Thứ Hai, 30/9/2024
Pháp luật
Thứ Hai, 29/9/2008 21:14'(GMT+7)

Cần phải bồi thường cho những gì đã bị tàn phá ở Việt Nam

Bé gái này chưa một lần và sẽ không bao giờ nhìn thấy ánh sáng. Em là nạn nhân của chất độc da cam/dioxin.

Bé gái này chưa một lần và sẽ không bao giờ nhìn thấy ánh sáng. Em là nạn nhân của chất độc da cam/dioxin.

 Ngày 26/7 tại trụ sở Hội đồng vùng Bourgogne, thành phố Dijon (Pháp), đã diễn ra Hội thảo với chủ đề "Các cuộc xung đột và môi trường: từ sự hủy hoại môi sinh tới công lý cho môi trường". Hội thảo do Ủy ban Làng Hữu nghị Việt Nam tỉnh Côte d'Or tổ chức, với sự hỗ trợ của Hội đồng vùng Bourgogne, thành phố Dijon, Hội cựu chiến binh Cộng hòa Pháp (ARAC) và trường Đại học Bourgogne.

Tại hội thảo, bác sĩ Jean Meynard, Phó Chủ tịch Hội Những đứa con dioxin Việt Nam, đã giới thiệu một cái nhìn khái quát về hậu quả của việc quân đội Mỹ sử dụng chất khai quang trong thời kỳ chiến tranh tại miền Nam Việt Nam, kèm theo những hình ảnh xúc động về nỗi đau mà các gia đình phải chịu đựng từ di họa của chất độc này. Tham luận của bác sĩ Meynard có nhan đề "Hủy hoại môi sinh ở Việt Nam: chất dioxin và những hậu quả của nó". Tiếp sau đó, tham luận của Luật sư Roland Waeyl trình bày về vụ kiện đòi các công ty hóa chất Mỹ phải bồi thường cho nạn nhân da cam/dioxin tại Việt Nam, dưới góc nhìn về luật pháp quốc tế và luật pháp Mỹ.

Cùng quan điểm với luật sư Waeyl, Phó Chủ tịch vùng Bourgogne Claude Pinon khẳng định cần phải bồi thường cho những gì đã bị tàn phá ở Việt Nam, cả về con người lẫn môi trường.

Không chỉ đề cập tới Việt Nam, hội thảo còn có nhiều tham luận về những hệ lụy khác do chiến tranh gây ra. Đây cũng là cơ hội để các nhà khoa học thảo luận về những vấn đề liên quan tới một thuật ngữ mới, đó là khái niệm về "tội hủy diệt môi sinh" (ecocide), một trong những hậu quả lớn nhất của các cuộc chiến tranh hiện đại. Về nội dung này đã có nhiều tham luận và hàng chục ý kiến phát biểu xung quanh tình trạng hủy diệt môi trường trong các cuộc chiến tranh gần đây như tại Iraq, Kosovo, Bosnhia và ảnh hưởng của việc sử dụng vũ khí quá mức (bom chùm, vũ khí có chất urani nghèo) tới con người, nguồn nước, đất đai, thảm thực vật tại khu vực chiến sự.
Pháp là nước có phong trào ủng hộ nạn nhân chất độc da cam/dioxin rất mạnh, với nhiều hoạt động có ý nghĩa như quyên góp quỹ xây dựng làng hữu nghị Vân Canh, vận động dư luận ủng hộ cuộc đấu tranh đòi công lý của các nạn nhân chiến tranh Việt Nam.

Theo bà Như Mai, một thành viên trong Ban tổ chức, việc phối hợp tổ chức một Hội thảo với quy mô tương đối lớn liên quan đến chất độc da cam/dioxin Việt Nam tại Dijon là cơ hội lớn để vận động dư luận vùng Bourgogne ủng hộ cuộc đấu tranh đòi công lý của các nạn nhân chiến tranh Việt Nam.

Trước đó, Hội cựu chiến binh Cộng hòa Pháp đã tổ chức trưng bày hình ảnh về nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam ngay trong sảnh của trụ sở Hội đồng vùng Bourgogne từ ngày 25/9. Trong dịp hè vừa qua, nhiều thành viên của ARAC đã sang Việt Nam tham quan, mang theo nhiều quà tặng có giá trị để giúp đỡ làng Hữu nghị Vân Canh, nơi nuôi dưỡng, chăm sóc nhiều trẻ em và cựu chiến binh là nạn nhân chiến tranh./.

(TTXVN)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất