Thời tiết đang thuận lợi cho sự phát triển của muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết, nguy cơ số người mắc bệnh tiếp tục gia tăng mạnh nếu không quyết liệt triển khai các biện pháp phòng chống dịch.
Thông tin từ Bộ Y tế cho biết, trong những tuần gần đây số mắc sốt xuất huyết có chiều hướng gia tăng ở một số địa phương và đã có trường hợp tử vong.
Để tăng cường công tác phòng, chống bệnh sốt xuất huyết, ngày 3/7/2020, Bộ Y tế đã có Công văn số 3608/BYT-DP gửi 12 Ủy ban Nhân dân tỉnh, thành phố liên tục ghi nhận số mắc sốt xuất huyết hàng tuần cao là Nghệ An, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên-Huế, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Bến Tre, Thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội.
Thời tiết hiện nay đang thuận lợi cho sự phát triển và gia tăng mật độ muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết, nguy cơ số người mắc bệnh tiếp tục gia tăng mạnh trong thời gian tới nếu các cơ quan chức năng không quyết liệt triển khai các biện pháp phòng, chống dịch.
Để kiểm soát tốt tình hình dịch bệnh, không để dịch lan rộng và kéo dài, Bộ Y tế đề nghị Ủy ban Nhân dân 12 tỉnh, thành phố nói trên tiếp tục quan tâm chỉ đạo các địa phương trên địa bàn tăng cường công tác phòng, chống bệnh sốt xuất huyết.
Trong đó, Ủy ban Nhân dân các tỉnh, thành phố cần giao cho Ủy ban Nhân dân các cấp trực tiếp chỉ đạo mạnh mẽ hơn nữa việc diệt loăng quăng và bọ gậy trên địa bàn ngay trong tháng Bảy năm 2020 và duy trì hoạt động 1 tuần/1 lần tại các khu vực có nguy cơ cao, 2 tuần/1 lần tại các khu vực có chỉ số muỗi, loăng quăng và bọ gậy cao và 1 tháng/1 lần tại các khu vực còn lại.
Ủy ban Nhân dân tỉnh, thành phố cần giao trách nhiệm cụ thể cho các cấp chính quyền có nhiệm vụ chỉ đạo và huy động các ban, ngành, tổ chức chính trị-xã hội phối hợp với ngành y tế triển khai chiến dịch diệt lăng quăng và bọ gậy để đảm bảo tất cả các hộ gia đình tại vùng có dịch, có nguy cơ dịch phải được kiểm tra, các bể nước, dụng cụ chứa nước, các vật dụng, đồ phế thải, nơi sinh sản của muỗi phải được giám sát để tiến hành các hình thức tiêu diệt loăng quăng, bọ gậy.
Ngành y tế cần giám sát chặt chẽ việc xử lý triệt để ổ dịch sốt xuất huyết tại địa phương; phun hóa chất tại tất cả các hộ gia đình thuộc khu vực ổ dịch; đảm bảo phun hóa chất đúng kỹ thuật, đánh giá chỉ số véc tơ trước và sau phun để có chỉ định phun cụ thể; đồng thời xác định khu vực có nguy cơ cao để phun hóa chất diện rộng.
Sở Thông tin và Truyền thông các tỉnh, thành phố, các cơ quan thông tin đại chúng cần phối hợp với ngành y tế triển khai các hoạt động tuyên truyền phòng, chống sốt xuất huyết, đa dạng hóa các hoạt động truyền thông để người dân hiểu và chủ động thực hiện các biện pháp phòng chống sốt xuất huyết như lật úp dụng cụ chứa nước không sử dụng, diệt loăng quăng, bọ gậy; nằm màn chống muỗi đốt; truyền thông về dấu hiệu của bệnh sốt xuất huyết và hướng dẫn người dân khi mắc bệnh thì không tự điều trị tại nhà mà phải đến ngay các cơ sở y tế để được khám, điều trị kịp thời. Cần tập trung tuyên truyền trước và trong khi triển khai các chiến dịch diệt loăng quăng, bọ gậy và chiến dịch phun hóa chất diệt muỗi để người dân biết, phối hợp thực hiện.
Ủy ban Nhân dân các tỉnh, thành phố cần chỉ đạo các cơ sở khám, chữa bệnh tổ chức tốt việc thu dung điều trị bệnh nhân, hạn chế tối đa các trường hợp tử vong do sốt xuất huyết, đặc biệt tại các cơ sở khám, chữa bệnh tư nhân, tránh tình trạng bệnh nhân không được tư vấn, cấp cứu, điều trị và chuyển tuyến kịp thời, đồng thời, các cơ sở y tế cần có kế hoạch phân tuyến điều trị, hỗ trợ tuyến dưới, tránh tình trạng quá tải bệnh viện.
Bên cạnh đó, các địa phương cần tổ chức các đoàn kiểm tra liên ngành để kiểm tra, giám sát việc thực hiện chỉ đạo của Bộ Y tế và Ủy ban Nhân dân các tỉnh, thành phố./.
Theo TTXVN