Chủ Nhật, 6/10/2024
Nghiệp vụ công tác tuyên giáo
Chủ Nhật, 12/6/2016 14:59'(GMT+7)

Cần “mở” hơn để nhận rõ thêm nhiều thực trạng

Phố cổ Hà Nội – một trong những đề tài được quan tâm thường xuyên của báo chí.

Phố cổ Hà Nội – một trong những đề tài được quan tâm thường xuyên của báo chí.

Tích cực “cứu” di tích

Trước thềm kỷ niệm Ngày báo chí cách mạng Việt Nam 21-6, sáng ngày 11-6, Báo Người Hà Nội, Tạp chí Người làm báo – Hội nhà báo Việt Nam và Hội văn nghệ dân gian Hà Nội tổ chức hội thảo khoa học “Báo chí với việc bảo tồn và phát huy văn hóa vật thể của Hà Nội”. Tuy “hàm lượng khoa học” tại hội thảo còn là điều băn khoăn, nhưng một số phản ánh, nhận xét ban đầu đã đặt vấn đề cần nhìn nhận, đánh giá đầy đủ hơn về cuộc đồng hành “chưa có dấu hiệu mệt mỏi” và những tác động của báo chí đối với hoạt động bảo tồn, phát huy giá trị hệ thống di tích, di sản vật thể tại Thủ đô.

Hà Nội là nơi tập trung dày đặc hệ thống di tích, di sản văn hóa vật thể, giàu giá trị lịch sử, văn hóa, nghệ thuật. Chính vì thế mà mảnh đất này luôn được báo chí quan tâm hàng đầu trong các đề tài liên quan đến di tích, di sản vật thể. Cụ thể hơn, cũng chính ở nhiều địa bàn của Hà Nội, do các hoạt động trùng tu, tôn tạo, tu bổ di tích diễn ra thường xuyên, liên tục trong bối cảnh nhiều đình, đền, chùa hay các công trình văn hóa truyền thống khác đang xuống cấp qua nhiều trăm năm tồn tại, nên báo chí khai thác những diễn biến xung quanh sự “thăng trầm” của các di tích cũng hết sức sôi động. Một số ý kiến tại hội thảo đã đánh giá cao những phát hiện, phản ánh của báo chí về những vụ làm sai, làm hỏng, làm biến dạng và vi phạm pháp luật về di sản trong quá trình quản lý, tôn tạo di tích, như tại chùa Trăm Gian, đền Phù Đổng, chùa Hương…

GS Hoàng Chương – Tổng giám đốc Trung tâm bảo tồn và phát huy văn hóa dân tộc Việt Nam khẳng định, báo chí đã tích cực vào cuộc trong việc bảo vệ di tích, di sản vật thể. Nhiều báo, đài đã dành nhiều thời lượng, số trang, nội dung cho các đề tài tuyên truyền về văn hóa dân tộc, trong đó có di sản vật thể. Nhiều vụ việc được các cơ quan chức năng phát hiện, kiểm tra, xử lý vi phạm chính nhờ sự lên tiếng của các nhà báo.

Qua chia sẻ của PGS.TS Nguyễn Lân Cường – Tổng thư ký Hội khảo cổ học Việt Nam, có thể thấy, có không ít “vụ” đặc biệt, nhờ tiếng nói của báo chí nên đã có chiều hướng thay đổi. Tiêu biểu như “vụ” thi công làm đường Văn Cao tại khu vực đường Hoàng Hoa Thám. Đây vốn là một đoạn tường thành xưa của Thăng Long, nhưng khi thi “xẻ” đường Hoàng Hoa Thám, đơn vị thi công có phát hiện di vật nhưng vẫn tiếp tục “làm” mà không thông báo với cơ quan văn hóa. Từ phản ánh của nhân dân, báo chí đã vào cuộc cùng với các nhà khoa học, kịp “đòi” được tổ chức khai quật khảo cổ học, cứu được phần nào các hiện vật quý.

Ông Trần Bá Dung – Ủy viên thường vụ Hội nhà báo Việt Nam cho biết, trong các giải thưởng báo chí quốc gia hằng năm, đã có những giải cao được trao cho những bài báo phát hiện kịp thời, phê phán mạnh mẽ những sai phạm trong tu bổ, tôn tạo di tích.

Hãy “mở” hơn với di sản vật thể!

Nhưng, để đánh giá kỹ, cụ thể, bao quát hơn sức mạnh của báo chí, và cả những hạn chế, nhược điểm của nhà báo, phóng viên khi tuyên truyền về bảo tồn, phát huy di tích, di sản vật thể thì có lẽ điều đó chưa nhận thấy rõ được ở hội thảo này. PGS.TS Mai Quỳnh Nam – Nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu con người cho rằng, hội thảo mới là khúc dạo đầu, cần có những khảo sát, thống kê về số lượng bài báo, hiệu quả tác động đối với công tác bảo tồn, phát huy di sản của Hà Nội. PGS Nam cũng đề nghị nên bàn sâu hơn về những phương thức thông tin, kỹ thuật truyền tin, cách làm của báo chí trong việc tuyên truyền, quảng bá về di sản, như ở một số nước đã rất thành công trong việc báo chí gắn kết di sản với phát triển du lịch.

Theo quan sát của ông Trần Bá Dung, có những bài báo khi nói về di tích, di sản còn “lỗ mỗ” về kiến thức, còn “méo mó” trong cách nhìn. Ông Dung cũng đề cao vấn đề phát huy văn hóa phản biện của nhà báo đối với việc bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa vật thể. Người làm báo cần có được những ý kiến phản biện chính sách, phản biện phương thức bảo tồn của các cơ quan, các địa phương để góp phần hoàn thiện, bổ sung cho những thiếu hụt, bất cập theo thời gian.

Cổng cuối làng Cựu. Ngôi làng ở xã Vân Từ, Phú Xuyên, Hà Nội với quần thể nhà truyền thống, nhà giao thoa kiến trúc Đông Tây tuyệt đẹp vẫn chờ đợi một cơ chế thích hợp để bảo tồn, phát huy giá trị.

Người viết bài này cho rằng, dường như so với chủ đề rộng về văn hóa vật thể của Hà Nội, thì mối quan tâm của các nhà tổ chức và cử tọa còn tập trung chủ yếu vào các di tích. Và cũng theo tinh thần hội thảo về hoạt động báo chí với bảo tồn, phát huy văn hóa vật thể thì còn cần thêm những nội dung đáng bàn liên quan đến kiến thức, kỹ năng, nghiệp vụ người làm báo khi tiếp cận di tích, di sản vật thể. Đồng thời cũng rất nên có thêm những gợi ý với người làm báo trong việc khai thác mảng đề tài di sản vật thể. Bởi bên cạnh những vấn đề về trùng tu, tôn tạo di tích, kiện toàn các ban quản lý di tích, băn khoăn về tư cách đạo đức và năng lực của những người trông nom di tích… vốn được báo chí “coi sóc” thường xuyên lâu nay, vẫn còn nhiều vấn đề khác đáng được quan tâm nhiều hơn.

Đó là thực trạng phá vỡ cảnh quan di tích, suy giảm dần không gian thiên nhiên của các cụm di tích. Là tình trạng lộn xộn, thiếu định hướng trong bài trí, trang trí, sửa sang di tích. Là vấn đề quy hoạch và bảo vệ các cụm di tích, di sản ở các làng quê, trong đó không chỉ “ưu tiên” những đình, chùa… đã được xếp hạng, mà còn nhiều những cổng làng, giếng làng, miếu, nghè, nhà thờ họ… vốn mang nhiều giá trị. Là những câu hỏi cất lên từ thực trạng xuống cấp, biến đổi nhanh chóng của nhiều làng quê Việt đặc sắc như làng Cự Đà, làng Cựu… vốn chưa được ghi nhận, tôn vinh xứng đáng… Đây đều là những nguy cơ, những suy giảm, mất mát có thể nhận thấy và cần trở thành nỗi lo lắng chung về văn hóa vật thể trên nhiều địa bàn khác nhau của Hà Nội.

Xuyên Sơn/Báo Nhân Dân
Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất