Thứ Sáu, 21/3/2014 9:43'(GMT+7)
Nâng cao nhận thức về quản lý bền vững tài nguyên nước
Hưởng ứng Ngày Nước thế giới năm 2014, Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội cùng các địa phương triển khai nhiều hoạt động thiết thực, cụ thể nhằm nâng cao nhận thức của người dân về tầm quan trọng của nguồn tài nguyên nước, quản lý bền vững tài nguyên nước, đặc biệt là các nguồn nước ngọt.
Nhiều hội thảo khoa học, tọa đàm, triển lãm với chủ đề "Nước và năng lượng" đã được tổ chức để các nhà quản lý, doanh nghiệp, nhà khoa học, học sinh, sinh viên, cộng đồng chia sẻ các sáng kiến, các mô hình, các giải pháp áp dụng phương pháp tiếp cận tổng hợp và gắn kết các bên hữu quan cùng giải quyết các vấn đề liên quan đến nước và năng lượng.
Các địa phương tổ chức diễu hành, vận động cộng đồng tham gia bảo vệ tài nguyên nước, phát động phong trào không lấn chiếm sông, hồ, trồng rừng bảo vệ nguồn nước; tuyên tuyền, phổ biến những quy định mới của pháp luật trong công tác quản lý tài nguyên nước...
Đại diện lãnh đạo Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội cho biết tình trạng khoan khai thác nước ngầm phục vụ sinh hoạt, sản xuất từ lâu đã diễn ra khá phổ biến ở nhiều huyện ngoại thành, điển hình như Mỹ Đức, Quốc Oai, Chương Mỹ... Tuy nhiên, do người dân thuê các đội khoan tư nhân không có giấy phép hành nghề nên đã xảy ra những hiện tượng sụt lún nghiêm trọng.
Điển hình như sự cố vào ngày 17/2 mới đây khi ông Đỗ Văn Giang ở đội 3, thôn Lê Xá, xã Lê Thanh, huyện Mỹ Đức thuê đội khoan tư nhân không có giấy phép về khoan giếng cho gia đình. Sau khi hoàn thành giếng khoan sâu 40m, chuẩn bị lắp máy bơm vào thì ông Giang phát hiện các vết lún nứt tại sân nhà và tường. Sau đó, các vết lún nứt tiếp tục lan rộng sang mặt sân và tường của 12 hộ xung quanh, hàng loạt công trình của các hộ liền kề và đường bêtông liên thôn cũng bị ảnh hưởng.
Đây là trường hợp thứ 3 xảy ra trên địa bàn huyện Mỹ Đức trong thời gian gần đây, do đó, Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội đã đề nghị công an lập hồ sơ vi phạm đối với hộ dân khoan giếng và chủ đội khoan giếng trái phép này để xử lý.
Để ngăn chặn tình trạng khoan khai thác nước ngầm gây sụt lún đất nghiêm trọng tại các huyện ngoại thành, nhất là các vùng có nền địa chất phức tạp, Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội đã nhiều lần có văn bản yêu cầu các địa phương chấn chỉnh, xử lý nghiêm các hộ dân khoan giếng và chủ đội khoan khai thác nước ngầm trái phép.
Theo quy định của thành phố, các hộ có nhu cầu khai thác nước dưới đất để phục vụ sinh hoạt phải đăng ký tại Ủy ban Nhân dân các phường, xã, thị trấn và phải thuê đơn vị thi công có giấy phép hành nghề khoan nước dưới đất. Trường hợp nào để xảy ra sự cố sụt lún thì hộ thuê khoan và đơn vị khoan giếng phải bồi thường thiệt hại do việc khoan khai thác nước ngầm gây ra.
Đánh giá về nguồn nước ngầm tại Hà Nội, các chuyên gia môi trường cho biết thời gian qua, mức độ ô nhiễm, khan hiếm nguồn nước cùng với tác động do sự gia tăng dân số, biến đổi khí hậu đã và đang ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng môi trường sống và an ninh xã hội trên địa bàn thành phố. Kết quả nhiều nghiên cứu cho thấy nguồn nước ngầm tự nhiên tại thành phố đang bị nhiễm asen ở cả hai tầng Holocene và Pleistocene (nông và sâu), nghiêm trọng nhất là khu vực phía Nam.
Kết quả kiểm tra lấy mẫu định kỳ về ô nhiễm asen tại 34 điểm với các hộ dân sống gần 13 nhà máy nước chính và 4 trạm cấp nước đang hoạt động trên địa bàn thành phố, có 46% địa điểm lấy mẫu có hàm lượng asen liên tục vượt quá tiêu chuẩn cho phép của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và tiêu chuẩn Việt Nam, với nồng độ asen trung bình ở các điểm là 22ug/l.
Hầu hết các điểm phát hiện giàu asen đều nằm gần các nhà máy nước Nam Dư, Yên Phụ, Lương Yên, Gia Lâm, Pháp Vân và Linh Đàm. Sự biến động lớn của nồng độ asen theo thời gian cũng được các chuyên gia ghi nhận. Tại các thời điểm giàu asen, nồng độ cao nhất xảy ra vào các quý 2 và 4, thấp nhất vào quý 1 và quý 3 trong một năm.
Cùng với ô nhiễm nguồn nước ngầm, hầu hết các sông hồ ở Hà Nội cũng bị ô nhiễm. Đáng lo ngại, đến nay, phần lớn lượng nước thải sinh hoạt và công nghiệp đều chưa được xử lý mà đổ thẳng vào các ao hồ, sau đó chảy ra các con sông lớn. Nhiều nhà máy và cơ sở sản xuất như các lò mổ và ngay cả bệnh viện cũng đang làm ô nhiễm nguồn nước (bao gồm cả nước mặt và nước ngầm./.
Theo Vietnam+