Chủ Nhật, 22/9/2024
Sức khỏe
Thứ Tư, 28/11/2012 17:52'(GMT+7)

Cần quy định rõ xuất xứ, nguyên liệu đầu vào trên bao bì sản phẩm sữa

Ngày 27- 11, tại Hà Nội lần đầu tiên diễn ra hội thảo quốc tế về sữa đã thu hút đông đảo đại diện các nhà khoa học, nhà quản lý, nhà sản xuất và các chuyên gia dinh dưỡng và sữa quốc tế.

Theo các chuyên gia, chất lượng sản phẩm sữa phụ thuộc vào nhiều yếu tố, trong đó có hai yếu tố chính là quy trình chế biến và chất lượng nguồn nguyên liệu đầu vào (sữa tươi nguyên chất hoặc sữa bột).

Ông Phạm Xuân Đà - Viện trưởng Viện kiểm nghiệm An toàn vệ sinh thực phẩm Quốc gia nói: “Chúng tôi cho rằng, minh bạch nguyên liệu đầu vào là những đòi hỏi rất chính đáng của người tiêu dùng. Đặc biệt đối với các mặt hàng sữa, vì sữa có rất nhiều loại, sữa tươi nguyên chất nó khác, sữa hoàn nguyên nó khác, và ngay cả sữa hoàn nguyên, sữa tiệt trùng cũng có nhiều loại khác nhau. Nguyên liệu sữa và quy trình sản xuất nó quyết định đến chất lượng của sản phẩm cuối cùng, chính vì vậy đòi hỏi các quy định của chúng ta phải đáp ứng được yêu cầu của thực tiễn để đảm bảo sự minh bạch.”

Hiện nay, quy trình chế biến thì các doanh nghiệp sữa Việt Nam cơ bản đã sử dụng công nghệ chế biến hiện đại theo tiêu chuẩn thế giới… (ngoại trừ một vài cơ sở nhỏ sử dụng dây chuyền sản xuất sữa thanh trùng của Trung Quốc). Do vậy yếu tố nguyên liệu đầu vào có vai trò lớn đến chất lượng sữa.

Mặc dù chất lượng và giá thành sản phẩm sữa đang phụ thuộc rất lớn vào yếu tố thứ hai là nguyên liệu đầu vào, song quy định của Việt Nam lại chưa đề cập đến “sữa hoàn nguyên” (sản phẩm sữa được chế biến bằng cách pha trộn từ sữa bột và chất béo sữa các loại, nước, có thể cho thêm phụ liệu) mà chỉ có khái niệm chung về các loại sữa tiệt trùng với nội dung chưa rõ ràng.

Yếu tố đó đã dẫn tới sự cạnh tranh không lành mạnh, ảnh hưởng tới quyền lợi người tiêu dùng và các doanh nghiệp sản xuất sử dụng nguyên liệu là sữa tươi nguyên chất.

Các chuyên gia khuyến nghị, để tránh sự cạnh tranh không lành mạnh, các cơ quan chức năng rà soát lại các tiêu chuẩn, có quy định cụ thể về quy cách đặt tên sản phẩm thế là “sữa tươi”, “sữa hoàn nguyên”. Cần ban hành và định nghĩa rõ ràng các tiêu chí về dòng sữa nước.

Theo Hiệp hội tiêu chuẩn và bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam, quyền được thông tin chính xác đầy đủ về các loại hàng hóa, sản phẩm nói chung là một trong tám quyền cơ bản của người tiêu dùng mà Luật bảo vệ người tiêu dùng đã quy định. Do vậy, người tiêu dùng cần được biết họ đang sử dụng sản phẩm gì, các cơ quan chức năng cần quy định rõ việc ghi xuất xứ nguyên liệu đầu vào trên bao bì sản phẩm.

Sữa là sản phẩm giàu dinh dưỡng và cũng là môi trường thuận lợi cho vi sinh vật phát triển. Nhà sản xuất luôn cam kết không có sản phẩm lỗi trên thị trường. Tuy nhiên trong quá trình vận chuyển, lưu thông, phân phối vẫn có trường hợp bị hỏng do các điều kiện khách quan như yếu tố môi trường, điều kiện vận chuyển, bảo quản…

Bên cạnh đó, trên thị trường có nhiều yếu tố cạnh tranh không lành mạnh, gây bất lợi cho nhà sản xuất, như tin đồn trong sữa có sinh vật lạ. Dù đã được các nhà khoa học, nhà quản lý khẳng định sinh vật lạ không thể tồn tài trong sữa nhưng điều đó vẫn ảnh hưởng đến các nhà sản xuất và chính người tiêu dùng.

PGS. TS Nguyễn Thị Lâm Phó Viện trưởng Viện Dinh dưỡng Quốc gia tư vấn người tiêu dùng không chỉ nghe theo quảng cáo, nên chọn nhà sản xuất sữa có uy tín. Khi chọn mua sữa phải đọc kỹ nhãn hiệu bao bì, từ tên sản phẩm, hướng dẫn sử dụng đến số kiểm định của cơ quan chuyên môn và phù hợp với nhu cầu dinh dưỡng đặc thù, khẩu vị.

Chính vì vậy cần tăng cường các hoạt động kiểm tra, rà soát lại thị trường sữa, phân loại ngay tất cả các sản phẩm đủ tiêu chuẩn lưu hành và cấm bán các sản phẩm không đủ tiêu chuẩn lưu hành. Từ đó mới bảo đảm quyền lợi của người tiêu dùng cũng như ổn định và tạo môi trường phát triển lành mạnh cho ngành sữa Việt Nam.

(Theo Nhân Dân)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất