Nhưng ở thời điểm này, nó thực sự trở nên bức xúc khi thực phẩm bẩn - sạch chẳng khác một “mê cung”, khiến người tiêu dùng không biết làm cách nào để mà phân biệt.
Mấy ngày gần đây, hàng loạt vụ vận chuyển, kinh doanh thực phẩm “bẩn” với số lượng lớn được các cơ quan chức năng phát hiện. Trong số đó, có hàng chục mẫu rau có chất cấm và dư lượng thuốc bảo vệ thực vật vượt mức cho phép; hàng trăm mẫu thịt lợn, thịt gà chứa chất gây ung thư hoặc gây ngộ độc thực phẩm; hàng tấn thịt thối bị bắt giữ… Những vụ việc nêu trên cho thấy, việc xử lý thực phẩm “bẩn” đã trở nên cấp bách hơn bao giờ hết. Bởi lẽ, nó không những chỉ gây hại cho người tiêu dùng, mà còn gây hại cho chính những người chăn nuôi chân chính và bóp chết ngành thực phẩm sạch. Nếu không ra tay dẹp triệt để thực phẩm “bẩn”, thì việc cải tổ ngành chăn nuôi nói riêng cũng như việc xây dựng thị trường thực phẩm sạch nói chung chắc chắn sẽ đi vào ngõ cụt!
Dường như càng thực phẩm bắt mắt, ngon miệng lại càng độc hại, mà theo cơ quan chức năng, trong khi hệ thống kiểm nghiệm thực phẩm trong cả nước, mới chỉ phát hiện được khoảng 30% các hóa chất nguy hại có trong thực phẩm, trong tổng số hơn 2.000 hóa chất bảo vệ thực vật các loại. Do đó, người tiêu dùng không biết làm cách nào để có thể tự bảo vệ mình, đành nhắm mắt cho qua.
Thực phẩm “bẩn” rõ ràng đã trở thành nguy cơ khi chưa có sự phối hợp giữa ngành chức năng với các cấp chính quyền để tìm giải pháp ngăn chặn hiệu quả. Theo Cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), sau hơn 6 tháng triển khai Thông tư 45 về đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm ở 40/63 tỉnh, thành phố, qua tái kiểm tra hơn 700 cơ sở giết mổ, chỉ có 1 cơ sở cải thiện được tình trạng an toàn thực phẩm. Như vậy, tình trạng không đảm bảo an toàn thực phẩm tại các cơ sở giết mổ vẫn còn phổ biến, nhưng vẫn chưa có biện pháp xử lý nghiêm, hầu hết chỉ bị nhắc nhở, khiển trách.
Cần khẳng định rằng, chế tài xử phạt vi phạm trong vệ sinh an toàn thực phẩm hiện chưa đủ sức răn đe. Vì lợi nhuận mà nhiều đối tượng vẫn bất chấp luật pháp, sử dụng thủ đoạn tinh vi, gây hại cho người tiêu dùng. Do vậy, nhiệm vụ đặt ra đối với các cơ quan chức năng là cần tiến hành rà soát để kịp thời phát hiện các thủ đoạn mới để có biện pháp ngăn chặn. Bên cạnh đó, người dân cũng phải nâng cao nhận thức, phối hợp cùng cơ quan chức năng phát hiện các hành vi vi phạm. Về lâu dài, cần có một nền sản xuất phát triển, một kênh phân phối tốt từ sản xuất đến người tiêu dùng và phải có một hành lang pháp lý đủ mạnh. Đây vẫn là “điểm nghẽn” mà từ lâu chưa có biện pháp khắc phục.
Vấn đề không kém phần quan trọng là cần khuyến khích phát triển các mô hình sản xuất theo chuỗi thực phẩm sạch từ trang trại, đồng ruộng tới bữa ăn từng hộ dân. Mấu chốt là phải tạo ra sự chuyển biến trong thực tế, cụ thể là tăng cường kiểm soát cơ sở giết mổ không chỉ dừng lại ở việc kiểm tra rồi bắt đóng cửa, đẩy mạnh áp dụng quy trình sản xuất khép kín trong chăn nuôi và thủy sản. Hơn bao giờ hết, kỷ luật sản xuất phải được siết chặt và đồng bộ bằng những quy định, chính sách theo hướng đưa nền nông nghiệp nước nhà phát triển theo hướng sạch, lành mạnh, nhất là trong bối cảnh Việt Nam ngày càng hội nhập sâu.
Yến Nhi/Báo Tin tức