Thứ Hai, 30/9/2024
Diễn đàn
Thứ Tư, 3/9/2008 23:9'(GMT+7)

Cần sớm tăng lương

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Lương: Nhiều khu vực còn thấp

Theo báo cáo chuyên đề về tiền lương của Tổng Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) Việt Nam, hiện nay vấn đề tiền lương vẫn còn nhiều điều phải bàn. Về mức LTT, tháng 1-2008, LTT chung đã tăng lên 540.000 đồng/tháng, là mức tăng nhanh hơn so với Đề án cải cách chính sách tiền lương. Tuy nhiên do chỉ số giá tăng nhanh hơn, đặc biệt là tình hình lạm phát từ đầu năm đến nay khiến đời sống của cán bộ công chức và người lao động (NLĐ) gặp rất nhiều khó khăn.

Sự phân hóa về thu nhập của NLĐ trong các khu vực và trong các ngành tùy thuộc vào hiệu quả sản xuất kinh doanh, vào lợi thế độc quyền càng làm cho chênh lệch mức sống ngày càng cao.

Thu nhập của NLĐ trong doanh nghiệp nhà nước (DNNN) trung ương và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài thường cao hơn DNNN ở địa phương và doanh nghiệp tư nhân. Thể hiện rất rõ ở thu nhập của NLĐ ở các DNNN ở trung ương, hoặc những ngành nghề có lợi thế như xăng dầu, bảo hiểm, ngân hàng, điện lực, với thu nhập trung bình 3 - 5,5 triệu đồng/tháng. Tuy nhiên, cũng là NLĐ ở khối DNNN nhưng ở địa phương thì thu nhập rất thấp.

Hiện nay, NLĐ của Công ty chè Sông Lô, Công ty chè Tân Trào tại Tuyên Quang có thu nhập bình quân chỉ 550.000 đồng/tháng; thậm chí tại Lạng Sơn, có một số DNNN thuộc nông lâm nghiệp, sản xuất vật liệu xây dựng vẫn thực hiện mức LTT chỉ 290.000 đồng/tháng đối với NLĐ.

Thu nhập của NLĐ ở khu vực tư nhân trong những năm qua tuy cũng khá hơn nhưng nhìn chung, tiền lương của NLĐ trong các doanh nghiệp tư nhân, công ty TNHH thường thấp so với mức chi tiêu tối thiểu để bảo đảm cuộc sống, nhất là đối với NLĐ phải thuê nhà ở.

Thu nhập của NLĐ ngành công thương khoảng 3,1 triệu đồng/tháng; của ngành giao thông khoảng 1,3-2,4 triệu đồng/tháng. Và đặc biệt tại khu vực này, NLĐ thường xuyên phải chịu cảnh thiệt thòi khi các doanh nghiệp không thực hiện đầy đủ nghĩa vụ về tiền lương và chế độ lao động cho NLĐ.

Tại khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, thu nhập có sự chênh lệch rất lớn giữa lao động gián tiếp và lao động trực tiếp. Lao động làm quản lý, lao động gián tiếp thường có mức lương cao hơn so với lao động trực tiếp, nên khi tính thu nhập bình quân sẽ cao lên, điều này không phản ánh đúng thu nhập của công nhân.

Theo ông Đặng Ngọc Tùng, Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam, thực tế, tại khu vực có vốn đầu tư nước ngoài, NLĐ trực tiếp làm việc với cường độ lao động cao nhưng các chế độ bảo hiểm, tiền lương, thưởng, trả lương làm thêm giờ không được tính đầy đủ và kịp thời.

Hiện nay đa số NLĐ trong các ngành dệt may, da giày, chế biến gỗ chỉ được hưởng mức lương cao hơn LTT một ít. Vì vậy, thu nhập của NLĐ phần lớn phụ thuộc vào làm thêm giờ.

Đó là chưa kể trong một thời gian dài, nhiều doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài xây dựng tới 30-40 bậc lương, khoảng cách giữa 2 bậc liền kề chỉ chênh lệch 10.000-15.000 đồng. Tuy hiện nay, theo quy định của Bộ LĐTB-XH, khoảng cách chênh lệch giữa 2 bậc liền kề tối thiểu là 5% nhưng do thu nhập thấp, cộng thêm chậm được nâng lương, rồi hàng loạt vi phạm của doanh nghiệp đã dẫn đến những cuộc đình công ngày càng gia tăng của NLĐ ở khu vực này.

Tại khu vực sự nghiệp hành chính, thu nhập của cán bộ, công chức tuy lương cũng đã tăng lên, nhưng theo Tổng LĐLĐ Việt Nam, mức tăng này không đáng kể.

Sớm có Luật Tiền lương tối thiểu

Thực tiễn trên cho thấy, việc điều chỉnh tiền lương là việc cần phải làm sớm trong bối cảnh hiện nay. Theo Tổng LĐLĐ Việt Nam, định hướng chính sách tiền lương giai đoạn 2008-2012 sẽ có nhiều thay đổi.

Cụ thể, về mức LTT, cán bộ, công chức khu vực hành chính, Đảng, đoàn thể sẽ áp dụng mức LTT chung và được hưởng chế độ phụ cấp công vụ tăng hàng năm. Sẽ thực hiện thống nhất mức LTT giữa các loại hình doanh nghiệp, đồng thời mở rộng quan hệ mức LTT-trung bình-tối đa, trên cơ sở đó thu gọn thang bảng lương, ngạch bậc lương và hoàn thiện các chế độ phụ cấp, khắc phục cơ bản những bất hợp lý hiện nay.

Cũng theo Tổng LĐLĐ Việt Nam, định hướng chính sách tiền lương trong những năm tới cũng sẽ đổi mới cơ chế hoạt động và cơ chế tài chính đối với đơn vị sự nghiệp công lập theo hướng được thu phí dịch vụ tính đủ tiền lương và từng bước tính đủ về chi phí hoạt động.

Đối với các đối tượng chính sách, người nghèo, cận nghèo, đồng bào dân tộc và các dịch vụ sự nghiệp không có thu như phổ cập tiểu học, y tế dự phòng sẽ do ngân sách nhà nước chi trả phí dịch vụ. Các đối tượng còn lại thanh toán theo đúng giá chi phí dịch vụ. Chính phủ quy định khung giá đối với từng loại dịch vụ. Trên cơ sở đó các địa phương quy định mức giá cụ thể phù hợp với điều kiện kinh tế xã hội và thu nhập của dân cư.

Cũng theo định hướng này, Nhà nước cũng sẽ không quy định thang bảng lương bắt buộc đối với DNNN mà để doanh nghiệp tự xây dựng thang bảng lương (có thể có khung lương để doanh nghiệp vận dụng). Về phía doanh nghiệp, tiếp tục hoàn thiện cơ chế quản lý tiền lương gắn với năng suất lao động và hiệu quả sản xuất kinh doanh; xây dựng cơ chế thỏa thuận về tiền lương trong các doanh nghiệp.

Trong bối cảnh lạm phát hiện nay, Tổng LĐLĐ Việt Nam cũng kiến nghị Chính phủ, bên cạnh việc kiềm chế lạm phát, đẩy mạnh tăng trưởng kinh tế để bảo đảm giá trị thực tế của đồng tiền và nâng cao được mức sống của NLĐ, đồng thời Chính phủ cần sớm nghiên cứu trình Quốc hội ban hành Luật Tiền lương tối thiểu.

Luật này cần quy định rõ các nguyên tắc xây dựng thang bảng lương, định mức lao động trong các loại hình doanh nghiệp, đồng thời đổi mới cơ chế quản lý tiền lương nhằm khuyến khích NLĐ làm việc tích cực.

Tổng LĐLĐ Việt Nam cũng đề nghị Chính phủ sớm ban hành cơ chế chính sách ưu đãi đối với doanh nghiệp thực hiện đào tạo và đào tạo lại, nâng cao trình độ học vấn, chuyên môn nghiệp vụ cho NLĐ đáp ứng được yêu cầu công việc ngày càng cao./.

(SGGP) 

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất