Thứ Ba, 1/10/2024
Môi trường
Thứ Tư, 18/3/2009 16:28'(GMT+7)

Nghĩa trang Công viên - một cách làm mới cần nhân rộng

Cổng vào nghĩa trang

Cổng vào nghĩa trang

Với chủ trương đúng đắn và tầm nhìn chiến lược của chính quyền địa phương nhằm xây dựng nghĩa trang hiện đại bậc nhất cả nước, nghĩa trang có khuôn viên rộng trên 190 ha, tọa lạc trên vùng đất có địa thế tất cả như một bức tranh thủy mạc giữa thiên nhiên bao la. Mới đưa vào hoạt động khai thác hơn 1 năm, nhưng đã có hàng ngàn linh hồn người quá cố được đưa về đây.

Nghĩa trang Công viên Bình Dương được chia làm 9 khu khác nhau, mỗi khu mang một dáng dấp, nét đặc thù văn hóa, và đối tượng khác nhau (khu dành cho những người có công với đất nước, người theo đạo Phật, đạo Thiên chúa, người Hoa hay cho người nước ngoài, người vô gia cư…).

Được thiết kế với hình hoa hướng dương, mỗi khu đều có những biểu tượng kiến trúc riêng biệt mang màu sắc, kiến trúc đặc trưng.

Cổng nghĩa trang (Vĩnh hằng môn) được thiết kế mỗi bên 5 cột trụ. Trên thân trụ là hình những con chim hạc bay lượn, biểu tượng của nền văn hóa cổ Đông Sơn. Bao bọc 2 bên là nền cỏ xanh và hoa kiểng luôn tươi tốt bởi những bàn tay chăm sóc của hàng chục nhân công.

Nằm giữa Vĩnh hằng môn còn có quả cầu tròn tượng trưng cho trái đất không ngừng quay quanh vũ trụ bao la.

Qua Vĩnh hằng môn, chúng ta bước vào Đại lộ vĩnh hằng hay còn được gọi là Trục Thần Đạo chạy dọc theo hướng Tây- Bắc. Con đường chạy mãi giữa ngút ngàn cây cỏ xanh tốt như đưa tiễn những linh hồn về thế giới bên kia trong sự nhẹ nhàng thanh thoát.

Một góc nghĩa trang

Biểu tượng 12 con giáp khắc trên cầu Thủy Long bắc qua con suối, tượng trưng cho qui luật mà tất cả mọi người đều phải trải qua. Cách cầu Thủy Long không xa, phía tay phải của Trục Thần Đạo là Đền Trình, là nơi để người thân muốn nương gửi linh hồn của người quá cố xin phép, thông báo cho đất trời và mọi linh hồn đến trước biết.

Ấn tượng nhất là đài sen trắng hay còn được gọi là Vĩnh Hằng Đài có bàn tay Đức Phật như nâng niu tất cả mọi người sau khi xa cõi đời sẽ đi về cõi Niết Bàn.

Đài sen trắng - biểu tượng của nghĩa trang

Ngày ngày, những người trong và ngoài tỉnh về đây thắp nén nhang cho người thân của mình hay tới để đăng ký một “ngôi nhà” cho người thân sắp qua đời, họ đều được hướng dẫn, chia sẻ tận tình chu đáo.Tùy theo nguyện vọng yêu cầu của người nhà muốn chọn dịch vụ nào cũng được, có thể là mộ chìm, mộ nổi, hay hỏa táng đều được đáp ứng đầy đủ.

Trong nghĩa trang còn có 1 ngôi chùa, một nhà thờ, một đài hóa thân…

Thời gian tới, một số công trình sẽ tiếp tục được xây dựng hoàn thiện như chùa Đại An với chiều cao 7 tầng, là nơi có thể lưu cốt cho hàng ngàn người sau khi qua đời; Vườn Nhân Đàn có hình trống đồng khổng lồ gồm đài tưởng niệm và quảng trường có tượng đài, mộ chí, bia đá ghi công đức của các đời vua và các nhân vật lịch sử…

Một nghĩa trang công viên vừa mang đậm nét văn hóa truyền thống, vừa hiện đại sẽ góp phần đáp ứng được nhu cầu chôn cất, hỏa táng, thể hiện đạo lý “nghĩa tử là nghĩa tận”, đồng thời đảm bảo các điều kiện về môi trường./.

(Theo: VOVNews)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất