Thứ Bảy, 28/12/2024
Nhịp cầu Công Thương
Thứ Hai, 23/12/2024 10:31'(GMT+7)

Nâng cao chất lương, hiệu quả công tác phòng vệ thương mại góp phần bảo đảm an ninh kinh tế và an sinh xã hội

Các biện pháp phòng vệ thương mại tiếp tục được tăng cường, đẩy mạnh tạo lập môi trường cạnh tranh bình đẳng, bảo vệ hợp pháp các ngành sản xuất trong nước.

Các biện pháp phòng vệ thương mại tiếp tục được tăng cường, đẩy mạnh tạo lập môi trường cạnh tranh bình đẳng, bảo vệ hợp pháp các ngành sản xuất trong nước.

Hội nhập quốc tế về kinh tế đã và đang là xu hướng tất yếu, phổ biến và phát triển ngày càng sâu rộng, thể hiện ở việc Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) ngày càng mở rộng số lượng các thành viên và nhiều Hiệp định thương mại tự do (FTA) song phương và đa phương được ký kết. Trong bối cảnh đó, hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam có thêm nhiều cơ hội mở rộng thị trường, đồng thời nhập khẩu có sự đa dạng hóa, tránh phụ thuộc vào các nguồn cung cấp truyền thống. Nhờ việc cắt giảm thuế quan và dỡ bỏ các rào cản thương mại, Việt Nam có thể tham gia sâu hơn vào chuỗi sản xuất và cung ứng toàn cầu. Cơ cấu sản xuất chuyển dịch theo hướng tích cực, phù hợp với chủ trương công nghiệp hóa theo hướng hiện đại, tập trung nhiều hơn vào các sản phẩm chế biến, chế tạo có hàm lượng công nghệ và giá trị gia tăng cao hơn. Các quy định pháp luật đối với hoạt động sản xuất, kinh doanh được điều chỉnh phù hợp với các cam kết quốc tế theo hướng thông thoáng hơn, minh bạch hơn và thuận lợi hơn. Từ đó, tạo điều kiện cải thiện môi trường đầu tư, giúp thu hút được nhiều hơn nguồn vốn đầu tư trong nước và đầu tư nước ngoài.

Trong thời gian qua, trước bối cảnh nhiều hàng hóa nhập khẩu có dấu hiệu bán phá giá hoặc được trợ cấp gây thiệt hại nghiêm trọng cho một số ngành sản xuất trong nước, công tác khởi kiện, điều tra, áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại tiếp tục được tăng cường, đẩy mạnh tạo lập môi trường cạnh tranh bình đẳng cho các ngành sản xuất trong nước.

 

Phòng vệ thương mại là các công cụ được Tổ chức Thương mại Quốc tế (WTO) cho phép các thành viên sử dụng để bảo vệ ngành sản xuất trong nước trước tình trạng nhập khẩu gia tăng gây thiệt hại cho sản xuất trong nước. Theo quy định của pháp luật, hiện nay Việt Nam có các biện pháp phòng vệ thương mại: Chống bán phá giá, chống trợ cấp, tự vệ, chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại. Các công cụ phòng vệ thương mại của Việt Nam được sử dụng hợp lý, theo đúng quy định của pháp luật và phù hợp với các cam kết quốc tế.

 

 

Về cơ bản, với việc đẩy mạnh triển khai đồng bộ, toàn diện, công tác phòng vệ thương mại đã mang lại nhiều kết quả tích cực.

Thứ nhất, việc điều tra, áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại tiếp tục được đẩy mạnh đã góp phần bảo vệ, tạo lập lại môi trường cạnh tranh công bằng cho các ngành sản xuất trong nước trong bối cảnh một số hàng hóa nhập khẩu có dấu hiệu bị bán phá giá hoặc được trợ cấp, gây thiệt hại nghiêm trọng cho các ngành sản xuất trong nước.

Tính đến nay, Bộ Công Thương đã khởi xướng điều tra tổng cộng 55 vụ việc phòng vệ thương mại. Các mặt hàng điều tra đa dạng gồm: Các sản phẩm kim loại cơ bản, hóa chất và nhựa, vật liệu xây dựng, hàng tiêu dùng cơ bản, trong đó có nhiều sản phẩm có mối quan hệ mật thiết và đặc biệt quan trọng tới đời sống của người nông dân (sản phẩm đường, bột ngọt liên quan tới cây mía, sorbitol liên quan tới cây sắn).

Riêng trong năm 2024, Bộ Công Thương đã tiến hành điều tra 30 vụ việc phòng vệ thương mại, bao gồm 21 vụ việc điều tra áp dụng biện pháp chống bán phá giá, 1 vụ việc chống trợ cấp, 6 vụ việc tự vệ và 2 vụ việc chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại. Trong đó, đang có 17 biện pháp phòng vệ thương mại có hiệu lực.

Theo đánh giá của Bộ Công Thương, các biện pháp nêu trên đã góp phần bảo đảm môi trường thương mại công bằng nhằm ngăn chặn tác động tiêu cực của hàng nhập khẩu đến sản xuất trong nước và việc làm của hàng triệu lao động, góp phần bảo đảm an ninh kinh tế và an sinh xã hội. Các biện pháp phòng vệ thương mại với hàng nhập khẩu đã bảo vệ các ngành sản xuất trong nước và công ăn việc làm của hàng trăm nghìn lao động. Nhờ việc áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại hợp lý, phù hợp với cam kết quốc tế, các ngành sản xuất trong nước được bảo vệ trước những hành vi cạnh tranh không công bằng, từ đó, tạo điều kiện để các ngành sản xuất trong nước phát triển, tạo thêm việc làm và giá trị gia tăng cho nền kinh tế. Ở góc độ tiêu dùng, các biện pháp phòng vệ thương mại trong dài hạn giúp cho nền kinh tế không bị phụ thuộc hoàn toàn vào nhập khẩu, đem lại sự ổn định và chống chịu tốt hơn trước các tác động và cú sốc từ bên ngoài.

Hội nghị tuyên truyền và giới thiệu về phòng vệ thương mại, với chủ đề

Hội nghị tuyên truyền và giới thiệu về phòng vệ thương mại, với chủ đề "Chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại và gian lận xuất xứ trong tình hình mới" do Cục Phòng vệ thương mại - Bộ Công Thương phối hợp với Sở Công Thương tỉnh Tiền Giang tổ chức ngày 19/7/2024. (Nguồn: Cổng Thông tin điện tử tỉnh Tiền Giang)

Thứ hai, hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam cũng đang phải đối mặt với ngày càng nhiều vụ việc điều tra, áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại của nước ngoài. Đến nay, các nước đã tiến hành điều tra 273 vụ việc phòng vệ thương mại với các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam. Bộ Công Thương luôn bám sát toàn bộ quá trình vụ việc để theo dõi việc tuân thủ cam kết quốc tế của các cơ quan điều tra nước ngoài cũng như hỗ trợ các doanh nghiệp xử lý vụ việc, tránh nguy cơ nước ngoài lạm dụng các biện pháp phòng vệ thương mại để thực hiện các chính sách bảo hộ, giảm tối đa tác động tiêu cực của vụ việc đối với hoạt động xuất khẩu của Việt Nam.

Theo Bộ Công Thương, tổng doanh thu năm 2023 của các doanh nghiệp sản xuất trong nước tham gia các vụ việc phòng vệ thương mại ước đạt 475 nghìn tỷ đồng với số lao động trực tiếp làm việc tại các doanh nghiệp khoảng trên 36.000 người. Thu ngân sách hàng năm từ thuế phòng vệ thương mại đạt từ 1.200 đến 1.500 tỷ đồng. Đồng thời, bảo vệ các ngành sản xuất quan trọng của Việt Nam như: ngành sản xuất thép (14 biện pháp); thực phẩm (5 biện pháp); hóa chất (04 biện pháp); vật liệu xây dựng (02 biện pháp); thuế chống bán giá, chống trợ cấp thu nộp ngân sách hàng năm hơn 1.000 tỷ đồng.

Năm 2024, trong công tác ứng phó với các vụ việc phòng vệ thương mại nước ngoài, theo Bộ Công Thương, có dấu hiệu gia tăng đáng kể về số lượng các vụ việc điều tra phòng vệ thương mại đối với hàng xuất khẩu Việt Nam, bao gồm chống bán phá giá, chống trợ cấp, tự vệ và điều tra chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại.

Đến nay, đã có 272 vụ việc điều tra phòng vệ thương mại từ 25 thị trường và vùng lãnh thổ điều tra đối với hàng xuất khẩu của Việt Nam, bao gồm: Các vụ điều tra chống bán phá giá (149 vụ việc), các vụ việc tự vệ (54 vụ việc), chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại (39 vụ việc) và chống trợ cấp (30 vụ việc).

Năm 2024 có 26 vụ việc điều tra phòng vệ thương mại từ nước ngoài đối với hàng hóa xuất khẩu của ta. Trong đó, Hoa Kỳ, Ấn Độ, Canada, Indonesia là các thị trường có xu hướng điều tra phòng vệ thương mại nhiều nhất đối với Việt Nam (Hoa Kỳ chiếm gần 50% tổng số vụ việc đã khởi xướng điều tra đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam).

Thứ ba, trong bối cảnh cạnh tranh giữa các nền kinh tế lớn trên thế giới đang diễn ra ngày càng gay gắt, thậm chí dẫn đến xung đột và trả đũa thương mại, doanh nghiệp của các quốc gia khác có thể tìm đến Việt Nam như một địa điểm đầu tư để tránh bị ảnh hưởng bởi những biện pháp hạn chế thương mại và trả đũa được các nền kinh tế lớn áp dụng. Các khoản đầu tư này có thể là đem đến hoạt động sản xuất thực sự, tạo thêm giá trị gia tăng cho nền kinh tế Việt Nam nhưng cũng có thể chỉ là các hoạt động đơn giản nhằm trốn tránh các biện pháp hạn chế đang được áp dụng. Thực tế cho thấy số lượng các vụ việc nước ngoài điều tra lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại hoặc trốn thuế phòng vệ thương mại đối với hàng hóa xuất khẩu từ Việt Nam đang có xu hướng tăng nhanh.

Chính phủ, Bộ Công Thương và các Bộ, ngành liên quan đã khẳng định quan điểm chung là kiên quyết ngăn chặn, xử lý nghiêm các hành vi lẩn tránh bất hợp pháp thông qua gian lận xuất xứ, chuyển tải bất hợp pháp để bảo vệ lợi ích chính đáng của các ngành sản xuất, xuất khẩu, khai thác hiệu quả lợi ích của các hiệp định thương mại tự do, đồng thời bảo vệ uy tín của hàng hóa Việt Nam, hướng tới mục tiêu xuất khẩu bền vững.

Về công tác chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại và gian lận xuất xứ, Bộ Công Thương thường xuyên theo dõi và tăng cường hợp tác, chia sẻ thông tin nhằm chống lẩn tránh phòng vệ thương mại, gian lận xuất xứ; tuyên truyền, phổ biến nguy cơ tiềm ẩn và quyết tâm của Chính phủ trong việc chống gian lận xuất xứ, chuyển tải bất hợp pháp, lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại; đưa ra các giải pháp, phương án tư vấn cho doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu nhằm tránh bị các nước khác điều tra phòng vệ thương mại, lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại. Qua đó giúp phát hiện và xử lý đối với doanh nghiệp cá biệt có vi phạm về xuất xứ hàng hóa hoặc chỉ thực hiện các công đoạn sản xuất có hàm lượng giá trị gia tăng không đáng kể tại Việt Nam.

Bên cạnh đó, công tác cảnh báo sớm để hỗ trợ doanh nghiệp ứng phó với các vụ kiện phòng vệ thương mại của nước ngoài khởi xướng điều tra đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam cũng được Bộ Công Thương triển khai tích cực. Trong đó, Bộ thường xuyên cập nhật danh sách cảnh báo các mặt hàng có nguy cơ bị điều tra, chống lẩn tránh phòng vệ thương mại (danh sách cập nhật vào tháng cuối hàng quý) gửi các Bộ, ngành, UBND các tỉnh, Hiệp hội, doanh nghiệp liên quan để phối hợp theo dõi. Đồng thời, theo dõi biến động xuất khẩu của hơn 50 mặt hàng có nguy cơ cao bị điều tra áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại hoặc điều tra chống lẩn tránh và gian lận xuất xứ, chuyển tải bất hợp pháp (Bộ đã đưa ra danh sách cảnh báo 17 mặt hàng để các Bộ, ngành, địa phương và doanh nghiệp triển khai các hoạt động cụ thể).

Nhìn chung, công tác cảnh báo sớm cũng như hỗ trợ doanh nghiệp kịp thời ứng phó với các vụ việc phòng vệ thương mại do nước ngoài khởi xướng điều tra đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam thời gian qua đã đem lại một số kết quả tích cực, nhờ đó các doanh nghiệp xuất khẩu không bị áp thuế phòng vệ thương mại hoặc bị áp thuế ở mức thấp, góp phần giữ vững và mở rộng thị trường xuất khẩu.

Các chuyên gia trao đổi tại Phiên toàn thể Diễn đàn phòng vệ thương mại với chủ đề: “Phòng vệ thương mại: Tăng cường năng lực nội sinh, thúc đẩy tăng trưởng bền vững”, tổ chức ngày 11/10/2024 tại Thành phố Hồ Chí Minh.

Các chuyên gia trao đổi tại Phiên toàn thể Diễn đàn phòng vệ thương mại với chủ đề: “Phòng vệ thương mại: Tăng cường năng lực nội sinh, thúc đẩy tăng trưởng bền vững”, tổ chức ngày 11/10/2024 tại Thành phố Hồ Chí Minh.

Trong năm 2025, trước xu hướng phi toàn cầu hoá đang trỗi dậy mạnh mẽ; chính sách bảo hộ của các nước ngày một tăng. Tình hình kinh tế thế giới và khu vực tiếp tục dự báo có những diễn biến phức tạp, khó lường. Xu thế hòa bình, hợp tác và phát triển tiếp tục là xu thế lớn trên thế giới nhưng cạnh tranh giữa các nền kinh tế lớn sẽ diễn ra ngày càng gay gắt hơn. Sự cạnh tranh không chỉ giới hạn ở những ngành công nghiệp truyền thống như dệt may, luyện kim, hóa chất mà còn mở rộng sang các ngành công nghiệp hiện đại như điện tử, viễn thông, năng lượng tái tạo.

Ngoài ra, với vị thế là một nền kinh tế có độ mở cao, chủ động và tích cực tham gia vào quá trình hội nhập quốc tế, Việt Nam đang từng bước tham gia sâu hơn vào chuỗi sản xuất và cung ứng toàn cầu. Cùng với đó, áp lực cạnh tranh sẽ ngày càng lớn trên thị trường nội địa và quốc tế.

Trong bối cảnh nêu trên, theo mục tiêu đề ra trong năm 2025, Bộ Công Thương tiếp tục thực hiện có hiệu quả các giải pháp phòng ngừa, nâng cao năng lực phòng vệ thương mại, cảnh báo sớm và giải quyết tranh chấp thương mại, đầu tư quốc tế, chủ động bảo vệ lợi ích hợp pháp của các ngành sản xuất trong nước và lợi ích chính đáng của doanh nghiệp, người dân. Trong nhiều nhiệm vụ, giải pháp được đề ra, tiếp tục tập trung vào những nội dung trọng tâm, cơ bản sau:

Một là, các cơ quan chức năng của Bộ Công Thương, Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Công an, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố tiếp tục tăng cường phối hợp, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, xác minh việc cấp giấy chứng nhận xuất xứ, khai báo xuất xứ khi thông quan, đăng ký đầu tư nước ngoài.

Hai là, thông qua công tác cảnh báo sớm, Bộ Công Thương chú trọng việc sớm tiếp cận với các doanh nghiệp, hiệp hội trong ngành để cung cấp thông tin, giúp các doanh nghiệp hiểu được các nguyên tắc, quy trình điều tra phòng vệ thương mại; các công việc doanh nghiệp cần thực hiện; các kịch bản có thể xảy ra. Qua đó giúp các doanh nghiệp có thời gian chuẩn bị để đáp ứng đầy đủ, chính xác nhất các yêu cầu của cơ quan điều tra nước ngoài, bảo vệ được quyền và lợi ích chính đáng của của doanh nghiệp Việt Nam trong các vụ việc điều tra phòng vệ thương mại.

Ba là, nắm chắc, phân tích, đánh giá, dự báo đúng tình hình, chủ động có những biện pháp phòng vệ thương mại phù hợp với quy định pháp luật nhằm trợ giúp các ngành sản xuất trong nước nâng cao năng lực cạnh tranh, thúc đẩy hàm lượng giá trị gia tăng của nền kinh tế cũng như hỗ trợ các doanh nghiệp sản xuất xuất khẩu tận dụng được tối đa lợi ích từ quá trình hội nhập quốc tế về kinh tế./.

THẾ HOÀNG

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất