Thứ Năm, 3/10/2024
Thời sự - Chính trị
Thứ Tư, 23/5/2012 22:56'(GMT+7)

Thống nhất giao Thủ tướng Chính phủ quyết định thành lập tổ chức hoạt động bảo hiểm tiền gửi

Loại tiền gửi được bảo hiểm, hạn mức trả tiền bảo hiểm... cũng là những nội dung được nhiều đại biểu quan tâm thảo luận. Anh: MH


Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật bảo hiểm tiền gửi do Chủ nhiệm Ủy ban kinh tế của Quốc hội Nguyễn Văn Giàu trình bày nêu rõ 6 nội dung còn ý kiến khác nhau trong dự thảo Luật gồm đối tượng tham gia bảo hiểm tiền gửi; mô hình tổ chức bảo hiểm tiền gửi; mô hình hoạt độngchức năng giám sát của tổ chức bảo hiểm tiền gửi; loại tiền gửi được bảo hiểm; mức phí bảo hiểm tiền gửi; hạn mức trả tiền bảo hiểm.

Về đối tượng được bảo hiểm tiền gửi. Về vấn đề này, có hai loại ý kiến:

- Loại ý kiến thứ nhất, đa số ý kiến nhất trí với dự thảo Luật, chỉ bảo hiểm tiền gửi của người gửi tiền là cá nhân.

- Loại ý kiến thứ hai, một số ý kiến đề nghị mở rộng đối tượng được tham gia bảo hiểm tiền gửi nhằm thu hút vốn để đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng cho phát triển kinh tế - xã hội.

Hiện nay, đối với cơ quan nhà nước, các tổ chức chính trị - xã hội, việc quản lý tài chính phải tuân theo các quy định của các cơ quan, tổ chức và đối với doanh nghiệp cũng được quản lý chặt chẽ theo quản trị doanh nghiệp, theo quy chế nội bộ và văn bản pháp quy hiện hành. Do vậy, các tổ chức này không để nguồn tiền tạm thời nhàn rỗi tại quỹ hoặc sử dụng vào việc khác không phù hợp với quy định của pháp luật. Vì vậy, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề xuất theo loại ý kiến thứ nhất, chỉ bảo hiểm tiền gửi của người gửi tiền là cá nhân được quy định như trong dự thảo Luật trình Quốc hội.

Về mô hình tổ chức bảo hiểm tiền gửi. Về vấn đề này, có hai loại ý kiến:

- Loại ý kiến thứ nhất: đa số ý kiến nhất trí với dự thảo Luật, theo đó giữ nguyên mô hình Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam (BHTGVN) do Thủ tướng Chính phủ thành lập như hiện nay và giao Ngân hàng Nhà nước Việt Nam quản lý nhà nước.

- Loại ý kiến thứ hai: một số ý kiến đề nghị Tổ chức bảo hiểm tiền gửi do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam thành lập và quản lý nhà nước, trực thuộc cơ cấu, tổ chức của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.

Do vấn đề này còn có ý kiến khác nhau, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xin trình Quốc hội đề xuất theo Phương án 1 vì các lý do sau: Về bản chất, tổ chức bảo hiểm tiền gửi là định chế tài chính với hoạt động chuyên môn là hoạt động tài chính (bảo hiểm), có nhiệm vụ góp phần bảo đảm sự ổn định của thị trường tài chính nói chung và hoạt động ngân hàng nói riêng. Trên thực tế, từ năm 1999 Thủ tướng Chính phủ đã thành lập BHTGVN với tư cách là một tổ chức tài chính nhà nước, không phải là một đơn vị trực thuộc cơ cấu, tổ chức của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, nhưng chưa giao cụ thể cơ quan thay mặt Chính phủ quản lý nhà nước về bảo hiểm tiền gửi.

Vì vậy, để bảo đảm sự phù hợp với bản chất của tổ chức BHTGVN và pháp luật hiện hành, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất giao Thủ tướng Chính phủ quyết định thành lập tổ chức này.

Xét trong điều kiện trình độ phát triển của nước ta, BHTGVN hoạt động theo mô hình chi trả với quyền hạn mở rộng là phù hợp với mục đích và sự cần thiết xây dựng Luật, cũng như phù hợp với đặc thù trong điều hành chính sách tiền tệ quốc gia và yêu cầu đảm bảo an toàn hệ thống tài chính quốc gia. Các chức năng thanh tra tại chỗ, giám sát trực tiếp, hỗ trợ tài chính, can thiệp vào hoạt động nội bộ của tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi sẽ do cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền là Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đảm nhiệm. Tổ chức bảo hiểm tiền gửi có thể tham gia vào quá trình giám sát từ xa trên cơ sở thông tin của các tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi nhận được từ Ngân hàng Nhà nước Việt Nam để tránh trùng lắp, chồng chéo gây cản trở hoạt động của các tổ chức tín dụng. Mặt khác, dự thảo Luật (tại Khoản 12 Điều 13) quy định tổ chức bảo hiểm tiền gửi tham gia quá trình kiểm soát đặc biệt, thanh lý, xử lý tài sản của tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi... theo quy định của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, do vậy cũng đảm bảo cho BHTGVN thực hiện tốt chức năng bảo vệ quyền lợi của người gửi tiền và xác định rõ giới hạn của BHTGVN trong việc bảo đảm an toàn hệ thống tài chính tiền tệ quốc gia.

Đại biểu Trần Du Lịch khẳng định tổ chức bảo hiểm tiền gửi là định chế tài chính công, bắt buộc phải là tổ chức có quyền tự chủ hay độc lập tương đối. Do vậy, không có lý do gì tổ chức này lại như một cơ quan trực thuộc ngân hàng Nhà nước.

Đồng tình với ý kiến của đại biểu Trần Du Lịch (Thành phố Hồ Chí Minh), đại biểu Nguyễn Thanh Hải (Hòa Bình) khẳng định tổ chức bảo hiểm tiền gửi nên là một định chế độc lập.

Theo đại biểu, ngân hàng Nhà nước trên thực tế là một cơ quan thực thi các chính sách về tiền tệ, cấp giấy phép cũng như trực tiếp quản lý các hệ thống tín dụng. Trong khi đó chức năng của bảo hiểm tiền gửi là bảo vệ quyền lợi của người gửi tiền, bảo đảm an toànlành mạnh hệ thống ngân hàng nhằm nâng cao niềm tin của người dân, giám sát hệ thống tài chính quốc gia.

Đại biểu Nguyễn Đình Quyền (Hà Nội) nhấn mạnh vấn đề có ý nghĩa quan trọng, có ý quyết định của dự thảo Luật này là xác định địa vị pháp lý của tổ chức bảo hiểm tiền gửi. Tuy nhiên, theo đại biểu, dự thảo chưa làm rõ được mối quan hệ pháp luật giữa người gửi tiềntổ chức bảo hiểm tiền gửi. Do đó, rất khó để xác định được mô hình tổ chức bảo hiểm tiền gửi.

Thảo luận về vấn đề phí bảo hiểm tiền gửi, đa số các ý kiến nhất trí không quy định cứng nhắc mức phí bảo hiểm tiền gửi trong dự thảo Luật mà giao Thủ tướng Chính phủ quy định mức phí bảo hiểm tiền gửi theo đề nghị của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam trong từng thời kỳ.

Theo đại biểu Phan Văn Quý (Nghệ An), việc áp dụng một mức phí bảo hiểm tiền gửi chung về lâu dài sẽ như một sự bao cấp, không tạo ra sự cạnh tranh trong hoạt động của các ngân hàng trong hệ thống. Đồng thời, dẫn tới một nghịch lý là các ngân hàng thanh khoản kém, đặt người gửi tiền trước rủi ro rất lớnđặt hệ thống ngân hàng trong trường hợp báo động.

Đại biểu Phan Văn Quý cho rằng việc thay đổi cách tính mức phí bảo hiểm tiền gửi là cần thiếtnên tính mức phí bảo hiểm theo mức độ rủi ro khi tham gia bảo hiểm tiền gửi. Ý kiến này nhận được sự đồng tình của nhiều đại biểu. Nhiều ý kiến đồng tình việc xác định phí bảo hiểm tiền gửi dựa trên định mức tín nhiệm của các tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi là cần thiết nhằm đảm bảo sự công bằng cũng như nâng cao hiệu quả hoạt động của các tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi.

Loại tiền gửi được bảo hiểm, hạn mức trả tiền bảo hiểm... cũng là những nội dung được nhiều đại biểu quan tâm thảo luận trong phiên họp chiều 23/5.

Cũng trong chiều nay, Quốc hội đã nghe trình bày Tờ trình đề nghị Quốc hội bãi nhiệm tư cách đại biểu Quốc hội đối với bà Đặng Thị Hoàng Yến, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Long An.

Theo Chương trình, sáng 24/5, Quốc hội thảo luận tại tổ về các nội dung: Đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hộingân sách nhà nước năm 2011. Việc triển khai thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hộingân sách nhà nước những tháng đầu năm 2012. Quyết toán ngân sách nhà nước năm 2010. Bổ sung một số dự án mới sử dụng nguồn vốn trái phiếu Chính phủ giai đoạn 2012-2015.

Buổi chiều, Quốc hội thảo luận tại tổ về Đề án tổng thể tái cơ cấu nền kinh tế./

TH

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất