Chủ Nhật, 24/11/2024
Nghiệp vụ công tác tuyên giáo
Thứ Tư, 21/11/2012 22:14'(GMT+7)

Cần tuyên truyền nhiều hơn nữa về an toàn giao thông

Cán bộ Phòng Cảnh sát giao thông (Công an tỉnh Lào Cai) tuyên truyền về Luật Giao thông đường bộ.

Cán bộ Phòng Cảnh sát giao thông (Công an tỉnh Lào Cai) tuyên truyền về Luật Giao thông đường bộ.

Mới đây, tại Cung thể thao Tổng hợp Quần ngựa, Hà Nội đã diễn ra "Lễ tưởng niệm nạn nhân tử vong vì tai nạn giao thông” với chủ đề "Hành động vì người đang sống” được tổ chức theo hình thức sân khấu hóa.

Đây là Lễ tưởng niệm lớn nhất của nước ta hưởng ứng "Ngày Thế giới tưởng niệm các nạn nhân tử vong vì tai nạn giao thông”. Sự có mặt của lãnh đạo cấp cao của Đảng, Nhà nước: đồng chí Nguyễn Xuân Phúc, ủy viên Bộ chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban an toàn giao thông quốc gia; đồng chí Trương thị Mai, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội; đồng chí Đinh La Thăng, ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ giao thông Vận tải; Trung tướng Phạm Quý Ngọ, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Công an đã nói lên sự quan tâm sâu sắc của Đảng, Nhà nước và nhân dân ta đối với sự kiện quan trọng này.

Theo số liệu thống kê của Ủy ban ATGT quốc gia, tại Việt Nam, mỗi ngày có hơn 30 người chết, và hàng trăm người phải mang thương tật do tai nạn giao thông. Hàng trăm gia đình mất mát người thân với nỗi đau kéo dài!

Lễ tưởng niệm nạn nhân tử vong do TNGT nhằm nâng cao ý thức của người dân trong việc chấp hành Luật giao thông và phòng tránh tai nạn giao thông, nâng cao trách nhiệm của các lực lượng làm nhiệm vụ bảo đảm trật tự ATGT. Mặt khác đây cũng là hoạt động kêu gọi sự chia sẻ, giúp đỡ từ cộng đồng với những tổn thất, mất mát, khó khăn của các gia đình nạn nhân do TNGT.

Đau lòng, xót xa và lo lắng trước những tổn thương to lớn, hiện hữu của cộng đồng, những năm vừa qua, các ngành chức năng, các cơ quan thông tấn, báo chí, tổ chức chính tri, xã hội và nhân dân đã tích cực "vào cuộc” để bảo đảm ATGT và giảm thiểu tai nạn giao thông. Thực tế, năm 2011-2012 tỷ lệ % số vụ và số người thương vong do tai nạn giao thông có giảm, nhưng chưa đáng kể và điều đáng quan tâm là vẫn còn nhiều vụ tai nạn nghiêm trọng, do ý thức của người tham gia giao thông, làm chết và bị thương nhiều người.

Trong các giải pháp trước mắt và lâu dài để giảm thiểu tai nạn giao thông, công tác tuyên truyền, giáo dục được Ủy ban ATGT quốc gia luôn đặt lên hàng đầu. Xã hội cũng đã ghi nhận mặt công tác này trong thời gian vừa qua đã có đóng góp tích cực nhằm nâng cao nhận thức của người dân về luật giao thông, về tình cảm, trách nhiệm của mỗi người khi tham gia giao thông… Nhưng trên thực tế, còn cần nhiều hơn nữa công tác thông tin, tuyên truyền góp phần hiện thực khẩu hiệu “Hành động vì người đang sống”. Tin tức giao thông, tuyên truyền về bảo đảm ATGT trong các phong trào, chiến dịch… là cần thiết, nhưng có lẽ chưa “đủ liều” để bồi bổ rộng rãi cho một nếp sống ATGT mà xã hội còn rất quan tâm, lo lắng.

Để góp phần làm chuyển biến sâu sắc hơn nhận thức về ATGT trong xã hội, cần có sự chỉ đạo, phối hợp chặt chẽ, bài bản giữa các ngành thông tin, tuyên truyền ở Trung ương và các địa phương về mặt công tác này:

- Các cơ quan Thông tin, thông tấn báo chí cần có Chương trình "dài hơi” với nội dung, hình thức phong phú, sát thực, phổ biến kiến thức về Luật giao thông đường bộ, đường sắt, đường thủy; về những tổn thất to lớn do tai nạn giao thông gây ra; về trách nhiệm với cộng đồng và tình thương đồng loại khi tham gia giao thông…Thông tin, tuyên truyền thường xuyên theo phương châm “mưa dầm thấm lâu” sẽ tạo được hiệu ứng tích cực trong xã hội.

Ở các địa phương, cần phát huy tác dụng của hệ thống phát thanh, truyền thanh cấp tỉnh, huyện, nhất là hệ thống truyền thanh đã có ở hầu hết các xã, phường, thị trấn để tuyên truyền giáo dục pháp luật, ý thức, trách nhiệm, đạo đức khi tham gia giao thông…

- Với chức năng của mình, các đoàn nghệ thuật, đội thông tin lưu động ở Trung ương và các địa phương có các tiểu phẩm, hoạt cảnh tôn vinh những hành vi đẹp trong tham gia giao thông, phê phán những hành vi vi phạm trật tự ATGT làm ảnh hưởng đến nếp sống tốt đẹp của cộng đồng và gây phương hại về vật chất, tinh thần cho đồng bào, đồng loại…

- Tuyên truyền nâng cao ý thức chấp hành luật lệ giao thông cho người tham gia giao thông là cần thiết, đồng thời cũng rất cần tuyên truyền nâng cao tinh thần trách nhiệm, đạo đức nghề nghiệp đối với những người làm công tác quản lý, bảo đảm ATGT. Tấm gương về trách nhiệm, đạo đức nghề nghiệp của họ sẽ có tác dụng nhiều mặt trong việc bảo đảm trật tự ATGT và giảm thiểu tai nạn giao thông.

- Trước mắt và lâu dài rất cần sự quan tâm tuyên truyền giáo dục luật giao thông và ý thức tham gia giao thông cho đối tượng là học sinh phổ thông. Làm tốt việc tuyên truyền, giáo dục cho lớp học sinh phổ thông, nhất là học sinh từ bậc tiểu học, không những giúp các em có ý thức bảo đảm trật tự ATGT, phòng tránh được những rủi ro về tai nạn giao thông mà về lâu dài còn tạo dựng được những thế hệ con người Việt Nam hiểu biết luật lệ giao thông và có ý thức tốt khi tham gia giao thông.

Cùng với các ngành, các địa phương, hiệu quả của công tác thông tin, tuyên truyền về ATGT sẽ góp phần tích cực tạo dựng nếp sống văn hóa giao thông trong xã hội. Văn hóa giao thông Việt Nam được hình thành, phát triển sẽ là bước đột phá làm giảm thiểu đáng kể tai nạn giao thông, đem lại sự bình an cho mỗi gia đình và góp phần thúc đẩy KT-XH phát triển như tinh thần thông điệp “Lễ tưởng niệm nạn nhân do tai nạn giao thông” mới được tổ chức gần đây.

Hãy “Hành động vì người đang sống”! ./.

Lê Ngọc Toàn

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất