phải giữ cho được vùng đất trũng, giữ vùng sinh quyển Cần Giờ.
Thứ hai, về chức năng và cơ cấu kinh tế, TP có tính chất đặc biệt là sau năm 1975, 95% cơ cấu kinh tế là công nghiệp, dịch vụ khác hoàn toàn cả nước. Trong tương lai, chắc chắn công nghiệp, dịch vụ phát triển. TP đang đề xuất trong khối dịch vụ gắn với công nghiệp hình thành khu đô thị sáng tạo phía Đông TP. Đây là nơi mật độ cao nhất về công nghiệp công nghệ cao, cao nhất về trí tuệ sáng tạo của TP.
Thứ ba, đối với việc giải quyết mâu thuẫn bài toán dân số tăng nhanh nhưng hạ tầng kỹ thuật không đáp ứng kịp. Do đó, trong quy hoạch phải có cơ chế phối hợp vùng để giúp các vùng phát triển nhanh hơn, thu nhập cao hơn để giảm áp lực dân số từ các vùng đổ về TP. TPHCM phải thực hiện chức năng chuyển giao ứng dụng công nghệ cho các vùng. Cùng với đó, đối với công nghiệp, dịch vụ, TP chọn loại hình cần lao động trình độ cao.
Thứ tư, về mô hình quản lý hành chính có sự phân hóa về diện tích và dân số, cách quản lý còn có sự phân biệt giữa quận và huyện. Do đó, TP nghiên cứu xác định lại cơ cấu quận, huyện của TP như thế nào để đảm bảo vận hành đô thị lớn hợp lý hơn./.
Theo Thanhuytphcm.vn