Thứ Tư, 2/10/2024
Thời sự - Chính trị
Thứ Hai, 11/6/2012 20:10'(GMT+7)

Cần thiết xã hội hóa việc huy động nguồn dự trữ quốc gia

(Ảnh minh họa).

(Ảnh minh họa).

Sau phiên thảo luận tổ, chiều 11/6 Quốc hội thảo luận tại hội trường về dự án Luật Dự trữ quốc gia.

Một trong những vấn đề được chú ý là, Điều 6 dự án Luật quy định “dự trữ quốc gia được hình thành từ ngân sách nhà nước do Quốc hội quyết định”.

Tuy nhiên, nhiều đại biểu cho rằng dự trữ quốc gia cần được  huy động thêm từ ngoài xã hội, từ các doanh nghiệp.

Nhiều đại biểu Quốc hội cũng cho rằng dự luật không nên quy định tăng tổng mức dự trữ quốc gia hàng năm mà nên căn cứ vào nhu cầu hàng năm và mức dự trữ ngân sách nhà nước để điều chỉnh.

Nhiều đại biểu cũng đồng tình dự thảo luật khi quy định dự trữ quốc gia dành cho hàng hóa, vật tư thiết yếu, không dự trữ vàng và ngoại tệ. Hoạt động mua bán hàng hóa, vật tư dự trữ quốc gia cần được quy định cụ thể, phù hợp với đặc thù của hàng hóa, vật tư đưa vào dự trữ quốc gia và hạn chế chỉ định thầu mua và bán để bổ sung dự trữ quốc gia hiệu quả và tránh tiêu cực.

Các đại biểu cũng cho rằng cần có chiến lược nhà nước về dự trữ quốc gia, về quy hoạch hệ thống kho tàng dự trữ, cũng như quy định phân cấp ủy quyền cho các bộ, ngành, địa phương để đảm bảo tính cấp bách kịp thời khi sử dụng hàng hóa dự trữ.

Về ý kiến một số đại biểu cho rằng tên gọi của Luật Dự trữ quốc gia bao gồm dự trữ Nhà nước, dự trữ doanh nghiệp và dự trữ trong dân, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nói dự luật này không điều chỉnh dự trữ doanh nghiệp và cũng không quy định về dự trữ trong dân.

Do đó, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đề nghị cơ quan soạn thảo (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cân nhắc tên gọi của luật để đối tượng điều chỉnh phù hợp hơn với dự trữ quốc gia.

Về mục tiêu của dự trữ quốc gia, dự luật quy định Nhà nước hình thành và sử dụng dự trữ quốc gia nhằm chủ động đáp ứng những yêu cầu đột xuất, cấp bách về phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai, hỏa hoạn, dịch bệnh; phục vụ quốc phòng, an ninh; tham gia bình ổn thị trường, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô; góp phần bảo đảm an sinh xã hội; thực hiện các nhiệm vụ đột xuất, cấp bách khác của Nhà nước.

Các đại biểu Quốc hội cho rằng, mục tiêu cần thu hẹp lại, chỉ để chủ động đáp ứng yêu cầu đột xuất, cấp bách về phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai, hỏa hoạn, dịch bệnh, phục vụ quốc phòng, an ninh, đảm bảo an sinh xã hội.

Về các góp ý của đại biểu Quốc hội, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết UBTVQH sẽ tiếp thu, chỉnh lý để tiếp tục trình Quốc hội thảo luận tại kỳ họp thứ 4 diễn ra vào cuối năm nay./.

(Theo: Chinhphu.vn)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất