Sau khi phóng xạ nhân tạo I-131 quay trở lại, các trạm quan trắc phóng xạ tại Đà Lạt đã phát hiện Cs-134, Cs-137 trong không khí.
Theo báo cáo của Tổ công tác xử lý thông tin sự cố Nhà máy điện hạt nhân Fukushima I (thuộc Bộ Khoa học và Công nghệ), tính từ ngày 10/4 đến khoảng 15 giờ ngày 11/4, trạm quan trắc của Viện Khoa học và Kỹ thuật hạt nhân (Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam) đo đạc tại Hà Nội ghi nhận các đồng vị phóng xạ nhân tạo (1-131, Cs-137 và Cs-134) ở mức rất thấp.
Tại Đà Lạt và Thành phố Hồ Chí Minh, ngoài các đồng vị phóng xạ tự nhiên là: Be-7 (có nguồn gốc từ tia vũ trụ), K-40, Th-232 và U-238 (có nguồn gốc từ bụi đất), còn ghi nhận được đồng vị phóng xạ nhân tạo I-131, Cs-134 và Cs-137 (trước đó, ở Đà Lạt chỉ ghi nhận được phóng xạ I-131).
Song, cũng giống như tại Hà Nội, các đồng vị phóng xạ nhân tạo này không ảnh hưởng đến sức khoẻ con người và môi trường.
Ngoài ra, các giá trị đo tại trạm quan trắc Trung tâm hỗ trợ kỹ thuật an toàn bức xạ và ứng phó sự cố (Cục An toàn bức xạ và hạt nhân) cho thấy chưa có mức tăng phông bức xạ bất thường trong ngày hôm nay so với mười ngày trước đó./.
Theo TTXVN