Thứ Năm, 3/10/2024
Thời sự - Chính trị
Thứ Năm, 24/5/2012 22:5'(GMT+7)

Cần khơi thông bế tắc cho doanh nghiệp và kích cầu tiêu dùng

Các đại biểu là doanh nghiệp cho rằng cần khơi thông bế tắc cho doanh nghiệp, mới có thể giúp nền kinh tế ổn định và phát triển. Ảnh: MH

Các đại biểu là doanh nghiệp cho rằng cần khơi thông bế tắc cho doanh nghiệp, mới có thể giúp nền kinh tế ổn định và phát triển. Ảnh: MH

Theo đại biểu Trần Văn Hằng, Chủ nhiệm Ủy ban đối ngoại Quốc hội: Chính phủ đề ra 6 giải pháp, chỉ có 3 giải pháp đúng với tình hình, còn lại 3 giải pháp là mang tính khẩu hiệu như hoàn thiện hệ thống pháp luật, đẩy mạnh tuyên truyền, đồng thuận, năm nào chẳng thế. 6 giải pháp này chưa đủ và chưa trọng tâm. Cần tập trung vào những giải pháp cụ thế, tập trung số một cho tháo gỡ khó khăn, đẩy mạnh sản xuất kinh doanh, xem xét miễn giảm thuế cho doanh nghiệp, điều chỉnh lãi suất ngân hàng cho phù hợp.

Đại biểu Lê Văn Lai (Quảng Nam) nhấn mạnh, các chỉ tiêu của quý I đều rất đáng báo động. Đầu tư công giảm có thể hiểu, vì chúng ta có chủ trương, nhưng đầu tư tư nhân giảm chứng tỏ nhà đầu tư bắt mạch nền kinh tế và không mặn mà. Phải chăng chúng ta đang lặp đi lặp lại kích cầu và thắt chặt.

Ý kiến nhiều đại biểu khác cũng khẳng định, việc thực hiện chính sách tài khoá thắt chặt, chính sách tiền tệ chặt chẽ đã góp phần kiềm chế lạm phát, nhưng lãi suất vay còn cao, nhiều doanh nghiệp khó tiếp cận và hấp thụ vốn dẫn đến hàng nghìn doanh nghiệp phá sản.

 Đại biểu Phạm Hồng Hà cho rằng: Để “giải cứu” cho doanh nghiệp ngân hàng đã hạ lãi suất xuống còn 15%/năm nhưng doanh nghiệp không vay được do “vướng” những qui định kèm theo như doanh nghiệp nợ xấu, không có thế chấp... 

Cùng với quan điểm trên, đại biểu Nguyễn Thế Trường (Vĩnh Phúc) đặt vấn đề: Mâu thuẫn lớn nhất hiện nay là doanh nghiệp đang “khát” vốn, còn ngân hàng lại rất nhiều tiền, cho lĩnh vực bất động sản vay, tạo ra sốt ảo.
Đại biểu Nguyễn Đình Quyền (Hà Nội) thẳng thắn: “Hàng chục nghìn doanh nghiệp chết đến nơi nhưng ngân hàng vẫn bàng quan. Cần phải xem có lợi ích nhóm hay không. Hàng chục cuộc thanh tra kiểm tra nhưng doanh nghiệp vẫn phản ánh, có tiếp cận được vốn rẻ đâu”.

Theo đại biểu - doanh nhân Nguyễn Hồng Sơn (Hà Nội), việc tăng trưởng thấp, nguy cơ giảm phát đã hiện hữu từ cuối năm 2011 chứ không phải bây giờ mới xuất hiện. Cái cần hiện nay là giải pháp thực hiện để ngăn chặn điều này. Giải pháp của Chính phủ nhằm “cứu” doanh nghiệp bằng giảm 30% thuế thu nhập doanh nghiệp là cần thiết, nhưng chưa tác động sâu cho giải quyết khó khăn. Ngay cả khi cho giãn thuế, cũng không có tiền nộp vì hàng không bán được.

Đại biểu Trần Hoàng Ngân (TP Hồ Chí Minh) phân tích: Trong báo cáo quyết toán ngân sách nhà nước của Chính phủ đánh giá về nhiệm vụ chi ngân sách nhà nước có nêu “…đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho việc thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội trong các năm tiếp theo” như vậy là không phù hợp. Rõ ràng trong các năm tiếp theo là vô cùng khó khăn. Có những đại biểu trước đây đã từng góp ý kiến về báo cáo của Chính phủ là cần tránh “tô hồng” để nhìn thấy bức tranh kinh tế cụ thể để có giải pháp chính xác.

Ông cũng đánh giá: Trong việc sử dụng giải pháp tiền tệ vừa qua là đúng thuốc nhưng liều cao quá, chúng ta không kịp thời giảm liều. Điều này dẫn đến những cái lo, số doanh nghiệp phá sản hiện nay tăng lên rất cao. Năm 2011, đến hơn 53 ngàn doanh nghiệp phá sản, giải thể, tăng 24,7% so với năm 2010. 4 tháng đầu năm 2012 có 17.735 doanh nghiệp ngừng hoạt động, phá sản. Sau lưng các doanh nghiệp phá sản là hàng loạt người lao động thất nghiệp.

Đồng tình với những giải pháp của Chính phủ và Ủy ban Kinh tế Quốc hội đưa ra, nhưng các đại biểu cũng cho rằng: Nếu không có giải pháp tốt để đạt được mục tiêu phát triển kinh tế, cứ kiềm chế như thế này giảm phát sẽ xảy ra. Đại biểu Trần Du Lịch (TP Hồ Chí Minh) đặt câu hỏi: Cần đánh giá việc lạm phát liên tục được kéo xuống là tín hiệu tốt hay không tốt? Phải chăng giải pháp thắt chặt đầu tư công và thắt chặt tiền tệ khiến nền kinh tế thiếu máu, doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn, sức mua giảm quá mạnh, khiến nhập khẩu giảm. Điều đó cho thấy các giải pháp hiện nay chưa căn cơ.

Các đại biểu nhấn mạnh: Khi bàn về giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, dù Chính phủ đã đưa ra một số chủ trương nhưng chưa có phương án, giải pháp cụ thể, nên không hiệu quả. Đại biểu Nguyễn Ngọc Hòa (TP Hồ Chí Minh) cho rằng, năm 2012 cần nới lỏng chính sách tiền tệ để kích thích nền kinh tế, đồng thời kích thích được những trọng điểm, những lĩnh vực có thế mạnh, nhưng thắt chặt đầu tư công. Chính phủ nên thực hiện đồng bộ 3 giải pháp: Hỗ trợ doanh nghiệp, kích thích sức mua và giảm giá một số nguồn lực mà Chính phủ có thể kiểm soát. Đại biểu Đinh Thị Phương Khanh (Long An) cảnh báo: Chính phủ cần có hệ thống giải pháp hiệu quả để xử lý tốt mặt trái của chính sách tiền tệ khi chúng ta thắt chặt tài chính như: vốn ít, lãi suất cao, chi phí cao, tồn kho cao... làm cho sản xuất đình trệ, việc làm mất đi và có khả năng lạm phát càng cao thì đình trệ càng lớn.

Nhất trí phải kiên định mục tiêu năm 2012 và các nhóm giải pháp đã đưa ra, song các đại biểu cho rằng vấn đề là cần sự kiên quyết trong điều hành của Chính phủ nhằm khơi thông bế tắc để doanh nghiệp, tiếp cận nguồn vốn ngân hàng, để tăng trưởng tín dụng tăng, kích thích sức mua, giải tỏa hàng tồn kho, tăng sản xuất. Tăng cường đào tạo nguồn nhân lực, tạo việc làm nâng cao đời sống nhân dân, nhất là công nhân ở các khu công nghiệp, khu chế xuất; đồng thời có chính sách cụ thể để phát triển nông nghiệp, nông thôn và nâng cao đời sống nông dân./.

Tuấn Đạt

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất