Thứ Sáu, 29/11/2024
Môi trường
Thứ Năm, 17/4/2014 15:37'(GMT+7)

Cần sớm xây dựng và ban hành Luật kiểm soát ô nhiễm nước ở Việt Nam

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Ngày 17-4, tại Hà Nội, Liên hiệp các Hội khoa học Kỹ thuật Việt Nam (VUSTA) phối hợp với Trung tâm Nghiên cứu Môi trường và Cộng đồng (CECR) tổ chức Hội thảo quốc tế “Kiểm soát ô nhiễm nguồn nước tại Việt Nam: Thực tiễn và Chính sách”. Hội thảo nhằm thảo luận một cách khoa học các vấn đề, thách thức tồn tại và đề xuất việc nghiên cứu thúc đẩy sự ra đời của Luật Kiểm soát ô nhiễm nước, nhằm từng bước đẩy lùi ô nhiễm nước, khôi phục lại nguồn nước sạch của Việt Nam.

Phát biểu tại Hội thảo, ông Trần Việt Hùng, Phó Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học Kỹ thuật cho biết: Việt Nam là quốc gia có nguồn tài nguyên nước dồi dào, với khoảng 2.360 sông, suối dài trên 10 km và hàng nghìn ao, hồ. Những nguồn nước này là nơi cư trú và nguồn sống của các loài động, thực vật và hàng triệu người. Những nguồn nước này đang bị suy thoái và phá hủy nghiêm trọng do khai thác quá mức và bị ô nhiễm nặng với các mức độ khác nhau, từ nước mặt đến nước ngầm, thậm chí còn nhiều con sông, đoạn sông, ao, hồ đang “chết”.

Mức độ ô nhiễm nước ngày càng gia tăng do không kiểm soát được nguồn gây ô nhiễm hiệu quả. Tình trạng này đang gây ra những ảnh hưởng rõ ràng đến sức khỏe của người dân, làm tăng nguy cơ ung thư, sảy thai và dị tật bẩm sinh, dẫn đến suy giảm nòi giống. Tại một số địa phương ở Việt Nam , khi quan sát các trường hợp ung thư, viêm nhiễm ở phụ nữ, đã thấy 40%-50% là do sử dụng nguồn nước ô nhiễm. Trung bình mỗi năm ở Việt Nam có khoảng 9.000 người tử vong vì nguồn nước và điều kiện vệ sinh kém. Hàng năm gần 200.000 trường hợp mắc bệnh ung thư mới phát hiện, một trong những nguyên nhân chính là sử dụng nguồn nước ô nhiễm

Theo bà Nguyễn Ngọc Lý, Giám đốc CECR cho biết, tình trạng ô nhiễm nước nghiêm trọng xảy ra chủ yếu ở hàng ngàn những khúc sông, suối nhỏ, các thủy vực gắn liền với khu cụm công nghiệp, các làng nghề và các khu đô thị. Các nguồn ô nhiễm khác do các hoạt động nông nghiệp, các khu dân cư. Do tính chất đa dạng của các chất gây ô nhiễm và độ bao phủ xuyên biên giới của nước, việc kiểm soát ô nhiễm nước phức tạp và đòi hỏi có một luật riêng với chế tài mạnh và rõ ràng, kết hợp được giữa công nghệ và quản lý, có tính thực thi cao, hệ thống giám sát chuyên nghiệp, nguồn vốn đủ.

Có nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan dẫn đến tình trạng ô nhiễm môi trường nước, trong đó đáng chú ý là sự bất cập trong hoạt động quản lý, bảo vệ môi trường nước. Nhận thức không chỉ của nhân dân mà ngay cả của nhiều cấp chính quyền về nhiệm vụ bảo vệ môi trường nước còn chưa sâu sắc và chưa đầy đủ. Về cơ sở pháp lý, Luật Bảo vệ môi trường được ban hành và có hiệu lực từ năm 1993, sau đó được Quốc hội tiếp tục sửa đổi, bổ sung năm 2005 cho phù hợp với tình hình phát triển của đất nước. Nhưng các quy định về quản lý và bảo vệ môi trường nước còn thiếu, chế tài đối với các hành vi vi phạm, làm ô nhiễm môi trường nước còn chưa đủ sức răn đe. Chưa có một văn bản cụ thể, chuyên biệt quy định về kiểm soát ô nhiễm nước. Các nội dung liên quan đến kiểm soát ô nhiễm nước nằm rải rác ở trong một số văn bản. Công tác thi hành pháp luật về kiểm soát ô nhiễm nước ở địa phương chưa được triển khai, ví dụ như xử phạt hành chính đối với bảo vệ môi trường nước.

Ở Nhật Bản, Luật kiểm soát ô nhiễm nước 1970 đã điều chỉnh 3 vấn đề chính: tiêu chuẩn chất lượng môi trường nước, tiêu chuẩn và quy định phát thải, kiểm soát tổng lượng chất ô nhiễm. Tại Mỹ, Luật kiểm soát ô nhiễm nước liên bang 1972 với mục tiêu phục hồi lại và duy trì sự toàn vẹn về hóa chất, vật lý, sinh học của các nguồn nước quốc gia. Tại Ấn Độ, Luật ngăn ngừa và kiểm soát ô nhiễm nước 1974 cung cấp công tác phòng, chống và kiểm soát ô nhiễm nước, duy trì và khôi phục môi trường nước trong lành.

Vì vậy, theo PGS.TS Phạm Văn Lợi, Viện trưởng Viện Khoa học quản lý môi trường – Tổng cục Môi trường, cần pháp điển hóa, hệ thống hóa các quy định rải rác về kiểm soát ô nhiễm nước thành một văn bản nhất quán thống nhất. Tình trạng ô nhiễm nguồn nước hiện nay đang vượt khả năng kiểm soát do các hoạt động sản xuất, khai thác, kinh doanh, dịch vụ đòi hỏi Việt Nam phải khẩn trương xây dựng một khung pháp lý đủ mạnh và hiệu quả về ngăn ngừa ô nhiễm nước.

Trong khi chờ đợi một Luật Kiểm soát ô nhiễm nước ra đời, các ưu tiên xử lý và khôi phục triệt để nên tập trung vào các sông suối nhỏ đang bị ô nhiễm.

Thu Hằng

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất