Thứ Ba, 24/9/2024
Kinh tế
Thứ Bảy, 1/11/2008 13:27'(GMT+7)

Cần trợ giúp về định hướng cho người Việt ở Séc

Ông Nguyễn Dương

Ông Nguyễn Dương

Theo ông Dương, Séc là một thị trường lý tưởng cho các doanh nghiệp Việt Nam có thể vươn tới, qua đó mở rộng kinh doanh sang các nước khác ở Đông Âu nói riêng và châu Âu nói chung. Bởi lẽ, Séc là thành viên của Liên minh châu Âu (EU), là một quốc gia có điều kiện địa lý, giao thông... khá thuận tiện từ đó có thể tự do di chuyển trong khuôn khổ EU. Chi phí sản xuất, kinh doanh, sinh sống tại Séc chỉ bằng 1/5 các nước xung quanh như Áo, Đức... Séc rất cởi mở trong việc tiếp nhận đầu tư từ bên ngoài... Quan hệ hợp tác Việt Nam – Séc đang ngày càng phát triển.

Với khoảng 60.000 người, cộng đồng Việt kiều ở Séc đã và đang làm ăn, sinh sống khá ổn định, trong đó có 2/3 đã được Séc cho phép định cư lâu dài nhờ quan hệ truyền thống tốt đẹp giữa hai nước và chính sách thân thiện đối với người nước ngoài nói chung và Việt kiều nói riêng của bạn. Người Việt tại Séc chủ yếu làm nghề kinh doanh buôn bán ở các trung tâm thương mại hoặc các chợ, một số đông khác thì kinh doanh bán lẻ tại các thành phố, một số đã thành lập công ty, nhà máy, xí nghiệp, mở nhà hàng, khách sạn, xưởng sản xuất... kinh doanh khá hiệu quả và cư trú ở hầu hết các địa phương trên toàn lãnh thổ Séc, nhưng tập trung nhiều ở một số thành phố lớn và khu vực biên giới giữa Séc với Đức và Séc với Áo. Song nhìn chung, về cơ bản, nền tảng kinh tế từ trước đến nay của cộng đồng người Việt ở Séc chủ yếu vẫn là kinh doanh, buôn bán nhỏ lẻ, thậm chí “chụp giật”.

Trước những cơ hội và quá trình vận động phát triển mới ở Séc cũng như ở EU, kiểu cách làm ăn cũ của người Việt đã không còn phù hợp. Để tồn tại và phát triển, không còn cách nào khác, người Việt ở Séc phải tự học cách làm ăn bài bản, chuyên nghiệp, chính qui giống như những người bản xứ. Một mặt, họ phải lo cho thế hệ tương lai có một nền tảng phát triển tốt hơn.

Từ đòi hỏi khách quan đó, xu hướng tư tưởng sang Séc một thời gian để làm ăn, kiếm tiền rồi quay về nước cũng đã thay đổi sang xu hướng làm ăn lâu dài. Nhiều người Việt Nam đến nay đã bắt đầu đầu tư vào bất động sản, mua sắm nhà cửa, đầu tư cho con em học hành và sinh sống lâu dài tại Séc. Tuy nhiên, quá trình chuyển đổi này mới mang tính tự phát. Bên cạnh những quyết định đúng đắn, phù hợp như việc tập hợp, liên kết lại để tổ chức thành những doanh nghiệp lớn đầu tư, kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh trên thị trường, thì cũng có những thay đổi không tránh khỏi sai lầm do thiếu định hướng. Chính vì vậy, Hiệp hội Doanh nghiệp Việt Nam tại Séc đang có kế hoạch hợp tác với các chuyên gia nghiên cứu về châu Âu thuộc Viện Khoa học xã hội Việt Nam để tiến hành nghiên cứu định hướng tương lai cho cộng đồng người Việt ở Séc nói riêng và ở Đông Âu nói chung, trên cơ sở đó có những giải pháp phát triển hiệu quả cho cả hiện tại và thế hệ tương lai.

Ông Dương cho biết, quá trình phát triển kinh doanh của cộng đồng người Việt ở Séc nhận được sự hỗ trợ rất tích cực, đầy đủ, bình đẳng về mặt pháp lý và vấn đề cư trú của chính quyền nước sở tại. Tuy nhiên, người Việt có thể phát triển thành một cộng đồng kinh tế độc lập ở Séc cũng như ở Đông Âu... hay vẫn chỉ là một tập thể chuyên đi làm thuê đang là một câu hỏi rất lớn.

“Mặc dù được tạo điều kiện về pháp lý và cư trú…, song thực tế xã hội hiện đại ở Séc hiện vẫn chưa sẵn sàng tiếp nhận người Việt Nam có trình độ như những tri thức cao, bình đẳng trong các cơ sở, xí nghiệp. Chúng tôi không bao giờ mong muốn thế hệ tương lai của mình lại phải chịu thiệt thòi như vậy. Chúng tôi có thể đầu tư cho con em mình học hành có tri thức, có trình độ cao và mong muốn sau này chúng có thể về nước, ở lại Séc hay sang các nước Tây Âu... làm việc đều thuận lợi và có tương lai tốt đẹp. Chính vì vậy, chúng tôi rất cần nhận được sự trợ giúp về định hướng, về giải pháp” – ông Dương nói.

Ông Dương còn cho biết, xu hướng đảm bảo an toàn đồng vốn của cộng đồng ngưòi Việt ở Séc hiện nay là khi phát triển đến một mức độ nhất định sẽ chuyển một phần tài sản, vốn đầu tư về nước. Thế nên, người Việt ở Séc cũng rất mong được Chính phủ hai bên tạo điều kiện thuận lợi hơn trong việc đưa nguồn tài chính tự có về Việt Nam để đầu tư, kinh doanh./.

 
Việt Anh, Bộ Thương mại

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất