Chung một dòng sông
Ông Ba Thúng, một người gần như cả đời gắn bó với dòng sông biên giới Sở Hạ bằng nghề thả lưới giăng câu quanh năm. Nếu không nghe ông nghêu ngao hát câu vọng cổ mùi mẫn, thì khó có thể phân biệt đó là người Campuchia hay Việt Nam, vì cái lưng trần đen nhẽm màu nắng gió ruộng đồng. Ông Ba Thúng cho biết, bà con người Việt và Campuchia ngày ngày vẫn mưu sinh trên dòng sông này bằng nghề chài lưới rất đỗi thân tình. Mấy năm trước, vào mùa này, thả lưới dính cá nhiều lắm, nhưng năm nay hiếm quá, dòng sông bị ô nhiễm khá nặng, theo đó tôm cá cũng dần ít đi. Tôi thấy bên kia dòng sông có một chiếc xuồng chài, một người đàn ông Campuchia đang đứng trước mũi xuồng đã bắt gọn miệng chài trên vai chuẩn bị vãi chài, phía sau là người phụ nữ bơi lái. Sau khi quăng chài, anh cất tiếng vọng sang nói với ông Ba Thúng bằng tiếng Việt rất sõi: “Trưa nay qua nhà tôi nhậu chơi, ông Ba”. Tôi bất ngờ khi nghe ông Ba Thúng trả lời bằng tiếng Campuchia, đại ý là: “Trưa nay tôi đi dự lễ khánh thành cây nước, không qua nhà anh nhậu được, chút nữa anh qua chơi, có văn nghệ vui lắm”. Ông Ba Thúng cho biết, người dân ở vùng biên giới này biết tiếng nhau rành lắm, trong giao tiếp, nói thứ tiếng nào cũng được. Còn chuyện qua lại gặp gỡ, mua bán với nhau là chuyện hàng ngày ở vùng biên giới.
Ông Ba Thúng còn cho biết thêm: “Từ bao đời nay, bà con sống ở dọc hai bên dòng sông biên giới, đều uống chung dòng nước sông Sở Hạ này. Cứ xách nước đổ vào lu, rồi lóng phèn xài. Nhưng vài năm trở lại đây, dòng sông Sở Hạ bị ô nhiễm ngày càng nặng, cũng đành chịu thôi, vì đâu còn nguồn nước nào khác”. Ông Ba Thúng kể khổ: “Nước dưới sông xách lên chỉ giặt giũ mà cũng không xong, áo trắng bị vàng chạch, còn tắm thì ngứa khó chịu vô cùng”.
Cây nước nối tình biên giới
Cuối năm 2016, lãnh đạo Bộ đội Biên phòng và Ủy ban MTTQ tỉnh Đồng Tháp đã đề nghị Ủy ban MTTQ TPHCM vận động hỗ trợ bà con nơi đây có được cây nước sạch. Đây là việc làm mang ý nghĩa thiết thực trong việc thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. Hơn nữa, việc làm này chẳng những nặng tình nặng nghĩa với bà con vùng biên giới, mà còn là một tình cảm sâu nặng với người dân nước bạn, bấy lâu cùng chia ngọt xẻ bùi, tối lửa tắt đèn có nhau, phát triển bền chặt và tốt đẹp tình hữu nghị của người dân vùng biên giới.
Chúng tôi đến chợ biên giới Thông Bình khi nắng vừa lên cao. Có lẽ vì là ngày khánh thành cây nước sạch về biên giới, nên chợ vùng sâu biên giới hôm nay đông vui hơn mọi hôm. Cạnh cột mốc 231 phía Việt Nam là chiếc cầu biên giới bắt ngang qua dòng sông Sở Hạ, nối liền biên giới Việt Nam - Campuchia. Bà con hai bên sông qua lại khá đông và thủ tục xuất nhập cảnh rất đơn giản, nhìn mặt quen thuộc là đi được rồi, vì hàng ngày bà con qua lại đi chợ, uống cà phê, ăn sáng, tiệc tùng, cưới hỏi thường xuyên. Đặc biệt, lượng người từ huyện Kampong Trabeak, tỉnh Preyveng Campuchia qua Việt Nam khá đông, trên gương mặt ai cũng lộ nét hớn hở vui tươi, nói cười rộn rã. Mọi người cùng tề tựu trước sân trụ sở UBND xã Thông Bình dự lễ khánh thành cây nước sạch, ngồi bên nhau tâm tình cởi mở, tay bắt mặt mừng. Có người nói hôm nay đúng là ngày hội của bà con vùng biên giới Thông Bình, có niềm vui mừng nào bằng khi đón nhận dòng nước sạch, nó diệu kỳ như mát cả ruột gan.
Tại buổi lễ, bà Lê Thị Tư, một người dân cố cựu trên mảnh đất biên giới này, bộc bạch: “Từ trước đến nay, đời sống của người dân vùng biên giới chúng tôi rất gian nan vất vả. Là vùng sâu biên giới, những năm trước giao thông đi lại khó khăn, chủ yếu bằng xuồng ghe. Không điện, không nước sạch, tắm giặt, ăn uống đều bằng nước sông Sở Hạ. Những năm gần đây, được sự quan tâm của các cấp chính quyền, đời sống bà con được nâng lên nhiều, có điện, có chợ, có đường giao thông trải nhựa vượt lũ. Nhân dân chúng tôi vô cùng biết ơn”.
Trong dòng người từ Campuchia sang dự lễ khánh thành trạm cấp nước sạch, tôi gặp người đi chài trên sông Sở Hạ hồi sáng. Anh tên là Thạch Tha, đã mấy đời sống tại vùng biên giới này. Thạch Tha không giấu niềm vui: “Từ nào giờ, tụi tui đâu có biết cái chuyện làm cây nước như vầy. Công phu quá, nào là bơm nước từ dưới giếng lên hồ chứa, rồi lắng lọc cho sạch mới bơm lên hồ chứa trên cao, sau đó đưa về các hộ dân. Nước sạch giờ không còn là chiêm bao. Hôm nay nhờ mấy cô chú ở Ủy ban MTTQ TPHCM giúp cho cây nước, nghe nói số tiền làm cây nước cả tỷ đồng. Số tiền mà chúng tôi nằm mơ cả đời cũng không thấy”.
Buổi lễ khánh thành trạm cấp nước sạch về biên giới đã xong từ lâu, nhưng bà con ở hai bên vùng biên giới vẫn chưa ra về, họ còn nán lại nhìn cây nước, như thể một hình ảnh thân thương lắm vậy. Từ cây nước đó, dòng nước trong lành sẽ chảy về từng hộ gia đình, từng giọt tươi mát ấy sẽ thấm sâu vào mạch sống của người dân hiền lành, chân chất nghĩa tình và hữu nghị ở hai bên dòng sông biên giới n
NGUYỄN TƯỜNG LỘC/SGGP