Đại biểu Phạm Khánh Phong Lan (Đoàn ĐBQH TP Hồ Chí Minh): Giải quyết triệt để tình trạng "gửi vào thuận tiện, lấy ra dễ gì"
Bảo hiểm xã hội làm sao phải cân bằng, đảm bảo an sinh xã hội. Chúng ta đang tập trung thêm nhiều đối tượng được hưởng bảo hiểm xã hội, nhưng chỉ thêm phần "chi", phần "thu" đang bị mắc kẹt. Cụ thể, đối với Bảo hiểm xã hội bắt buộc, nếu doanh nghiệp không đóng cho người lao động, người lao động mất hết thì phải làm như thế nào?
Hiện nay, riêng Bảo hiểm xã hội bắt buộc có tổng mức đóng là 22%. Ví dụ, một công nhân làm cho công ty, người công nhân tự trả là 8%, còn 14% là doanh nghiệp trả. Đa số các doanh nghiệp có xu hướng chiếm dụng luôn khoản này. Người lao động cho rằng mình đã đóng BHXH với mức 8%, nhưng thực chất thì không có bảo hiểm vì doanh nghiệp không đóng cho họ phần 14% kia.
Cũng có trường hợp doanh nghiệp có đóng, người lao động gặp khó khăn lại có suy nghĩ là được hưởng 14%, muốn rút luôn một lần. Đây chính là vấn đề. Chúng ta bỏ qua câu chuyện người lao động đóng. Ngay từ đầu, nên có cơ chế mở là người lao động tự đóng, thay vì việc trích quỹ đưa vào nợ. Chẳng hạn, doanh nghiệp chuyển 14% bảo hiểm xã hội vào lương luôn cho người lao động. Người lao động tự đi đóng bảo hiểm. Trường hợp xấu nhất, người lao động không đóng cũng không có tình trạng không ai chiếm dụng của ai. Ít nhất người lao động còn được hưởng.
Hoặc với công chức, bảo hiểm hàng tháng được trừ vào lương. Nhưng cũng cần có hình thức khác cho những người thích tự đóng. Tôi cho rằng đây là một sáng kiến, nhưng nhiều người lại cho rằng "thả gà ra đuổi". Cũng cần nhìn nhận, xác suất người lao động không đóng là vì quyền lợi thiết thân của họ. Nếu thấy việc đóng bảo hiểm có lợi, họ chắc chắn sẽ làm.
Việc mua bảo hiểm tư nhân, bảo hiểm tự nguyện là khi họ có bệnh nặng, mong rút lại nhiều hơn. Nếu không đóng, đây cũng chính là tiền của họ. Sẽ không có tình trạng khiếu kiện như thực tế người sử dụng lao động giữ khoản 14% từ năm này sang năm khác, có tình trạng chậm đóng, số tiền không đóng rất lớn. Cuối cùng, người lao động thiệt thòi.
Đại biểu Hồ Thị Minh (ĐBQH tỉnh Quảng Trị): Đảm bảo công bằng việc hưởng bảo hiểm giữa nam và nữ
Trong điều chỉnh Luật Bảo hiểm xã hội có quy định mức thời gian đóng bảo hiểm xã hội giữa nam và nữ, với mức chêch lệch thời gian đóng bảo hiểm giữa hai đối tượng này khá xa. Điều này rất thiệt thòi cho đối tượng nam. Cần điều chỉnh làm thế nào thời gian đóng bảo hiểm phải ngang bằng nhau mới phù hợp.
Thực tế, tuổi nghỉ hưu nam và nữ lệch nhau 2 năm. Nhưng trong bảo hiểm là sự chênh lệch khá lớn Điều này gây xáo trộn giữa lao động nam là tại sao thời gian họ đóng bảo hiểm cũng như vậy, nhưng được hưởng lại thấp hơn nữ. Điều này dẫn đến nguy cơ người lao động rút một lần khi đang còn độ tuổi lao động thì sẽ ra ngoài để cống hiến. Theo tôi nên đẩy mức bảo hiểm theo nhu cầu người đóng, đáp ứng phần nào đỡ vỡ quỹ bảo hiểm. Đây là phương án Luật bảo hiểm sửa đổi cần tính tới.
Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga (Đoàn ĐBQH Hải Dương): Phải tính toán các phương án đóng bảo hiểm xã hội
Tôi thống nhất với phương án điều chỉnh số năm đóng bảo hiểm xã hội giảm từ 20 xuống còn 15 năm. Có nhiều ý kiến rất e ngại cho rằng nếu chúng ta giảm như thế, sẽ mang đến nhiều hệ lụy. Tôi cũng nhất trí sẽ có những vấn đề mà chúng ta cần phải tính toán.
Theo đó, thời gian đóng bảo hiểm xã hội 15 năm là rất ngắn so với vòng đời của một con người và so với quãng thời gian lao động của họ. Vì vậy, chúng ta phải tính đến phương án là có những chế tài như thế nào để cho người lao động tránh việc đóng để hưởng bảo hiểm xã hội một lần xong rồi lại đóng tiếp, và phải được vài lần như thế để họ trục lợi chính sách. Điều này chúng ta cũng cần phải tính đến.
Việc đóng trong khoảng thời gian 15 năm, đối với những người lao động có thu nhập thấp thì mức đóng bảo hiểm của họ cũng sẽ thấp, thì phần lương hưu mà họ được hưởng cũng sẽ giảm rất thấp, nên khó đảm bảo cuộc sống. Tuy nhiên, quan điểm của tôi là trong điều kiện tình hình kinh tế xã hội nước ta hiện nay, chúng ta đang hướng đến mở rộng diện bao phủ bảo hiểm xã hội, thì với người lao đồng, lương hưu dù thấp, nhưng vẫn còn hơn là không có.
Bên cạnh lương hưu, họ còn được hưởng một loạt các quyền lợi khác do bảo hiểm xã hội mang đến. Chính vì vậy, tôi vẫn tán thành với phương án giảm thời gian đóng bảo hiểm xã hội xuống còn 15 năm. Tuy nhiên, đi kèm với đó, tôi cũng đề nghị rà soát rất kỹ để có những chế định, điều kiện cụ thể để tránh việc trục lợi chính sách.