Thứ Hai, 7/10/2024
Kinh tế
Thứ Hai, 21/2/2011 16:27'(GMT+7)

Cần phát triển mạnh mẽ hơn thị trường nông thôn

Ảnh minh hoạ

Ảnh minh hoạ

Với khoảng 70% dân số sống ở nông thôn, tiềm năng của thị trường nông thôn Việt Nam là vô cùng lớn. Thế nhưng những năm qua, đây là thị trường bị bỏ quên, doanh nghiệp nội địa đã nhường “sân nhà” của những hàng hóa ít tên tuổi do những cơ sở sản xuất nhỏ lẻ đảm nhận, hoặc hàng hóa nước ngoài.

Thị trường nông thôn rất tiềm năng

Cả nước hiện có hơn 400 siêu thị, trung tâm thương mại thì hầu hết tập trung tại các thành phố, thị xã. Ngay cả một số mặt hàng thiết yếu như muối, dầu hỏa… đôi khi cũng là hàng hiếm với bà con một số nơi ở vùng sâu, vùng xa và dù có tới hơn 8.000 chợ các loại nhưng không phải tất cả người dân nông thôn đều dễ tiếp cận với các mặt hàng nhu yếu phẩm với giá hợp lý nhất.

Thực tế tại nông thôn cho thấy cần xóa bỏ quan niệm thị trường nông thôn chỉ dành cho các sản phẩm rẻ tiền, sức mua yếu. Theo một nghiên cứu mới đây của Công ty Nghiên cứu thị trường TNS, có tới 95% gia đình nông thôn được hỏi cho biết sẵn sàng mua tivi, 92% có thể mua bếp điện hoặc gas, 33% có thể mua máy cassette/radio, 30% muốn mua tủ lạnh, máy giặt và 9% muốn mua máy vi tính…

Các con số thống kê riêng lẻ cũng cho thấy, hiện số người có thu nhập trên 1,5 triệu đồng/tháng ở nông thôn ngày càng tăng, do đó nhu cầu mua sắm thực phẩm, nhu yếu phẩm cũng tăng theo.

Hiệp hội Các nhà bán lẻ VN (AVR) vừa đưa ra nhận định, năm 2011 xu hướng bán lẻ hiện đại sẽ nở rộ và thị trường bán lẻ nông thôn sẽ có nhiều khởi sắc.

Theo đó, hệ thống siêu thị lớn sẽ phát triển tới mức cao nhất trong năm 2011-2012. Các siêu thị quy mô nhỏ hơn ngày càng phổ biến; hệ thống siêu thị tổng hợp và chuyên lương thực, thực phẩm sẽ hình thành.

Bên cạnh đó, hình thức kết hợp bán lẻ truyền thống và hiện đại tại cùng một địa điểm có thể hình thành tại VN. AVR cũng nhận định, thị trường nông thôn rộng lớn cũng sẽ tạo nên sức hấp dẫn của thị trường bán lẻ VN. Chương trình người Việt ưu tiên dùng hàng Việt cũng sẽ đẩy thị trường nông thôn lên tầm cao mới về tiêu dùng và sự quan tâm của các doanh nghiệp.

Để doanh nghiệp khai thác hiệu quả

Thủ tướng Chính phủ vừa ký quyết định phê duyệt Đề án "Phát triển thương mại nông thôn giai đoạn 2010 - 2015 và định hướng đến năm 2020". Theo đó, sẽ đầu tư khoảng 9.126 tỷ đồng phát triển thương mại nông thôn với mục tiêu đến năm 2020, tất cả các xã đều có chợ đạt chuẩn theo tiêu chí nông thôn mới; 80% số thị trấn có hình thức tổ chức phân phối quy mô nhỏ và vừa.

Trước mắt, đưa hàng về nông thôn nên ưu tiên các loại hàng hóa phục vụ tiêu dùng hàng ngày như lương thực, thực phẩm, dược phẩm, công cụ lao động… tiến dần đến các sản phẩm có hàm lượng công nghệ và chất xám cao như đồ điện tử, đồ cơ khí (nhất là nông ngư cơ)…
Hệ thống bán lẻ này có thể tổ chức thành chuỗi các cửa hàng (một dạng siêu thị mini) cố định hoặc các điểm bán hàng di động (tổ chức định kỳ, thường xuyên như các chợ phiên), tùy theo tình hình dân cư và tập quán sinh sống của người dân.

Trong chiến lược quay về thị trường nông thôn, các doanh nghiệp cần tập trung vào các sản phẩm thiết yếu có chất lượng, độ bền cao, những sản phẩm phù hợp với thu nhập của người dân.

Trong khâu tiếp thị, doanh nghiệp cần khai thác các kênh quảng cáo có tác động lớn đến người tiêu dùng nông thôn như tivi, radio, báo in. Số người sử dụng điện thoại di động ở nông thôn cũng đã rất nhiều, phương tiện này cũng là một cơ hội lớn cho tiếp thị và quảng cáo đến người dân.

Hầu hết các vùng nông thôn đều có chợ họp trong ngày. Việc giới thiệu sản phẩm tại các chợ này là rất quan trọng, các doanh nghiệp nên kèm theo các chương trình khuyến mãi hấp dẫn để tạo sự chú ý và mua sắm các sản phẩm (sản phẩm phải đảm bảo chất lượng).

Quá trình này cần được sự tạo điều kiện, hỗ trợ tích cực của nhà nước. Bên cạnh chính sách thuế, giá thuê đất… hợp lý, các ngành, các cấp cần có sự quy hoạch và định hướng cụ thể để hệ thống đáp ứng được nhu cầu của người dân địa phương một cách tốt nhất. Hệ thống này cũng cần có sự gắn kết chặt chẽ với việc giải quyết đầu ra cho một số loại nông sản của từng địa phương.

Các doanh nghiệp nên xem việc xây dựng hệ thống bán lẻ cho hàng Việt là một chiến lược kinh doanh mang tính nhân văn, tính xã hội cao, chứ không đơn thuần là lợi nhuận. Do đó, cần duy trì và mở rộng quy mô, không chỉ trong đợt thực hiện cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”.

(Theo Chinhphu.vn)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất