Thông tin trên là một trong những nội dung được nêu lên tại Hội nghị toàn quốc tổng kết 5 năm
thực hiện Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về Ngày Sách Việt Nam, diễn
ra sáng 18/4, tại Hà Nội.
Dự Hội nghị có các đồng chí: Võ Văn Thưởng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương; Trần Thanh Mẫn, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam; Vũ Đức Đam, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ; Phùng Xuân Nhạ, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo; Nguyễn Mạnh Hùng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông; Thượng tướng Nguyễn Trọng Nghĩa, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó chủ nhiệm Tổng cục Chính trị cùng lãnh đạo các bộ ngành, địa phương; đại diện các nhà xuất bản, các đơn vị phát hành sách và đại diện các nhà xuất bản, tổ chức phát hành xuất bản phẩm nước ngoài tại Việt Nam.
Phát biểu tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, thực hiện nhiệm vụ được Thủ tướng Chính phủ giao, Bộ Thông tin và Truyền thông đã triển khai đồng bộ kế hoạch tổ chức Ngày sách Việt Nam đến các bộ, ngành, tổ chức, địa phương trên cả nước, với mục tiêu phát động, xây dựng phong trào đọc sách, viết sách, quảng bá sách, lưu giữ sách trong các tầng lớp nhân dân; đưa phong trào lan toả thành nếp sống đẹp trong sinh hoạt văn hoá cộng đồng; tôn vinh người đọc và những người tham gia sưu tầm, sáng tác, xuất bản, in và phát hành sách.
Qua 5
năm triển khai quyết định của Thủ tướng Chính phủ về Ngày Sách Việt Nam,
toàn ngành xuất bản đã xuất bản được 160.000 xuất bản phẩm với 1,9 tỷ
bản; tăng 20% về số cuốn và số bản sách. Chất lượng xuất bản phẩm được
nâng cao, cung cấp cho xã hội khối lượng lớn thông tin, kiến thức của
nhiều lĩnh vực, góp phần nâng cao dân trí và phục vụ tốt hơn nhu cầu
hưởng thụ của mọi đối tượng bạn đọc.. |
Trong 5 năm qua, số cuốn sách tăng 22%, số bản sách tăng 55%. Tuy chưa phổ cập, nhưng Ngày sách Việt Nam đã về được đến cấp huyện, xã; tủ sách đã về đến lớp học và hộ gia đình; giờ đọc sách đã vào đến lớp học; Tết đến nhiều người đã lì xì, mừng tuổi bằng sách.
Thành phố Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh đã có đường sách. Nhiều địa phương đã tổ chức ngày hội sách. Hàng năm đã tổ chức Giải thưởng sách quốc gia.
Đến nay đã có 10 nhà xuất bản đầu tiên chuẩn bị cho việc xuất bản điện tử.
Từ năm 2014, Thủ tướng Chính phủ quyết định lấy ngày 21/4 hàng năm là Ngày sách Việt Nam.
Theo lãnh đạo Bộ Thông tin và Truyền thông, 5 năm tới, Việt Nam phấn đấu số cuốn sách tăng 50%, số bản sách tăng 100%. Nhiều cơ chế chính sách mới sẽ được ban hành để chấn hưng văn hoá đọc Việt Nam. Ngày sách, tủ sách, đường sách, hội chợ sách, giờ đọc sách sẽ được phổ cập rộng rãi. Giải thưởng sách Quốc gia sẽ được đổi mới, tổ chức với quy mô lớn hơn, thu hút sự quan tâm của xã hội. Hợp tác quốc tế về sách sẽ rộng rãi hơn...
Đồng thời, tập trung mọi nguồn lực phát
triển văn hóa đọc, tăng mức hưởng thụ xuất bản phẩm/đầu người (không
tính sách giáo khoa) tương đương với các nước trong khu vực, đạt chỉ số 4
bản sách/người/năm. Xây dựng, khôi phục, phát triển mạng
lưới cơ sở phát hành xuất bản phẩm tại các vùng có điều kiện kinh tế, xã
hội đặc biệt khó khăn, vùng sâu, vùng xa, miền núi, biên giới, hải đảo.
Mục tiêu hướng tới sẽ là: 100% tỉnh, thành phố trên cả nước có trung tâm phát hành xuất bản phẩm
quy mô lớn, hiện đại; 90% số xã trên cả nước có điểm phát hành xuất bản
phẩm theo nhiều hình thức. Đưa hoạt động của Ngày Sách Việt Nam đến
100% các cơ sở giáo dục; 100% cấp quận huyện; 40% xã phường. Các tỉnh,
thành phố lớn đều có đường sách, phố sách. Tiếp tục xây dựng, hình thành
và phát triển mô hình thư viện tư nhân, tủ sách gia đình, tủ sách dòng
họ. Phấn đấu 30%-40% hộ gia đình có tủ sách.
Phát biểu tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam khẳng định, sự hiếu học là điều vô cùng quý giá đối với mỗi con người, từng gia đình, từng cộng đồng, từng dân tộc và cũng là đặc trưng chung của nhân loại. Dân tộc Việt Nam với bề dày truyền thống lịch sử hơn 4000 năm văn hiến và là dân tộc có truyền thống hiếu học.
Từ năm 2014, Thủ tướng Chính phủ quyết định lấy ngày 21/4 hàng năm là Ngày sách Việt Nam và đây thực sự đã trở thành dấu mốc quan trọng. “Mới qua 5 năm nhưng cộng đồng các doanh nghiệp, các địa phương, các nhà xuất bản đã tích cực tham gia vào Ngày Sách Việt Nam, làm cho văn hóa đọc khôi phục lại và có bước phát triển đáng mừng. Sách đã đến được với vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới, hải đảo. Không chỉ có những doanh nghiệp lớn tham gia vào tài trợ, đưa sách đến với mọi người mà kể cả những doanh nghiệp, cá nhân dù điều kiện kinh tế còn khó khăn nhưng đã dành tấm lòng cho sách”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.
Nhân dịp này, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam gửi lời cảm ơn tới các cá nhân, tổ chức trong và ngoài nước, các nhà xuất bản, dù trong cơ chế còn khó khăn nhưng đã dành một phần lợi nhuận để đưa sách đến nông thôn, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo.
Theo Phó Thủ tướng, qua 5 năm, tuy kết quả đạt được rất đáng khích lệ, nhưng chúng ta vẫn phải nỗ lực hơn nữa. Phải làm sao cho Ngày Sách Việt Nam và văn hóa đọc thực sự đi vào cuộc sống và lan tỏa đến mọi ngõ ngách, mọi cơ quan, mọi ngành, mọi cấp; phong trào học, tự học và đọc phải được lan rộng trong toàn xã hội, nhất là trong giới trẻ.
Phó Thủ tướng đề nghị Bộ Thông tin & Truyền thông phải là đầu mối để kiến nghị các chính sách, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các nhà xuất bản đưa sách đến mọi nơi.
Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch là cơ quan phối hợp thực hiện Ngày Sách Việt Nam và là cơ quan chủ trì Đề án phát triển nền văn hóa đọc phải tiếp tục làm tốt điều này.
Bên cạnh đó, cần phải tiếp tục lồng ghép sách nhiều hơn vào các phong trào như: xây dựng gia đình văn hóa, xây dựng nếp sống văn hóa, khuyến học, khuyến nông. Tạo môi trường và điều kiện thuận lợi nhất để khuyến khích mọi người tham gia viết sách, tôn vinh các tác giả, văn nghệ sĩ, những tấm gương đã đưa sách và văn hóa đọc đến với mọi người và mọi nhà.…
Trong 5 năm qua, Ngày Sách Việt Nam đã được tổ chức
trên cả nước với quy mô ngày càng lớn. 90% các tỉnh thành đã triển khai
các hoạt động của Ngày Sách Việt Nam xuống các quận, huyện; 30% tỉnh
thành đã tổ chức Ngày Sách Việt Nam ở cấp cơ sở xã phường.
100% cơ sở giáo dục đã phối
hợp với các cơ quan báo, đài tuyên truyền về mục đích, ý nghĩa và các
hoạt động của Ngày Sách Việt Nam. Trên 66 triệu lượt học sinh, sinh viên
và trên 4,7 triệu lượt cán bộ, giảng viên, nhân viên tham gia hưởng ứng
Ngày Sách Việt Nam; đã xây dựng được trên 30.000 tủ sách phụ huynh.
|
Tại Hội nghị, nhiều ý kiến phát biểu và tham luận của đại diện các bộ, ngành, địa phương đều khẳng định ý nghĩa to lớn của việc thực hiện Ngày sách Việt Nam cũng như phát triển văn hóa đọc; đồng thời đưa ra những kiến nghị thiết thực về việc làm thế nào để phong trào đọc sách có sức lan tỏa mạnh mẽ hơn trong cộng đồng.
Đồng chí Võ Văn Thưởng và đồng
chí Vũ Đức Đam trao Bằng khen cho các tập thể và cá nhân.
Nhân dịp này, Ban Tổ chức đã trao Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ cho 8 tập thể, 5 cá nhân; Bằng khen của Bộ Thông tin và Truyền thông cho 42 tập thể và 12 cá nhân vì đã có thành tích xuất sắc trong việc thực hiện Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về Ngày Sách Việt Nam./.
Tin, ảnh: Nhật Minh