Chủ Nhật, 22/9/2024
Thời sự - Chính trị
Thứ Ba, 8/6/2010 21:21'(GMT+7)

Cần nghiên cứu kỹ Dự án xây dựng đường sắt cao tốc trước khi thông qua thực hiện

(Ảnh minh hoạ)

(Ảnh minh hoạ)

Dự án đường sắt cao tốc Hà Nội - TP HCM là dự án lớn, có tổng vốn đầu tư ước tính ban đầu là 56 tỷ USD, chiều dài 1.570km, đi qua 20 tỉnh, thành với vận tốc chạy tầu là 300km/giờ. Tổng diện tích thu hồi đất khoảng 4.170ha và gần 9.500 hộ dân cần tái định cư. Khi tuyến đường sắt cao tốc hoàn thành, thời gian chạy tàu từ Hà Nội vào TP HCM chỉ còn khoảng 5h30 phút.

Dự án được xây dựng sẽ góp phần thúc đẩy giao thương giữa các vùng, miền và giúp cho việc đi lại của nhân dân dễ dàng, thuận tiện hơn. Thời gian thực hiện ước tính kéo dài đến năm 2035, được coi là dự án có quy mô và kinh phí lớn nhất từ trước đến nay.

Trong phiên thảo luận, đa số các đại biểu Quốc hội tán thành với chủ trương đầu tư dự án xây dựng đường sắt cao tốc Hà Nội-TP HCM vì cho rằng, việc xây dựng sẽ góp phần giảm tải ùn tắc giao thông, góp phần vận chuyển hành khách với khối lượng lớn, thúc đẩy phát triển giao thương giữa các vùng, miền trong cả nước.

Tuy nhiên, nhiều đại biểu băn khoăn về nguồn vốn lớn để thực hiện dự án, thời gian thi công kéo dài trong khi đó lượng dân phải di dời không phải là ít.

Nguồn vốn thực hiện dự án quá lớn!

Đại biểu Sùng Thị Chư (đoàn Yên Bái) cho rằng: Với số vốn đầu tư dự kiến ban đầu lên tới 56 tỷ USD là số tiền tương đối lớn (chiếm 2/3 GDP/năm). Để thực hiện dự án, Việt Nam phải đi vay nước ngoài. Điều này sẽ khiến cho các khoản nợ của quốc gia tăng lên và việc trả nợ sẽ kéo dài đến vài chục năm. Vì vậy, Quốc hội cần nghiên cứu kỹ khi thực hiện dự án.

Đồng ý với quan điểm trên, đại biểu Trần Ngọc Vinh (đoàn Hải Phòng) nêu ý kiến: Hiện nay, trên thế giới chỉ có 11 nước có đường sắt cao tốc. Một số nước phát triển trong nhóm G7 không xây dựng. Nguồn ngân sách Nhà nước còn hạn hẹp, đất nước còn nhiều lĩnh vực phải đầu tư, liệu chủ trương xây dựng đường sắt cao tốc với số vốn lớn đến như vậy có cần thiết không trong khi tại sao không cải tạo, nâng cấp hệ thống đường sắt đang có, xây tàu thuỷ cao tốc.

Theo đại biểu Trần Ngọc Vinh, nguồn vay ODA không phải lúc nào cũng là có lợi vì một số nước như Thái Lan, Philippines đã dừng vay ODA sớm. Nếu Việt Nam vay vốn ODA để thực hiện dự án sẽ làm dư nợ nước ngoài tăng, trong khi đó vay thương mại có thể mua hoặc đấu thầu được còn vay ODA phải ràng buộc với các ngoài nhiều điều khoản bất lợi.

Thời gian thi công kéo dài

Theo như dự kiến, thời gian để khởi công dự án bắt đầu từ năm 2014-2035. Đây là khoảng thời gian tương đối dài sẽ ảnh hưởng đến hiệu quả và chất lượng dự án. Theo đại biểu Hoàng Văn Toàn (đoàn Vĩnh Phúc), nếu thực hiện dự án, nên kéo dài thời gian nghiên cứu, lập dự án khả thi để tích lũy vốn, tính toán kỹ về việc giải phóng mặt bằng mà chỉ nên rút ngắn thời gian thi công.

Đại biểu Hoàng Văn Toàn cho rằng, nếu khởi công thì nên bắt đầu từ năm 2015 hoặc 2017 và chỉ kéo dài thời gian thi công đến 10 năm. Trong đó nên chọn phương án thi công nhanh, công nghệ tiên tiến.

Về vấn đề này, đại biểu Đào Xuân Nay (đoàn Bình Thuận) đồng ý với chủ trương xây dựng đường sắt cao tốc Hà Nội-TP HCM. Tuy nhiên, để rút ngắn thời gian thi công, đại biểu cho rằng, chưa nên thực hiện dự án cùng một lúc mà nên phân kỳ tuyến Hà Nội-Vinh; TP HCM – Nha Trang.

Cần đảm bảo đời sống của nhân dân khi phải di dời

Theo dự kiến ban đầu, để thực hiện dự án đầu tư xây dựng đường sắt cao tốc Hà Nội-TP HCM cần phải thu hồi khoảng 4.170ha đất và gần 9.500 hộ dân cần tái định cư. Việc lấy đất của nông dân để thực hiện dự án và ổn định đời sống cho nhân dân khi phải di dời đến nơi ở mới là vấn đề cần phải nghiên cứu kỹ lưỡng. Đó là kiến nghị của đại biểu Sùng Thị Chư (đoàn Yên Bái).

Theo đại biểu Sùng Thị Chư, tổng chi phí giải phóng mặt bằng dự kiến trên 30.000 tỷ đồng là số tiền không phải nhỏ trong khi lượng đất nông nghiệp bị mất đi là vấn đề không dễ thực hiện khi mà thu nhập của gần 9.500 hộ dân chủ yếu sinh sống nhờ đất nông nghiệp. Quốc hội cần xem xét kỹ về việc giải quyết việc làm, ổn định đời sống của các hộ dân này như thế nào. Nếu cần thiết, trong kỳ họp này, Quốc hội chưa nên quyết định chủ trương đầu tư xây dựng dự án.

Đại biểu Lương Phan Cừ (đoàn Đắk Nông) cũng cho rằng, ngoài những hộ dân phải di dời do thực hiện dự án, còn có hơn 16.500 hộ gia đình bị ảnh hưởng về đất ở và sản xuất. Nếu không nghiên cứu kỹ lưỡng và thỏa thuận với các hộ dân, dự án sẽ phải kéo dài thêm thời gian thi công.

Chiều nay (8/6), Quốc hội tiếp tục thảo luận ở hội trường về chủ trương đầu tư dự án xây dựng đường sắt cao tốc Hà Nội-thành phố Hồ Chí Minh (TP HCM)./.

(Theo: VOV)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất