Thứ Hai, 7/10/2024
Kinh tế
Thứ Bảy, 19/2/2011 15:50'(GMT+7)

Đầu năm trên công trình thủy điện Đạm Bri

 Công trình thủy điện Đạm Bri được công ty thủy điện Miền Nam đầu tư với tổng số vốn 1.798 tỷ đồng. Sau 3 năm khởi công, công trình đang dần hình thành giữa vùng rừng núi thuộc địa bàn 3 xã: Lộc Tân (huyện Bảo Lâm), Phước Lộc (Đạ Huoai) và Đạ Pal (Đạ Tẻh). Ông Nguyễn Vĩnh Châu, trưởng Ban chỉ huy công trình cho biết: “Tính đến nay, khối lượng công trình đã hoàn thành được một nửa. Các hạng mục chính như tuyến đập ngăn nước, nhà máy, đường hầm dẫn nước hiện đang được các anh em gấp rút thi công”.
Đứng từ trên cao, công trình như một lòng chảo khổng lồ, những chiếc xe tải liên tục vào ra kéo theo những đám bụi mù mịt. Hạng mục đập chính với bức tường bê tông dạng hình thang đang dần hình thành, sừng sững như một vách núi. Đây là thành quả của gần 100 anh em công nhân, cán bộ kỹ sư đã làm việc liên tục trong hơn 2 năm qua. Công nhân Nguyễn Tiến Dũng (32 tuổi, quê Nghệ An), cho biết: “Tôi đã đi theo công trình này được 3 năm rồi đấy. Ngày nào cũng làm việc từ 6 – 8 tiếng, chỉ khi nào quá mệt mới tạm nghỉ vài hôm”.
Cách đó một ngọn đồi, hạng mục đập phụ cũng đang trong quá trình đắp đất. Một hình thang đất đang hiện hình với phần đáy rộng 300m và tiếp tục được thu hẹp dần cho tới khi phần đỉnh chỉ còn 10m. Kỹ sư Phạm Tiến Dũng, trưởng Ban chỉ huy công trình đập phụ cho biết: hạng mục này hiện đã hoàn thành được 65%, sau khi đắp đất xong chúng tôi sẽ tiến hành lót mái đá và dựng tường chắn sóng ở phía lòng hồ. Còn phần đỉnh đập chỉ cần làm một tuyến đường bê tông là hoàn thành.
Rời khỏi công trường đập ngăn nước, chúng tôi đến thăm công trường hầm phụ số 3. Trong cái nắng gay gắt, một đám khói thuốc nổ khét lẹt thốc ra từ một miệng hầm rộng hoác. Anh Châu vội bảo: “Đơn vị thi công cho nổ thuốc để khoét núi đấy !”.
Quan sát từ bên ngoài, một đường hầm khá lớn được khoét thẳng vào lòng núi với chiều cao 5m, rộng 4,3m. Khi ăn sâu vào lòng núi 100m, đơn vị thi công sẽ tiếp tục khoét thêm một đường hầm tách sang hai bên. “Từ hầm phụ này, chúng tôi sẽ khoét tiếp đường hầm dẫn nước tỏa ra hai bên bằng hệ thống định vị. Những đường hầm này sẽ xuyên qua các ngọn núi, nối với nhau bằng 3 mối chính và có nhiệm vụ dẫn nước về nhà máy” – anh Châu cho biết thêm.
Hầm dẫn nước là một trong những hạng mục quan trọng nhất nên được các anh em công nhân thi công rất cẩn thận, tránh để xảy ra sự cố. Hiện hơn 2 km đường hầm đã được hoàn thành trong tổng số 8,3 km đường hầm dẫn nước cho 2 tổ máy hoạt động (tổng công suất 75 MW). Kỹ sư trẻ Vũ Đình Luân (24 tuổi, quê Thái Bình) chia sẻ: “Tết vừa rồi có gần 100 anh em ở lại công trường đón tết. Sáng mùng 2 lại lao vào công việc với tinh thần vui vẻ nhằm đảm bảo tiến độ cho công trình”.
Sau khi tham quan khu vực nhà máy (cách khu hầm phụ hơn 10 km), chúng tôi quay lại công trường đập ngăn nước cũng đã xế chiều. Những bóng đèn điện đã được bật lên, hàng trăm anh em công nhân vẫn miệt mài lao động. Tiếng máy ủi, động cơ ì ào như xua tan không khí hoang vắng của khu rừng vốn nổi tiếng có nhiều… lâm tặc hung hãn. Sau khoảng thời gian nghỉ tết hiếm hoi, hàng trăm người lại tiếp tục công việc của mình trên tinh thần hăng say với 3 – 4 ca/ngày với mục tiêu hoàn thành tiến độ đề ra./.
Nguyễn Dũng

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất