Thứ Hai, 7/10/2024
Kinh tế
Thứ Năm, 17/2/2011 20:16'(GMT+7)

Bước đột phá của hàng Việt - Kỳ I: Người Việt ngày càng tin dùng hàng Việt

Khuynh hướng tiêu dùng hàng Việt gia tăng
Sơ kết 1 năm cuộc vận động (CVĐ) tại TP. Hồ Chí Minh mới đây đã cho thấy, xu thế dùng hàng Việt của người dân tại các hệ thống phân phối, bán lẻ đã tăng từ 30 – 58% so với cùng kỳ năm 2009. Tư tưởng sính hàng ngoại đã ngày càng giảm (chỉ tăng 22% so với trên 50% như các năm trước). Bà Nguyễn Thị Thu Hà, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy TP. Hồ Chí Minh đánh giá: “Sự ưu tiên dùng hàng Việt đã không còn gượng ép, chiếu cố mà chuyển sang sự thừa nhận của người dân về chất lượng sản phẩm Việt”. Cũng theo kết quả khảo sát “Lòng tin tiêu dùng năm 2010” của Công ty Nghiên cứu thị trường TNS Việt Nam, có tới 9/11 lĩnh vực tiêu dùng được khảo sát trong năm qua đã đạt được sự tăng trưởng về lượng hàng hóa tiêu thụ. Trong đó, giáo dục đứng đầu danh sách với mức tăng 59%. Ngành thực phẩm và đồ uống nội địa có sức tăng trưởng khá cao khi có tới 1/3 số người tiêu dùng trong nước sẵn sàng mua các loại thức ăn và nước uống nội mà mình yêu thích. “Một điều rất tích cực, nếu không nói là viễn cảnh lạc quan về hàng Việt trong những năm tiếp theo”, Tiến sĩ Phạm Thị Minh Lý, Khoa Quản trị kinh doanh (Trường ĐH Tôn Đức Thắng) nhận định.


Hàng Việt được tin dùng nhờ chất lượng
Một trong những tiêu chuẩn hàng Việt được nhiều người tiêu dùng lựa chọn thời gian qua, đó là giá cả và chất lượng hàng hóa đã được nâng lên. Trước đây, hàng Việt đã có lợi thế cạnh tranh về giá cả nhưng chất lượng lại không tương xứng khiến thị phần chưa được mở rộng. Tuy nhiên, từ khi Bộ Chính trị phát động CVĐ “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” sâu, rộng trong các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp (DN) và người dân, cộng thêm sự hỗ trợ về cơ chế, chính sách của Nhà nước và nỗ lực của mỗi DN mà hàng Việt có thêm lợi thế thứ 2 là “chất lượng”, điều mong mỏi mà người tiêu dùng kỳ vọng. “DN Việt muốn có chỗ đứng thì phải gia tăng năng lực cạnh tranh với các thương hiệu nước ngoài; luôn coi người tiêu dùng là thước đo chất lượng và giá thành sản phẩm và đặc biệt là tính minh bạch, thành thật, chất lượng ổn định, dịch vụ hậu đãi, tiện ích và luôn được cải tiến mẫu mã”, đại diện Saigon Co.op chia sẻ.

Ngoài chất lượng và giá cả, hàng Việt cũng đến tay người tiêu dùng nhiều hơn trong thời gian qua là nhờ biết tận dụng giải pháp khuyến mãi kích cầu tiêu dùng trong nước. Theo một kết quả điều tra xã hội học mới đây, 70% khách hàng người Việt suy nghĩ nhiều hơn đối với các sản phẩm khuyến mãi và 65% người tiêu dùng thường quyết định mua ngay sản phẩm khuyến mãi. Với xu hướng tâm lý này, có tới 1/3 các DN chọn hình thức khuyến mãi, giảm giá để phục vụ “thượng đế”. Tất nhiên, không thể đảm bảo chắc chắn rằng mọi chương trình khuyến mãi của DN là hướng tới sự minh bạch. Điều này dễ bị lợi dụng bởi hàng giá rẻ không đảm bảo chất lượng. Đây là những cản trở, khó khăn khiến cho uy tín của hàng Việt chất lượng bị ảnh hưởng. Tuy nhiên, khuynh hướng tiêu dùng hàng Việt đạt được sự tăng trưởng tích cực hơn 1 năm qua đã cho thấy bước tiến quan trọng về chất lượng của hàng Việt, tạo được niềm tin vững chắc đối với người tiêu dùng. Ngoài ra, một “cơ hội vàng” cho các DN Việt là được cạnh tranh trên một thị trường đầy tiềm năng, dưới sự hỗ trợ tích cực của Nhà nước.

Thạc sĩ Trương Thị Thùy Dung, Trường ĐH Ngân hàng TP. Hồ Chí Minh đưa ra dẫn chứng cụ thể: Việt Nam hiện có 70% số người trong độ tuổi tạo ra thu nhập có mức chi tiêu nhiều nhất, hàng năm tạo lên doanh số bán lẻ tăng trung bình 20%/năm. Tất cả đều chứng minh một thực tế: Niềm tin của người tiêu dùng quyết định chỗ đứng của hàng Việt.

Theo Thành Luân/ĐĐK
Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất