Giờ đây, khi nhân loại đang sống trong thập niên đầu tiên của thế kỷ 21, ta dễ có cảm tưởng không có khó khăn gì lắm trong việc tìm lời giải cho những “bài toán” của thế kỷ 20. Nhưng, vào thời điểm “bâng khuâng đứng giữa hai dòng nước”, không ít người đã “chọn nhầm dòng”, hay đành “trùm chăn” mặc cho con nước cuốn trôi...
Đến với cách mạng do lòng yêu nước
Sinh ra và lớn lên trong một dòng họ danh nho xứ Nghệ, ông nội và cha đều đỗ cử nhân nho học, tham gia các phong trào Cần vương và Văn thân chống Pháp, anh ruột là một chiến sĩ Xô-viết Nghệ - Tĩnh, GS Nguyễn Xiển mang trong mình huyết thống yêu nước và khí tiết kẻ sĩ. Những năm theo học đại học tại Paris, Toulouse, ông chịu ảnh hưởng tư tưởng tự do, bình đẳng, bác ái của Cách mạng Pháp. Ông khâm phục lòng yêu nước nhiệt thành của nhà cách mạng Nguyễn Ái Quốc; quen biết, gần gũi những sinh viên cộng sản trẻ tuổi như Trần Văn Giàu, Phan Tư Nghĩa...
Tháng 8-1945, Nhật đầu hàng Đồng Minh, tình hình biến chuyển mau lẹ. Rời Đài Thiên văn Phù Liễn, ông đạp xe một mạch từ Kiến An, qua Hải Phòng, Hải Dương về Hà Nội, đúng vào lúc quần chúng đang bao vây Bắc Bộ phủ. Bọn bảo an binh bên trong đang chờ lệnh nổ súng.
“Tôi liền dựng xe đạp, vượt qua hàng rào sắt - Giáo sư kể lại - vào gặp ông Nguyễn Văn Chữ (người vừa được Nhật đưa lên thay Khâm sai Đại thần Phan Kế Toại đã lui về quê ở làng Mông Phụ, Hà Đông) và nói với ông ta: “Nhật đầu hàng rồi, quần chúng đang bao vây Bắc Bộ phủ, các anh chống thế nào được? Để tránh đổ máu, anh nên ra gặp họ đi!” Sau đó, ông Chữ ra, còn tôi lên xe đạp phóng thẳng về nhà. Vài hôm sau, các ông Trần Đăng Ninh, Vũ Đình Huỳnh, Phan Tư Nghĩa đến vận động tôi ra làm việc cho Chính phủ mới. Tôi đến trước cửa Bắc Bộ phủ, thì gặp cụ Nguyễn Văn Tố. Cụ tươi cười bảo tôi: “Xin chúc mừng ngài! Ngài và tôi là hai trí thức Hà Nội đầu tiên được mời vào Chính phủ. Tôi đã nhận Bộ Cứu tế - Xã hội. Đề nghị ngài cũng nên nhận Bộ Giao thông - Công chính.” Sau đó, tôi vào gặp ông Võ Nguyên Giáp. Ông Giáp cũng đề nghị với tôi đúng như vậy. Nhưng tôi từ chối vì chỉ muốn làm chuyên môn, và đề cử các kỹ sư Trần Đăng Khoa, Đặng Phúc Thông...”.
Thật ra, con một lý do nữa khiến ông từ chối. Ông sợ người đời cho là ông... “xu thời”!
Hôm sau, Chủ tịch Hồ Chí Minh đích thân mời ông đến. Nghe ông trình bày về sự do dự của mình, Chủ tịch ôn tồn nói:
- Quốc gia hưng vong, thất phu hữu trách. Huống chi ngài là người học cao. Ngài không làm thì ai làm!
- Nhưng, thưa cụ Chủ tịch, tôi không quen làm quản lý!
- Thì có ai quen đâu! Vì sự nghiệp chung mà người ta gắng sức cả thôi!
Lòng chân thành của Bác đã cảm hóa ông. Bác đề nghị ông đảm đương trọng trách Chủ tịch Ủy ban Hành chính Bắc Bộ kiêm Giám đốc Nha Khí tượng. Ông không dám phụ lòng tin của Bác.
Là Chủ tịch Ủy ban Hành chính Bắc Bộ, ông phải lo ngay việc chống lụt trên toàn vùng lãnh thổ 13 tỉnh. Do có ảnh hưởng trong các kỹ sư công chính và đám nhà thầu khoán, ông chân thành mời họ ra làm việc cho cách mạng. Lúc đó là làm không lương. Ông đề đạt lên Chủ tịch Hồ Chí Minh kế hoạch sử dụng cả thầu khoán và thợ đấu. Tuy bị một số nhà cách mạng trẻ tuổi coi là “phần tử bóc lột”, nhưng thầu khoán vừa quen việc, lại vừa có tiền ứng trước - điều này quan trọng lắm, khi ngân khố Nhà nước rỗng không! Nghe ông trình bày, Bác Hồ cười hiền hậu: “Thầu khoán giúp dân chống lụt lúc này là yêu nước”.
Tấm lòng bao dung của Bác làm cho ông tin tưởng.
Chính Bác đã thức tỉnh truyền thống yêu nước âm ỉ trong lòng một người trí thức xứ Nghệ, khiến ông mạnh bước theo cách mạng, kháng chiến...
Rời Hà Nội lên đường kháng chiến
“Các ụ chiến đấu dựng lên giữa lòng đường, góc phố - GS Nguyễn Xiển kể lại. Các nhà đục thông tường sang nhau. Dân nội thành nườm nượp tản cư ra khỏi thành phố. Tôi cũng cho gia đình tản cư về Hưng Giao, Thanh Oai, lúc đó thuộc tình Hà Đông. Nhà tôi sinh một cháu gái tại đây trong những ngày đầu kháng chiến. Còn tôi ở lại Thủ đô một mình và luôn thay đổi chỗ ở (...). Đêm 19-12-1946, Pháp cho quân đến vây bắt tôi tại nhà riêng ở phố Lý Thái Tổ bây giờ. Anh bảo vệ nhà tôi bị chúng bắn chết! Bác sĩ Nguyễn Văn Luyện cũng bị Pháp đến nhà vây bắt. Cha con ông kiên quyết chiến đấu và đã hy sinh anh dũng...
Sáng hôm sau, tôi được đi chuyến ô-tô cuối cùng của Chủ tịch Ủy ban Hành chính Bắc Bộ lên Sơn Tây họp Hội nghị Kháng chiến - Hành chính toàn quốc lần đầu tiên. Sau đó, chuyển sang đi xe đạp và đi bộ gần tám năm trời, cho đến ngày giải phóng Thủ đô (10-10-1954)...”.
Trong những năm giữa thập niên 1980, khi đảm đương chức vụ Tổng Biên tập tạp chí Tổ Quốc, tôi gần như thường xuyên đươc làm việc bên cạnh GS Nguyễn Xiển và GS Hoàng Minh Giám, lúc đó giữ vai trò Chủ tịch và Phó Chủ tịch Hội đồng Biên tập của tờ tạp chí. Biết bao điều đáng ghi lại, trong cả một cuốn hồi ký dài. Có lần tôi nghe GS Nguyễn Xiển tâm sự:
“Bác Hồ bảo tôi làm gì, tôi làm nấy, chẳng dám từ nan. Từ hàn đê, đắp đê, dự báo thời tiết, chống lũ lụt, dạy học, nghiên cứu và phổ biến khoa học - kỹ thuật..., cho đến cứu tế - xã hội, Mặt trận, Quốc hội, đối ngoại...”.
Gắn bó với truyền thống văn hoá phương Đông
Cuộc đời và sự nghiêp của GS Nguyễn Xiển đã được sách, báo giới thiệu nhiều. Tôi chỉ muốn nhắc đến một vài sự việc ít ai chú ý.
Ngay sau ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn Độc lập (2-9-1945), GS Nguyễn Xiển đã đề nghị Chính phủ cử một đoàn đại biểu đến bái yết các bậc tiên thánh, tiên hiền ở Văn Miếu, Hà Nội. Bác Hồ hết sức tán thành, liền cử ngay cụ Huỳnh Thúc Kháng dẫn đầu đoàn, trong đoàn có các ông Nguyễn Xiển, Trần Đăng Khoa... Quyết định của Bác khiến GS Nguyễn Xiển hết sức xúc động.
Vào dịp Giỗ Tổ Hùng Vương năm 1946, Ủy ban Hành chính Phú Thọ đề nghị Chủ tịch Hồ Chí Minh cử một đoàn đại biểu Chính phủ lên dự Ngày hội đền Hùng đầu tiên sau khi nước nhà giành được độc lập. Lần này cũng vậy, Bác Hồ cử cụ Huỳnh Thúc Kháng cùng các ông Nguyễn Xiển, Trần Đăng Khoa...
“Hồi ấy, các cơ sở Quốc dân đảng hoạt động mạnh ở Phú Thọ - GS Nguyễn Xiển kể lại. Đoàn đi như thế là hết sức mạo hiểm. Nhưng nhờ có cụ Huỳnh, nên bọn họ không dám manh động. Tiếc là lúc bấy giờ Chính phủ không sẵn máy ảnh, máy quay phim để ghi lại những hoạt động tưởng chừng bình thường nhưng hết sức có ý nghĩa ấy”.
Xuất thế hay xử thế luôn là câu hỏi khó đối với các bậc sĩ phu thuở trước, cũng như những người trí thức lớn thời nay, nhất là ở những khúc ngoặt của lịch sử.
Được Chủ tịch Hồ Chí Minh cảm hóa, GS Nguyễn Xiển đã chọn xử thế.
Và năm tháng đã chỉ ra rằng đó là sự lựa chọn đúng./.
(Nhân dân Điện tử)