Thứ Bảy, 23/11/2024
Thời sự - Chính trị
Chủ Nhật, 28/4/2013 21:34'(GMT+7)

Cân nhắc lộ trình điều chỉnh lương tối thiểu

Bộ trưởng Phạm Thị Hải Chuyền

Bộ trưởng Phạm Thị Hải Chuyền

Một trong những quy định được người lao động quan tâm trong Bộ luật Lao động 2012 là mức lương tối thiểu phải đảm bảo nhu cầu sống tối thiểu của người lao động, tuy nhiên, dù đã có đến 10 lần điều chỉnh nhưng lương tối thiểu vẫn chưa đảm bảo được yêu cầu trên. Bộ trưởng Phạm Thị Hải Chuyền cho rằng đây là một thực tế cần phải thừa nhận. Do đặc điểm lịch sử và điều kiện kinh tế xã hội nên hiện mức lương tối thiểu mới chỉ đáp ứng 60% nhu cầu tối thiểu của người lao động.

Tuy nhiên, trong tình hình sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp năm 2013 dự báo sẽ tiếp tục khó khăn, nếu điều chỉnh ngay mức lương tối thiểu theo quy định của Bộ luật Lao động 2012 thì nhiều doanh nghiệp sẽ khó khăn, thậm chí có khả năng phá sản như doanh nghiệp dệt may, da giày, gia công, khi đó người lao động sẽ mất việc làm.

“Vì vậy, trong điều kiện này cần phải cân nhắc lộ trình điều chỉnh mức lương tối thiểu cho phù hợp, bảo đảm có sự chia sẻ giữa doanh nghiệp và người lao động”, Bộ trưởng Phạm Thị Hải Chuyền nói.

Với quan điểm bảo vệ người lao động thì những quy định của Bộ luật Lao động khi đi vào thực tiễn sẽ giúp cho việc bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động ngày một tốt hơn, tiến tới xây dựng mối quan hệ lao động hài hoà, ổn định. Trong lần sửa đổi này, vấn đề lao động trọn thời gian, giúp việc gia đình, cho thuê lại lao động,… đã quy định phù hợp hơn, đáp ứng nhu cầu thực tế của thị trường lao động, giúp người lao động có nhiều cơ hội lực chọn việc làm phù hợp với bản thân.

Hiện Bộ LĐTBXH đã xây dựng phương án để báo cáo Thủ tướng Chính phủ về lộ trình điều chỉnh mức lương tối thiểu 4 vùng để có thể đảm bảo nhu cầu sống tối thiểu cho người lao động vào năm 2016 hoặc 2017. Trong quá trình thực hiện, nếu điều kiện kinh tế xã hội, sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp thuận lợi thì điều chỉnh mức lương tối thiểu vùng nhanh hơn lộ trình dự kiến.

Hạn chế nợ đóng, chậm đóng BHXH

Một trong những vấn đề nóng được nêu lên đối với Bộ trưởng Phạm Thị Hải Chuyền là tình trạng nợ đóng, chậm đóng BHXH đã ảnh hưởng không nhỏ đến quyền lợi của người lao dộng.

Theo báo cáo của Bảo hiểm xã hội Việt Nam (BHXH), tính đến 31/12/2012, nợ đọng BHXH, bảo hiểm thất nghiệp là 4.639 tỷ đồng (trong đó, nợ BHXH bắt buộc là 4.274 tỷ đồng). Số nợ tập trung chủ yếu tại các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, doanh nghiệp ngoài quốc doanh. Mặc dù số nợ đóng, chậm đóng BHXH giảm 232 tỷ đồng so với năm 2011, tuy nhiên, tình trạng nợ đóng, chậm đóng BHXH vẫn tồn tại, ảnh hưởng tới quyền lợi của người lao động.

Bộ trưởng Phạm Thị Hải Chuyền cho biết tình trạng trên có nhiều nguyên nhân. Thứ nhất, do mức phạt chậm đóng BHXH chỉ 9-10%, thường thấp hơn lãi suất vay ngân hàng cùng kỳ đã dẫn tới các doanh nghiệp chấp nhận chịu phạt khi chậm đóng, nợ đóng để sử dụng tiền đóng BHXH vào mục đích khác. Thứ hai, nhiều doanh nghiệp hoạt động khó khăn nên nợ đóng, chậm đóng BHXH. Thứ ba là doanh nghiệp đã thu tiền đóng BHXH của người lao động nhưng cố tình không đóng.

"Hướng xử lý các trường họp này cũng phải rõ ràng. Đối với những đơn vị quá khó khăn thì tạo điều kiện cho họ chậm đóng BHXH. Những doanh nghiệp chậm đóng, nợ đóng BHXH để sử dụng tiền đóng BHXH vào mục đích khác thì cần phải nâng mức phạt cao hơn. Còn đối với các doanh nghiệp đã thu tiền đóng BHXH của người lao động mà chưa đóng thì phải phạt nghiêm", Bộ trưởng Phạm Thị Hải Chuyền nói.

Về lâu dài, Bộ LĐTBXH kiến nghị khi xây dựng Luật BHXH (sửa đổi) và pháp luật liên quan cần điều chỉnh mức lãi chậm đóng theo hướng cao hơn lãi suất vay ngân hàng cùng kỳ; áp dụng mức phạt tối đa đối với hành vi vi phạm pháp luật về BHXH; xử lý hình sự hành vi của cá nhân người sử dụng lao động cố tình trốn đóng BHXH hoặc đã trích tiền đóng của người lao động mà không đóng vào quỹ BHXH.

Theo Minh Khôi/Chinhphu.vn

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất