Thứ Ba, 24/9/2024
Kinh tế
Thứ Năm, 30/10/2008 18:5'(GMT+7)

3 hạn chế trong công tác điều hành ngân sách

Đại biểu Chu Sơn Hà (đoàn Hà Nội)

Đại biểu Chu Sơn Hà (đoàn Hà Nội)

  Hôm nay (30/10), Quốc hội dành một ngày thảo luận về kết quả thực hiện ngân sách nhà nước năm 2008; dự toán ngân sách nhà nước năm 2009, phương án phân bổ ngân sách trung ương và bổ sung ngân sách địa phương năm tới. Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Kiên điều khiển phiên họp.

Mở đầu phiên làm việc, Quốc hội đã nghe Bộ trưởng Bộ Tài chính Vũ Văn Ninh báo cáo một số vấn đề về giá dầu thô xuất khẩu, một số vấn đề khác có liên quan đến đánh giá ngân sách Nhà nước năm 2008 và dự toán ngân sách Nhà nước năm 2009.

Năm 2009, dự kiến giảm thu ngân sách khoảng 36.000 tỷ đồng

Theo Bộ trưởng Vũ Văn Ninh, khủng hoảng tài chính tiền tệ tại Mỹ hiện nay đã tác động đến nhiều nước và nhiều lĩnh vực, trong đó có tác động đến giá dầu thô thế giới. Hiện nay giá dầu thô trên thế giới đã biến động rất lớn và nhanh, các dự báo về giá dầu thô của 3 tháng cuối năm 2008 và năm 2009 rất khác nhau, nhưng xu thế chung đều dự báo thấp hơn so với trước (khoảng 60-90 USD/thùng).

Trong phương án mà Chính phủ báo cáo với Quốc hội, dự kiến giá dầu thô những tháng cuối năm 2008 và cả năm 2009 là 90 USD/thùng, mức giá này là phù hợp với diễn biến thị trường và dự báo tại thời điểm đó. Tuy nhiên, để chủ động trong điều hành dự toán ngân sách Nhà nước năm 2009, Bộ Tài chính dự kiến báo cáo với Chính phủ và các cấp có thẩm quyền để trình Quốc hội giá dầu thô bình quân cho 3 tháng cuối năm 2008 và dự toán ngân sách Nhà nước năm 2009 ở mức 70 USD/thùng, tức là điều chỉnh từ 90 USD/thùng xuống 70 USD/thùng. Từ đó sẽ tác động trực tiếp đến dự toán ngân sách Nhà nước năm 2009, có khả năng sẽ giảm thu ngân sách khoảng 36.000 tỷ đồng, giảm ở 3 khoản: giảm thu trực tiếp từ xuất khẩu bán dầu thô, giảm ở khoản thuế nhập khẩu và xuất khẩu dầu thô, giảm thu nội địa.

Bộ trưởng Vũ Văn Ninh cũng cho biết, với mức giảm lớn như vậy, để không giảm quá mức thu, phải điều chỉnh giảm chi lớn, tác động đến cân đối ngân sách, đặc biệt là cân đối của các địa phương, Bộ Tài chính kiến nghị 4 phương án, trong đó có phương án áp thuế nhập khẩu xăng dầu ở mức hợp lý, dự kiến xăng sẽ áp thuế 25% (hiện nay là 5%), dầu Diezel- 15% (hiện là 0%), dầu Mazut- 25% (hiện là 0%), dầu hỏa- 25% (hiện là 10%) để giảm bớt số thu (Khung thuế nhập khẩu xăng, dầu hiện nay Ủy ban Thường vụ Quốc hội phê duyệt là 40% và đã có năm chúng ta áp thuế này lên 40%); Phấn đấu tăng thu thêm, trên cơ sở chống thất thu, rà soát nợ đọng, làm thế nào để thu cho được mức đã báo cáo với Quốc hội của năm 2008 và giảm bớt thu của năm 2009; Thứ ba, rà soát tăng thêm các khoản thu khác để bù vào các khoản giảm thu, phần còn lại sẽ phải rà soát để giảm chi đầu tư xây dựng cơ bản, xây dựng một số chính sách, chế độ dự kiến ban hành trong năm 2009 để giảm chi thường xuyên đảm bảo cân đối ngân sách theo biến động của giá dầu thô...

Bộ trưởng Vũ Văn Ninh cũng cho biết, trong điều hành Chính phủ sẽ cập nhật diễn biến của tình hình để có sự điều hành cho phù hợp, trong trường hợp giá dầu thô giảm thấp hơn nữa thì tiếp tục điều chỉnh giá giảm chi tương ứng, trường hợp nếu giá dầu tăng cao hơn thì Chính phủ tiếp tục triển khai các chính sách đã dự kiến và đảm bảo các khoản chi đầu tư thường xuyên đã giãn như đã báo cáo với Quốc hội.

3 hạn chế trong điều hành ngân sách nhà nước

Trong phần thảo luận, đa số ý kiến đại biểu đánh giá cao và cơ bản nhất trí với Báo cáo của Chính phủ và Báo cáo thẩm tra của Uỷ ban Tài chính ngân sách về tình hình thực hiện ngân sách nhà nước năm 2008, dự toán ngân sách nhà nước năm 2009.

Về tình hình thực hiện ngân sách nhà nước năm 2008, trong điều kiện lạm phát cao, tăng trưởng kinh tế và sản xuất kinh doanh của một số lĩnh vực có xu hướng chậm lại, song tổng thu ngân sách nhà nước vẫn ước tăng 1,4 lần so với dự toán, đây là một cố gắng lớn trong điều hành của Chính phủ.

Tuy nhiên, thu vượt dự toán chủ yếu phụ thuộc vào yếu tố bên ngoài, do tăng thu từ dầu thô là chính, chứng tỏ ngân sách nhà nước không ổn định và thu nội địa thấp. Trong điều kiện giá dầu trên thế giới đã giảm xuống còn trên 60 USD/thùng và sẽ còn biến động, các ý kiến đại biểu đề nghị Chính phủ theo dõi sát giá dầu và dự báo chính xác hơn giá dầu trên thị trường thế giới để ước thu ngân sách nhà nước sát với thực tế hơn, từ đó điều hành quản lý ngân sách nhà nước một cách chủ động, tích cực, đảm bảo tình hình ổn định chung.

Về chi ngân sách nhà nước năm 2008, đại biểu Hoàng Thị Hạnh (đoàn Bắc Giang) băn khoăn, trong điều kiện thực hiện chủ trương thắt chặt chi tiêu công, kiềm chế lạm phát, thì việc thực hiện tiết kiệm chi thường xuyên chưa triệt để. Năm 2008 đã cắt giảm 20% chi tiêu công, nhưng trên thực tế lại tăng 10%; chi quản lý hành chính tăng 13,3% dự toán và tăng 26,6% so với năm 2007. Tình trạng hội nghị còn nhiều, thực hiện tiết kiệm chống lãng phí hiệu quả còn thấp.

Đại biểu Chu Sơn Hà (đoàn Hà Nội) đồng tình với nhận xét của Uỷ ban Tài chính, ngân sách của Quốc hội. Đó là thực hiện dự toán chi ngân sách chưa nghiêm, hiệu quả chưa cao, tiết kiệm chưa triệt để. Bên cạnh đó là việc đầu tư dàn trải, giải ngân chậm, đặc biệt là giải ngân vốn đầu tư xây dựng cơ bản trong 9 tháng đạt có 52%. “Báo cáo của Chính phủ nêu vốn trái phiếu Chính phủ mới giải ngân được 40%, ngành giao thông và một số ngành khác giải ngân tương đối nhanh, trong khi đó lại ghi tỷ lệ giải ngân chậm trong các dự án về giao thông được phân bổ trái phiếu Chính phủ chỉ là 22,5%. Với kết quả 22,5% mà đánh giá là giải ngân cao, là tốt thì không biết các dự án khác sẽ như thế nào?” - đại biểu băn khoăn.

Cũng theo đại biểu Chu Sơn Hà, một bất cập nữa trong chi ngân sách là việc xác định các công trình trọng điểm và xếp thứ tự ưu tiên các dự án chưa được đánh giá đúng mức, dẫn đến tình trạng lãng phí nguồn vốn hoặc chậm phát huy hiệu quả nguồn vốn, lãng phí về vật chất, lãng phí về đất đai khi bị thu hồi, lãng phí về trang thiết bị đã được lắp đặt, không phát huy được hiệu quả xã hội, nhất là các công trình có liên quan đến các hoạt động của đời sống xã hội. Theo đại biểu, nguyên nhân của việc trên là do xác định đầu tư không đúng, dẫn đến đầu tư luẩn quẩn mà không giải quyết được mục đích.

Theo đại biểu Nguyễn Minh Thuyết (đoàn Lạng Sơn), 3 hạn chế trong công tác điều hành ngân sách: nguồn thu của chúng ta không vững chắc, mặc dù chúng ta vượt thu nhưng chủ yếu phụ thuộc vào những yếu tố bên ngoài và vào việc bán tài nguyên; thu chi mất cân đối, nhiều năm nay chúng ta thường xuyên bội chi 5% ngân sách; kỷ luật thu, chi chưa nghiêm, hiện tượng trốn thuế, gian lận thương mại, nợ đọng, giải ngân chậm là rất nhiều, đặc biệt vẫn chưa kiểm soát được trốn thuế.

Đại biểu Nguyễn Minh Thuyết cho rằng 3 hạn chế trên bắt nguồn từ 4 căn nguyên: đầu tư dàn trải, thoát nhiều ở thu thuế, tham nhũng, lãng phí; hiệu quả thấp; giải ngân chậm, làm cho vòng quay của đồng tiền chậm. Và một căn nguyên nữa, theo đại biểu “chính là cơ chế, nó giống như câu nói của bác sĩ với bệnh nhân rằng "bệnh của anh do gen, do cơ địa", nói như thế để an ủi bệnh nhân, chứ không chữa được, tôi cho rằng căn nguyên đó không hoàn toàn là đúng” - đại biểu Nguyễn Minh Thuyết nói.

Huy động tối đa sức mạnh trong dân

Về dự toán ngân sách nhà nước năm 2009, các đại biểu Nguyễn Văn Sỹ (đoàn Quảng Nam), Đỗ Văn Hùng (đoàn Thái Nguyên), Nguyễn Minh Thuyết (đoàn Lạng Sơn) đều thống nhất quan điểm không chi thêm cho các tập đoàn, Tổng công ty Nhà nước nữa.

Đại biểu Nguyễn Văn Sỹ đề nghị ngoài 9.000 tỷ đồng tái đầu tư cho Tập đoàn Dầu khí Việt Nam theo cam kết của Nhà nước, chúng ta tiếp tục thực hiện, còn lại trên 1.600 tỷ đầu tư cho các tập đoàn, các doanh nghiệp Nhà nước khác cần phải xem xét hết sức chặt chẽ. Theo đại biểu, nên để cho các doanh nghiệp này chủ động huy động vay vốn sản xuất kinh doanh và chúng ta dùng nguồn này để đầu tư cho các lĩnh vực khác, trong khi ngân sách đang khó khăn.

Trả lời câu hỏi của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Kiên rằng phải lấy tiền ở đâu, Đại biểu Nguyễn Minh Thuyết cho rằng yếu tố quan trọng hàng đầu là phải dựa vào dân, vốn ở trong dân hiện nay rất nhiều, nhưng kênh huy động vốn chưa tốt. Điển hình, chứng khoán là nơi thu hút vốn của dân nhưng công tác điều hành chưa tốt nên thời gian vừa qua chưa huy động được nhiều vốn. Bên cạnh đó, cần khắc phục căn bệnh “hoành tráng”, gây tốn kém, lãng phí. Đại biểu đặt câu hỏi “mỗi tỉnh một tờ báo, một đài truyền hình, xong lại một trường đại học, sắp tới mỗi tỉnh lại một viện nghiên cứu nữa, rồi bến cảng, sân bay, sân golf, nhà máy bia, có đáng phải dựng lên nhiều như thế không?”.

Chiều nay Quốc hội tiếp tục thảo luận tại Hội trường về nội dung này./.

(VOVNews)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất