Thứ Ba, 24/9/2024
Kinh tế
Thứ Sáu, 31/10/2008 22:35'(GMT+7)

Điều hành xuất khẩu gạo: Thực hiện phương án tối ưu, đảm bảo hài hòa các lợi ích

Đó là những phân tích của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cao Đức Phát về công tác điều hành xuất khẩu gạo thời gian qua của Chính phủ trước các đại biểu Quốc hội.

“Trước hết, Chính phủ không có chủ trương dừng xuất khẩu gạo. Vào cuối tháng 3/2008, Chính phủ có chủ trương tạm dừng ký hợp đồng mới xuất khẩu tới hết tháng 6/2008. Việc này được căn cứ vào nhiều yếu tố”, Bộ trưởng Cao Đức Phát khẳng định.

Tại thời điểm cuối tháng 3/2008, khả năng xuất khẩu gạo 6 tháng đầu năm được tính toán vào khoảng 2,3-2,5 triệu tấn, trong khi đó vụ đông xuân ở các tỉnh miền Bắc bị rét đậm làm chậm vụ 15-20 ngày so với thời vụ.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đưa ra 2 khả năng, nếu không có biến động lớn về thiên tai, sâu bệnh nặng có thể đạt mức sản lượng năm 2007, nhưng có biến động lớn về thời tiết như mưa to cuối vụ, lúa trỗ gặp thời tiết nóng sẽ dẫn đến giảm mạnh năng suất như đã xảy ra năm 1986, năm 1999.

Các chuyên gia của Bộ xác định xác suất của 2 phương án này là 50-50 và thực tế trong tháng 4 và tháng 5, nhiều diện tích lúa bị nhiễm bệnh nhưng khi lúa trỗ thời tiết lại rất thuận lợi.

Về xuất khẩu gạo và thị trường trong nước, đến cuối tháng 3/2008 tổng số hợp đồng xuất khẩu gạo đã ký là 2,4 triệu tấn trong khi khả năng của chúng ta là 2,3-2,5 triệu tấn.

Theo báo cáo của Hiệp hội Lương thực Việt Nam, xuất khẩu gạo 3 tháng đầu năm mới đạt 800.000 tấn, lượng gạo còn phải giao tiếp là 1,6 triệu tấn trong các tháng tiếp theo. Trước tình hình trong nước khó khăn, Chính phủ chủ trương tạm dừng ký thêm hợp đồng xuất khẩu mới và tập trung xuất khẩu gạo còn lại trong các tháng 4, 5, 6 theo các hợp đồng đã ký.

Từ đầu tháng 4/2008, giá gạo thế giới tăng mạnh, một số doanh nghiệp đã "vội vàng" tiến hành mua gom gạo kết hợp với tin đồn thất thiệt, giá gạo trong nước đã bị đẩy lên cao, gây tâm lý hoang mang trong một bộ phận người dân. Ngay lập tức, Chính phủ đã phải chỉ đạo rất quyết liệt để khắc phục tình trạng này.

Như vậy, nếu ký tiếp hợp đồng, sẽ xảy ra tình trạng doanh nghiệp chưa có chân hàng chạy đua gom hàng đẩy giá trong nước lên rất cao, gây hậu quả về xã hội rất nghiêm trọng, khó lường.

Để tận dụng giá xuất khẩu gạo cao, Chính phủ đã chỉ đạo các doanh nghiệp xuất khẩu tiến hành thương thuyết, điều chỉnh tăng giá. Từ đầu tháng 6 khi nhận định tình hình vụ đông xuân ở miền Bắc khả quan, Chính phủ đã chỉ đạo ký tiếp các hợp đồng mới. Do vậy đến nay đã xuất khẩu được 3,9 triệu tấn, đạt giá trị 2,32 tỷ USD với giá hợp lý.

Theo Bộ trưởng Cao Đức Phát, Chính phủ đã có quyết định đúng đắn đảm bảo hài hòa lợi ích của cả nước và bà con nông dân vùng đồng bằng sông Cửu Long. Bộ trưởng mong rằng bà con nông dân cả nước trước hết là bà con nông dân ở đồng bằng sông Cửu Long chia sẻ với quyết định có thể nói rất khó khăn của Chính phủ.

Chính phủ vẫn tiếp tục chỉ đạo thực hiện hàng loạt giải pháp đẩy mạnh thu mua lúa gạo cho nông dân, tăng cường xuất khẩu.

Động thái gần đây nhất là việc Bộ Công Thương đề nghị điều chỉnh thuế suất xuất khẩu gạo 0% hoặc bỏ thuế hiện đang áp dụng để đạt mục tiêu thu mua hết lúa hàng hóa của nông dân, đẩy mạnh xuất khẩu, khuyến khích nông dân trồng và xuất khẩu các chủng loại gạo cao cấp có giá bán cao trên thị trường thế giới.

Về dài hạn Chính phủ đang chỉ đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì xây dựng đề án chiến lược đảm bảo an ninh lương thực quốc gia trình Chính phủ vào tháng 12/2008./.

(Cổng Thông tin điện tử Chính phủ)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất