Thứ Ba, 26/11/2024
Môi trường
Thứ Ba, 31/1/2017 20:12'(GMT+7)

Cần nỗ lực cải thiện môi trường không khí

* Phát sinh nhiều nguồn thải

Ông Nguyễn Văn Đường, Phó Chi cục trưởng, Chi cục Bảo vệ môi trường tỉnh Bắc Ninh cho biết, môi trường không khí tại các khu công nghiệp, cụm công nghiệp, làng nghề chịu ảnh hưởng tổng hợp từ nhiều nguồn thải khác nhau. Trong khoảng 5 năm trở lại đây, chất lượng không khí đô thị tại Bắc Ninh chưa có nhiều cải thiện. Nồng độ bụi cao vẫn là vấn đề đáng lo ngại nhất. Tại các điểm quan trắc cạnh đường giao thông như tại các ngã tư thị trấn của các huyện, thị cho thấy nồng độ bụi cao hơn Quy chuẩn Việt Nam (QCVN 05/2013 của Bộ Tài nguyên và Môi trường) từ 1,1-1,3 lần. Tại các cụm công nghiệp, hầu hết đều cao hơn giới hạn cho phép của QCVN khoảng 1,3-1,5 lần. Tại các làng nghề của tỉnh cũng đều cao hơn giới hạn cho phép QCVN khoảng 1,8 lần.

Theo ông Đường, ô nhiễm không khí tại các làng nghề đang là vấn đề lo ngại nhất của tỉnh Bắc Ninh. Tùy theo tính chất của từng loại làng nghề mà loại ô nhiễm môi trường cũng khác nhau. Trong đó, ngành sản xuất có thải lượng ô nhiễm lớn nhất là tái chế kim loại, quá trình tái chế và gia công cũng gây phát sinh các khí độc. Các làng nghề chế biến lương thực, thực phẩm, chăn nuôi và giết mổ phát sinh ô nhiễm mùi do quá trình phân huỷ các chất hữu cơ trong nước thải và các chất hữu cơ trong chế phẩm thừa thải ra tạo nên các khí như SO2, NO2, H2S, NH3...Các khí này có mùi hôi tanh rất khó chịu. Các làng nghề thủ công mỹ nghệ thường bị ô nhiễm nặng bởi khí SO2, phát sinh từ quá trình xử lý chống mốc cho các sản phẩm, bụi phát sinh từ quá trình bào sản phẩm. Ở các làng nghề sản xuất mặt hàng mây, tre đan...thì có tình trạng ô nhiễm không khí, do phải sử dụng lưu huỳnh khi sấy nguyên liệu.

Qua kết quả quan trắc định kỳ hàng năm tại làng nghề Văn Môn cho thấy, nồng độ SO2 cao hơn quy chuẩn cho phép 3,1 lần (năm 2012), nồng độ NO2 cao hơn quy chuẩn cho phép 2,2-2,6 lần. Nồng độ bụi tại các làng nghề là khá cao và hầu hết vượt quy chuẩn cho phép từ 1,1-1,8 lần.

Ông Nguyễn Hữu Tiến, Phó Vụ trưởng Vụ Môi trường, Bộ Giao thông Vận tải nhấn mạnh, việc phát triển kết cấu hạ tầng giao thông, cơ sở công nghiệp giao thông vận tải, hoạt động, phương tiện vận tải thuộc lĩnh vực quản lý của Bộ cũng ảnh hưởng lớn đến chất lượng không khí, gây ô nhiễm không khí.

Theo Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Võ Tuấn Nhân, mặc dù đã có rất nhiều nỗ lực trong các hành động giảm thiểu khí ô nhiễm nhưng Việt Nam vẫn còn phải đối mặt với nhiều khó khăn và thách thức về quản lý và kiểm soát khí thải. Vấn đề ô nhiễm không khí đã và đang trở thành mối nguy cơ lớn ảnh hưởng tới phát triển bền vững của đất nước.

* Đề xuất những giải pháp

Đề cập đến công tác quản lý chất lượng không khí và triển khai Quyết định 985a của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt kế hoạch hành động quốc gia về quản lý chất lượng không khí đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2025, Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân cho rằng, cần lập quy hoạch, xây dựng lộ trình từng bước di dời các cơ sở sản xuất trong làng nghề vào các khu, cụm công nghiệp tập trung để đầu tư xây dựng hệ thống xử lý rác thải. Các hộ sản xuất trong làng nghề bắt buộc phải đầu tư xây dựng hệ thống xử lý khí thải.

Tăng cường công tác kiểm tra, xử lý nghiêm các vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường; triển khai thực hiện Quy chế bảo vệ môi trường làng nghề, khu dân cư, cụm công nghiệp tỉnh Bắc Ninh; đẩy mạnh công tác điều tra cơ bản, quan trắc, dự báo, cảnh báo và kiểm soát ô nhiễm, đặc biệt là khu làng nghề có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường không khí cao. Xây dựng đề án mở rộng hệ thống mạng lưới giám sát chất lượng môi trường các làng nghề truyền thống và các khu dân cư đông đúc theo dõi diễn biến chất lượng môi trường phục vụ cho việc dự báo chiến lược đối với phát triển ngành và vùng kinh tế; nâng cao năng lực các cơ quan nghiên cứu phát triển về môi trường; hiện đại hóa trang thiết bị, kỹ thuật công tác nghiên cứu, đánh giá về bảo vệ môi trường.

Đối với việc triển khai thực hiện Quyết định 985a, tỉnh tập trung vào việc ban hành cơ chế, chính sách nhằm khuyến khích các cơ sở sản xuất sử dụng nhiên liệu sạch, đổi mới công nghệ để giảm phát thải khí thải; có những cơ chế, chính sách khuyến khích sử dụng khí nén tự nhiên làm nhiên liệu cho các phương tiện giao thông (đặc biệt là taxi, xe bus…).

Từng bước đưa các cơ sở sản xuất trong làng nghề vào các cụm công nghiệp để lắp đặt hệ thống xử lý khí thải; tăng cường công tác quản lý việc đầu tư, lắp đặt, vận hành các hệ thống thiết bị xử lý khí thải từ các cơ sở công nghiệp, đảm bảo không gây ô nhiễm môi trường không khí. Tăng cường việc lắp đặt thiết bị quan trắc khí tự động đối với các doanh nghiệp có nguồn khí thải lớn; nghiên cứu thực hiện đề án “kiểm soát khí thải xe mô tô, xe gắn máy tham gia giao thông”; có chính sách khuyến khích nhập khẩu thiết bị xử lý khí thải và thiết bị quan trắc khí thải tự động, liên tục.

Huy động các nguồn lực đầu tư ngoài vốn ngân sách nhà nước và các nguồn lực khác cho quản lý chất lượng không khí, sự tham gia của cộng đồng trong việc giám sát khí thải đồng thời đẩy mạnh việc thực hiện công tác thanh tra, kiểm tra việc thực hiện các quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường không khí.

Ông Nguyễn Hữu Tiến cho biết: Để triển khai, thực hiện Quyết định số 985a, trong thời gian tới, Bộ Giao thông Vận tải thực hiện việc triển khai lộ trình áp dụng tiêu chuẩn khí thải xe mô tô tham gia giao thông, sau khi Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; xây dựng và trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định quy định về lộ trình nâng cao mức tiêu chuẩn khí thải đối với xe ô tô đang lưu hành, xe cơ giới nhập khẩu đã qua sử dụng (dự kiến trình năm 2018); xây dựng Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về tiêu chuẩn khí thải mức 5 đối với xe ô tô sản xuất, lắp ráp và nhập khẩu mới (dự kiến ban hành năm 2020); xây dựng, trình cơ quan có thẩm quyền ban hành chính sách quản lý, phát triển phương tiện giao thông cơ giới lắp động cơ điện...

Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân đề nghị, giải pháp thực hiện kế hoạch trên tập trung vào việc hoàn thiện cơ chế chính sách, pháp luật về quản lý chất lượng không khí; kiện toàn tổ chức, nâng cao năng lực về quản lý chất lượng không khí; phòng ngừa, giảm thiểu phát thải, khí thải; hoàn thiện cơ chế tài chính, đa dạng hoá nguồn lực cho lĩnh vực quản lý chất lượng không khí; hợp tác quốc tế và nghiên cứu khoa học, công nghệ về quản lý chất lượng không khí; thanh tra, kiểm tra, giám sát việc thực hiện các quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường không khí; tuyên truyên, giáo dục và nâng cao năng lực, nhận thức về quản lý chất lượng không khí. Có như vậy, kế hoạch thực sự đi vào cuộc sống, góp phần cải thiện môi trường không khí của Việt Nam một cách bền vững trong bối cảnh hội nhập quốc tế./.

Thắng Trung/TTXVN


Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất