Thứ Bảy, 21/9/2024
Biển và Hải đảo Việt Nam
Thứ Hai, 13/5/2013 23:35'(GMT+7)

Cần Thơ: Đa dạng hóa các hình thức của công tác tuyên truyền biển, đảo

Từ năm 2009 đến nay, Thành đoàn Cần Thơ tổ chức 269 buổi tuyên truyền về biển đảo, thu hút 20.956 đoàn viên thanh niên (ĐVTN) tham gia. Bên cạnh đó, Thành đoàn Cần Thơ tổ chức cho ĐVTN tham gia cuộc thi tìm hiểu biển đảo do Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, Hội Liên hiệp thanh niên Việt Nam tổ chức. Anh Võ Tấn Vĩnh, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Thành đoàn, nhấn mạnh: “Hai năm trở lại đây công tác tuyên truyền biển, đảo ngày càng thu hút hơn. Nguyên nhân là các kênh truyền thông của Đoàn đã xuất hiện và phát huy tác dụng công tác tuyên tuyền như: các chương trình phát thanh thanh niên, phát thanh măng non, các diễn đàn, tọa đàm về chủ quyền biển đảo...”.

Từ đầu năm 2013 đến nay, Ban Thường vụ Quận đoàn Ô Môn (TP Cần Thơ) đã phối hợp với Hội Người tù kháng chiến quận tổ chức 6 cuộc tuyên truyền biển đảo thông qua giao lưu, nói chuyện truyền thống với 5.000 lượt đoàn viên thanh niên (ĐVTN) tham gia. Theo chị Bùi Thanh Hà, Phó Bí thư Thường trực Quận đoàn cho biết: hình thức tuyên truyền thông qua giao lưu giữa các cựu chiến binh từng bị địch bắt tù đày ở nhà tù Phú Quốc với ĐVTN, học sinh, đã giúp các em có dịp trao đổi trực tiếp những thắc mắc của mình đối với chủ quyền biển, đảo. Em Nguyễn Thị Chúc Linh, học sinh lớp 10A1, trường THPT Lưu Hữu Phước, quận Ô Môn, chia sẻ: “Em rất ấn tượng với những câu chuyện của các chú, nhất là kiến thức đại lý về đảo Phú Quốc và 2 quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa. Khi học các môn Địa lý, Lịch sử, Giáo dục công nhân, em cũng được giáo viên nói về chủ quyền biển đảo. Tuy nhiên, buổi giao lưu với các chú ở Hội Người tù kháng chiến đã mang cho em thêm nhiều kiến thức mới”.  

Từ năm 2012 đến nay, Quận đoàn Thốt Nốt đã triển khai xây dựng mô hình “cột mốc Trường Sa”. Từ khi xây dựng mô hình “cột mốc Trường Sa”, công tác tuyên truyền biển, đảo ở  quận được nâng lên rõ rệt. Bởi cột mốc không chỉ mang tính biểu tượng mà còn là nơi cung cấp thông tin quý báu về quần đảo Trường Sa, như: vị trí địa lý, tầm quan trọng của quần đảo, quá trình xác lập chủ quyền, khai thác, quản lý, bảo vệ chủ quyền của nhà nước Việt Nam qua các thời kỳ trong lịch sử… Nói về mô hình này, anh Chung Khánh Nghị, Phó Bí thư Quận đoàn Thốt Nốt chia sẻ, quận đã thực hiện 2 công trình thanh niên mô hình cột mốc đảo Trường Sa (đặt tại trường THCS Thốt Nốt) và đảo Song Tử Tây (đặt tại trường Tiểu học Thốt Nốt 2). Hiện nay, Quận đoàn đang xây dựng cột mốc đảo Nam Yết tại trường THPT Thốt Nốt với kinh phí khoảng 40 triệu đồng, dự kiến hoàn thành vào dịp kỷ niệm 123 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh. Bên cạnh đó, Quận đoàn Thốt Nốt cũng lồng ghép nhiều hoạt động tuyên truyền về biển, đảo Việt Nam như: sinh hoạt lệ chuyên đề, mô hình “Sân chơi thanh niên”, xem phim tư liệu về biển đảo, thi hát về biển đảo quê hương…

Ở quận Bình Thủy, nhiều trường học trên địa bàn quận đã tổ chức tuyên truyền biển, đảo như lồng ghép vào các tiết học lịch sử, sinh hoạt Đội …. Tuy nhiên, hiệu quả chưa cao vì chưa tạo được hứng thú cũng như giáo dục trực quan cho các học sinh. Vì lẽ đó, từ tháng 3-2013, Ban Thường vụ Quận đoàn đã có kế hoạch tuyên truyền biển, đảo bằng nhân chứng sống, mô hình cụ thể cho các học sinh. Quận đoàn Bình Thủy đã phối hợp với Tổ Tuyên truyền biển đảo Lữ đoàn 127, Vùng 5 Hải quân, tổ chức tuyên truyền trong 8 trường THCS, THPT trên địa bàn quận để rút ra kinh nghiệm cho những đợt tuyên truyền sau này. Tại các buổi sinh hoạt, tổ Tuyên truyền biển đảo Lữ đoàn 127 cung cấp cho các em các kiến thức về tình hình tranh chấp biển, đảo trên thế giới; biển đảo Việt Nam và âm mưu, ý đồ của một số nước đối với Biển Đông và nhiều vùng biển, đảo khác của nước ta; quan điểm của Đảng, Nhà nước trong đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển, đảo Tổ quốc hiện nay… Sắp tới, Quận Đoàn sẽ phối hợp tổ chức một chuyến dã ngoại cho Ban Chỉ huy các Liên đội trên các tàu thuộc Hải đội 512. Ở đó, các em được trải nghiệm cuộc sống của người lính hải quân. Đây sẽ bước tiến mới trong công tác tuyên truyền nhằm giúp các em cảm nhận sâu sắc hơn về đời sống của lực lượng Hải quân cũng như nâng cao nhận thức chủ quyền biển đảo là bất khả xâm phạm.

Theo anh Võ Tấn Vĩnh, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Thành đoàn Cần Thơ, năm 2013, công tác tuyên truyền biển, đảo có nhiều điểm mới và đi vào bài bản hơn, như: tập huấn công tác tuyên truyền biển đảo cho lực lượng cán bộ, ĐVTN, cộng tác viên, tuyên tuyền viên của Đoàn; công tác tuyên truyền hướng đến hình ảnh trực quan sinh động (thi tiếng hát học sinh-sinh viên, thi hùng biện, tổ chức các trò chơi gắn với biển đảo).... Đặc biệt, được sự đồng thuận của Ban Tuyên giáo Thành ủy Cần Thơ, Thành đoàn đã phát động xây dựng mô hình cột mốc chủ quyền các đảo trong quần đảo Trường Sa ở một số trường tiểu học, THCS, THPT, trung cấp, cao đẳng, đại học tiêu biểu trên địa bàn thành phố để tuyên truyền trực quan về biển đảo trong đối tượng học sinh-sinh viên.

Tuy nhiên, công tác tuyên truyền biển đảo ở thành phố cũng còn tồn tại những hạn chế nhất là về trực quan sinh động bằng người thật, việc thật. Mặt khác, do TP Cần Thơ không có biển, đảo nên công tác tuyên truyền đôi khi chỉ bằng văn bản nên hiệu quả chưa cao… Theo anh Võ Tấn Vĩnh, thời gian tới, Thành đoàn tập trung xây dựng hình thức sân khấu hóa, biểu diễn lưu động để phục vụ nhân dân và ĐVTN, học sinh. Bên cạnh đó, Thành đoàn cũng tập trung đào tạo, tạo điều kiện cho cán bộ Đoàn và hệ thống báo cáo viên của Đoàn học tập bồi dưỡng kiến thức về công tác tuyên truyền biển, đảo cũng như có những chuyến thực tế ở quần đảo Trường Sa nhằm đáp ứng yêu cầu tuyên truyền biển đảo trong tình hình hiện nay.

Phạm Văn Trung

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất