(TG)- Chiều 9/11, tiếp tục chương trình làm việc kỳ họp thứ 10, các đại biểu
Quốc hội làm việc tại tổ, thảo luận về tổng kết việc tiếp tục thực hiện
thí điểm chế định Thừa phát lại theo Nghị quyết số 36/2012/QH13 ngày
23/11/2012 của Quốc hội và dự thảo Nghị quyết về thực hiện chế định Thừa
phát lại; dự thảo Luật Đấu giá tài sản.
Hoạt động thừa phát lại đã xác định được vị trí trong đời sống xã hội
Thảo luận về tổng kết việc tiếp tục thực hiện thí điểm chế định Thừa
phát lại theo Nghị quyết số 36/2012/QH13 ngày 23/11/2012 của Quốc hội và
dự thảo Nghị quyết về thực hiện chế định Thừa phát lại, nhiều ý kiến
tán thành với đánh giá của Chính phủ về kết quả thực hiện thí điểm.
Hoạt động thừa phát lại đã xác định được vị trí của mình trong đời sống
xã hội, tạo lập một loại hình dịch vụ pháp lý mới để người dân lựa chọn.
Sự phát triển nhanh chóng cả về số lượng và chất lượng hoạt động của
các văn phòng thừa phát lại khẳng định chủ trương và nội dung thí điểm
đã thành công bước đầu, nhất là trong điều kiện các loại hình dịch vụ
thừa phát lại cung cấp có tính chất khá mới so với hệ thống pháp luật
hiện hành.
Kết quả công việc do thừa phát lại thực hiện cụ thể: về tống đạt văn
bản, tại các địa bàn trọng điểm có số lượng án lớn, việc cung cấp dịch
vụ này đã hỗ trợ hiệu quả cho hoạt động của Tòa án, cơ quan thi hành án
dân sự, tạo điều kiện cho cơ quan này tập trung nhân lực cho nhiệm vụ
chính.
Về lập vi bằng, đã đáp ứng yêu cầu ngày càng nhiều của người dân trong
đời sống dân sự, giúp người dân bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của mình.
Điều này cũng phù hợp với chủ trương sửa đổi Bộ luật tố tụng dân sự
theo hướng mở rộng quyền thu thập chứng cứ của đương sự và mở rộng nguồn
chứng cứ.
Về xác minh điều kiện thi hành án và trực tiếp tổ chức thi hành án, mặc
dù chiếm tỷ trọng nhỏ nhưng cũng đã thể hiện những ưu điểm nhất định như
tiện lợi cho người dân lựa chọn cơ quan thi hành án của Nhà nước hoặc
thừa phát lại; hạn chế bớt căng thẳng giữa các bên đương sự trong quá
trình thi hành án, giúp tinh giản biên chế, kinh phí từ ngân sách nhà
nước theo các chủ trương của Đảng và Nhà nước.
Phân tích về những mặt còn hạn chế, một số ý kiến cho rằng qua hai giai
đoạn thực hiện thí điểm, công tác tham mưu cho Chính phủ của Bộ Tư pháp
cũng như phối hợp với các bộ, ngành liên quan trong việc triển khai Nghị
quyết của Quốc hội chậm, thiếu đồng bộ; một số quy định được ban hành
không phù hợp với nguyên tắc tổ chức và hoạt động của thừa phát lại. Đây
là nguyên nhân làm hạn chế hiệu quả và khó tạo ra sự đồng thuận của các
cơ quan đối với hoạt động thừa phát lại.
Đại biểu Đinh Xuân Thảo (Hà Nội) tán thành với đa số ý kiến của Ủy ban
Tư pháp. Theo đó, đề nghị Quốc hội ban hành nghị quyết cho chấm dứt thí
điểm, công nhận kết quả thí điểm và tính pháp lý của các tổ chức thừa
phát lại đã thành lập, xác định rõ các tổ chức thừa phát lại tiếp tục
hoạt động theo quy định hiện hành của Chính phủ từ ngày 1/1/2016 cho đến
khi Quốc hội ban hành Luật thừa phát lại.
Đại biểu Lê Thị Nga (Thái Nguyên) cho rằng phải xác định rõ ràng trong
xã hội hóa các công việc có liên quan tới thi hành án hình sự, thi hành
án dân sự, những việc gì có thể xã hội hóa được, việc gì không thể xã
hội hóa được thì vẫn phải để cho cơ quan nhà nước đảm nhiệm.
Đại biểu đề nghị việc xác minh điều kiện thi hành án dân sự nên để cho
thừa phát lại làm; đồng thời phải rút bớt phần đầu tư cho hoạt động này
nằm ở cơ quan thi hành án dân sự. Nêu rõ tống đạt văn bản là hoạt động
liên quan tới cơ quan tư pháp, đại biểu Nga đề nghị cân nhắc chưa nên
giao cho thừa phát lại thực hiện nhưng lập vi bằng thì có thể giao cho
giao cho thừa phát lại thực hiện trên cơ sở đối chiếu với Luật công
chứng.
Đại biểu cũng nêu quan điểm không để thừa phát lại làm cưỡng chế thi
hành án vì đây là công việc rất phức tạp. Bàn về hình thức, nội dung của
nghị quyết, đại biểu Lê Thị Nga đề nghị thu gọn lại phạm vi, chỉ quy
định một số điểm liên quan; giao cho Chính phủ tiếp tục thực hiện theo
nghị định đồng thời phải có chỉnh sửa nghị định về những nội dung không
nên giao cho thừa phát lại, sau đó nếu được thì bàn kỹ để ban hành thành
Luật thừa phát lại.
Cần thiết ban hành Luật Đấu giá tài sản
Thảo luận về dự thảo Luật Đấu giá tài sản, nhiều ý kiến cơ bản nhất trí
với Tờ trình của Chính phủ về sự cần thiết ban hành Luật Đấu giá tài
sản.
Theo đại biểu Phùng Văn Hùng (Cao Bằng), việc luật ra đời sẽ góp phần
hoàn thiện, thống nhất khung pháp lý điều chỉnh hoạt động đấu giá tài
sản; khắc phục những bất cập đang tồn tại hiện nay và bảo đảm tính pháp
lý đồng bộ với các luật có liên quan.
Việc ban hành Luật Đấu giá tài sản thể chế hóa các chủ trương, đường lối
của Đảng, cụ thể hóa các quy định của Hiến pháp năm 2013, đáp ứng yêu
cầu về xã hội hóa và tính chuyên nghiệp trong hoạt động đấu giá tài sản,
góp phần hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ
nghĩa, phát triển kinh tế-xã hội và hội nhập quốc tế.
Nhiều ý kiến cho rằng dự án Luật quy định theo hướng tăng cường chất
lượng đội ngũ đấu giá viên là phù hợp. Để được cấp chứng chỉ hành nghề
đấu giá, đấu giá viên phải đáp ứng các điều kiện về tiêu chuẩn đào tạo,
tập sự hành nghề và phải được Bộ Tư pháp xét cấp chứng chỉ hành nghề đấu
giá. Có ý kiến đề nghị quy định cụ thể và đầy đủ các hình thức đấu giá,
phương thức đấu giá tại dự án Luật Đấu giá tài sản.
Dự án Luật quy định đấu giá bằng hình thức, phương thức khác theo quy
định của pháp luật là chung chung, khó thực hiện. Một số ý kiến đề nghị
bổ sung hình thức đấu giá điện tử bảo đảm công khai, minh bạch tránh
được tình trạng móc nối thao túng, thông đồng, dìm giá là hiện tượng
đang xảy ra tại nhiều cuộc đấu giá hiện nay.
Một số ý kiến đề nghị rà soát để giới hạn đối tượng được miễn đào tạo
nghề đấu giá cho phù hợp, bảo đảm chất lượng đội ngũ đấu giá viên. Theo
đó, đối tượng được miễn đào tạo nghề đấu giá tại dự án Luật cần quy định
theo hướng chỉ miễn đào tạo đối với những người đã đủ tiêu chuẩn, trình
độ chuyên ngành nhất định hoặc đã có quá trình công tác trong những
nghề, chức danh tư pháp có kỹ năng tương đồng với kỹ năng hành nghề đấu
giá.
Thảo luận về thù lao dịch vụ đấu giá, chi phí đấu giá tài sản quy định
tại Điều 62, đại biểu Hoàng Đức Thắm (Quảng Trị) cho rằng như dự thảo:
"Thù lao dịch vụ đấu giá, chi phí đấu giá tài sản do người có tài sản
đấu giá và doanh nghiệp đấu giá tài sản thỏa thuận trong hợp đồng dịch
vụ đấu giá tài sản" sẽ được hiểu theo nghĩa rất rộng bởi “do người có
tài sản đấu giá và doanh nghiệp đấu giá tài sản thỏa thuận.” Theo đại
biểu vấn đề này cần được quy định cụ thể trong dự thảo luật.
Theo chương trình, ngày 10/11, các đại biểu Quốc hội làm việc tại
hội trường, thông qua Nghị quyết về kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội
năm 2016 và thảo luận về việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản
lý, sử dụng đất đai tại các nông trường, lâm trường quốc doanh, giai
đoạn 2004-2014. Nội dung quan trọng này sẽ được phát thanh, truyền hình
trực tiếp để cử tri cả nước theo dõi./.
TG