Chủ Nhật, 24/11/2024
Nghiệp vụ công tác tuyên giáo
Thứ Sáu, 9/11/2012 22:6'(GMT+7)

Nâng cao tính thuyết phục của công tác tư tưởng trong điều kiện hiện nay

Trong công tác tư tưởng, tính thuyết phục là yếu tố giữ vai trò quyết định đến chất lượng, hiệu quả, do đó bất cứ lúc nào nó cũng là mục tiêu ưu tiên đối với các hoạt động tư tưởng của Đảng. Hiện nay đất nước ta đang bước sang một thời kỳ mới, thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá và hội nhập quốc tế. Tình hình đó đang đặt ra cho công tác tư tưởng của Đảng những yêu cầu mới, trong đó nói lên yêu cầu phải nâng cao tính thuyết phục của công tác tư tưởng.

Tính thuyết phục của công tác tư tưởng đã được nhiều nhà khoa học, nhiều nhà hoạt động thực tiễn quan tâm nghiên cứu và có những quan niệm khác nhau. Tuy nhiên cần phải thấy rằng, công tác tư tưởng của Đảng là công tác đối với con người, một nhiệm vụ hết sức khó khăn, phức tạp, đòi hỏi phải nắm vững những quy luật riêng của lĩnh vực tư tưởng; có thái độ, phương pháp khoa học, kết hợp chặt chẽ giữa yêu cầu định hướng tư tưởng với sự tự nguyện, giữa lý trí và tình cảm, giữa lời nói và việc làm…

Do vậy, khi nói đến tính thuyết phục của công tác tư tưởng, là nói đến quá trình tác động trên cả hai phương diện lý trí và tình cảm của chủ thể đối với đối tượng công tác tư tưởng, và kết quả của sự tác động ấy phải làm cho đối tượng tâm phục, khẩu phục. Ở phương diện lý trí, tính thuyết phục đòi hỏi chủ thể công tác tư tưởng phải có nội dung phong phú, phương pháp khoa học, hấp dẫn mới làm cho đối tượng “khẩu phục”. Ở phương diện tình cảm, tính thuyết phục đòi hỏi chủ thể công tác tư tưởng phải có sự tâm huyết và lòng say mê nghề nghiệp, có tác phong quần chúng, luôn luôn là tấm gương mẫu mực về phẩm chất và nhân cách từ đó sẽ làm cho đối tượng “tâm phục”. Như vậy có thể thấy rằng, tính thuyết phục của công tác tư tưởng được quyết định bởi các yếu tố: chủ thể - đối tượng - nội dung và các thành tố khác của công tác tư tưởng (phương pháp, hình thức, phương tiện công tác tư tưởng). Các yếu tố này có quan hệ chặt chẽ với nhau, trong đó chính đối tượng đặt ra những yêu cầu khách quan đối với chủ thể và nội dung, hình thức, phương pháp, phương tiện nhằm mang lại tính thuyết phục cao cho công tác tư tưởng. Căn cứ vào từng mối quan hệ đó có thể xác định các tiêu chí đánh giá cũng như các yêu cầu đặt ra về tính thuyết phục của công tác tư tưởng trong điều kiện mới ở nước ta hiện nay như sau:

Một là, quan hệ giữa nội dung, hình thức, phương pháp, phương tiện với đối tượng của công tác tư tưởng. Trong công tác tư tưởng, đối tượng quy định mục đích, nội dung, phương pháp, hình thức, phương tiện, do đó muốn nâng cao tính thuyết phục của công tác tư tưởng, đòi hỏi chủ thể công tác tư tưởng phải nghiên cứu, nắm chắc đặc điểm của đối tượng, trên cơ sở đó xác định nội dung, hình thức, phương pháp, phương tiện phù hợp với đối tượng.

Về nội dung, trong điều kiện hiện nay, nội dung của mỗi bài nói, bài viết về công tác tư tưởng phải đáp ứng được các yêu cầu sau:

Thứ nhất, phải mang đến cho đối tượng những thông tin mới. Cái mới của nội dung sẽ thu hút sự chú ý của của đối tượng, thuyết phục những người có quan điểm khác hoặc trái với quan điểm cần thuyết phục. Trong công tác tư tưởng, cái mới không chỉ được hiểu là cái chưa từng được đối tượng biết đến mà còn là một phương pháp trình bày mới, một cách tiếp cận mới, độc đáo, một nhận định, đánh giá mới về cái đã biết.

Thứ hai, phải thiết thực, đáp ứng nhu cầu thông tin của một loại đối tượng cụ thể. Nội dung của công tác tư tưởng một mặt do mục đích của công tác tư tưởng quy định, mặt khác còn do nhu cầu thông tin của chính đối tượng quy định. Nhu cầu thông tin lại xuất hiện bởi nhu cầu của hoạt động nhận thức hoặc của hoạt động thực tiễn. Chính trong quá trình hoạt động thực tiễn cải tạo xã hội và cải tạo bản thân mình mà ở công chúng-đối tượng của công tác tư tưởng xuất hiện những nhu cầu thông tin cần được đáp ứng. Trong khi đó hoạt động thực tiễn của đối tượng lại rất đa dạng, do đó nhu cầu thông tin của từng đối tượng cũng khác nhau. Vì vậy không thể chỉ chọn một nội dung để tác động cho các đối tượng khác nhau, đồng thời nội dung của công tác tư tưởng bao giờ cũng phải hướng tới một đối tượng cụ thể, xác định.

Thứ ba, phải mang tính thời sự, tính cấp thiết, phản ánh những vấn đề nóng bỏng của cuộc sống. Giá trị và sức lôi cuốn đối tượng, ý nghĩa chỉ đạo tư tưởng và hành động của nội dung công tác tư tưởng do sự cập nhật thông tin và tính thời sự, tính cấp thiết của thông tin quyết định. Hiện nay, nội dung công tác tư tưởng phải hướng vào phản ánh những vấn đề bức xúc trong phong trào hành động cách mạng thực tiễn của quần chúng, các điển hình tiên tiến trong thực hiện đường lối, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước; phát hiện, giải đáp kịp thời, có sức thuyết phục những vấn đề do thực tiễn cuộc sống sinh động đặt ra, đó chính là cách nâng cao tính cấp thiết, tính thời sự của nội dung công tác tư tưởng.

Thứ tư, phải đảm bảo tính tư tưởng và tính chiến đấu. Trong công tác tư tưởng, bất cứ một bài nói, bài viết nào cũng có mục đích tư tưởng rõ rệt. Điều này là do chức năng của công tác tư tưởng quy định. Do vậy, nội dung mỗi bài nói, bài viết dù về đề tài gì, với đối tượng nào cũng đặt ra không chỉ mục đích thông tin mà quan trọng hơn là mục đích tác động về mặt tư tưởng, tức hình thành niềm tin và cổ vũ tính tích cực hành động của con người. Cho nên, tính tư tưởng, tính chiến đấu phải được thể hiện rõ trong mỗi nội dung bài nói, bài viết. Tính tư tưởng, tính chiến đấu, đòi hỏi người cán bộ tư tưởng, khi thông tin về những quan điểm khác nhau phải có định hướng, phân tích theo lập trường, quan điểm của Đảng. Khi nêu các hiện tượng tiêu cực, lạc hậu, các tư tưởng xa lạ, đối lập phải tỏ rõ thái độ phê phán kiên quyết, triệt để tránh gây hoài nghi, hoang mang, làm giảm lòng tin của công chúng.

Về hình thức, nội dung tư tưởng được chuyển đến đối tượng qua nhiều hình thức khác nhau. Song chủ thể lựa chọn hình thức nào, một mặt phụ thuộc vào nội dung, mặt khác phụ thuộc vào trình độ nhận thức, nhu cầu, thị hiếu và các đặc điểm xã hội khác của đối tượng. Hình thức luôn đi liền với nội dung, sự gắn kết hợp lý hay bất hợp lý của nội dung và hình thức luôn là những nguyên nhân trực tiếp dẫn đến tính thuyết phục, tính hiệu quả của công tác tư tưởng cao hay thấp. Công tác tư tưởng trong điều kiện hiện nay cần lựa chọn được các hình thức sinh động, hấp dẫn, lôi cuốn được đông đảo đối tượng công chúng tham gia.

Về phương pháp, phương tiện, phương pháp là cách thức giúp chủ thể công tác tư tưởng đạt được mục đích trong hoạt động tư tưởng, còn phương tiện là những công cụ công tác của chủ thể và công cụ mà nhờ nó đối tượng tiếp nhận và lĩnh hội nội dung tư tưởng. Để đạt được mục đích công tác tư tưởng, người ta có thể sử dụng nhiều phương pháp, phương tiện khác nhau. Tuy nhiên, do tính chất và ưu thế của mỗi loại phương pháp, phương tiện mà việc sử dụng các phương pháp, phương tiện trong công tác tư tưởng khác nhau sẽ đem lại những kết quả không giống nhau.

Vấn đề cần quan tâm ở đây là sử dụng phương pháp, phương tiện như thế nào để đạt được mục đích, có nghĩa là đạt kết quả tốt nhất trong công tác tư tưởng. Để có được lời giải cho vấn đề này, cần chú ý, khi lựa chọn phương pháp, phương tiện phải căn cứ vào nội dung và đặc điểm của đối tượng công tác tư tưởng. Trong điều kiện hiện nay, về phương pháp phải tăng cường lựa chọn các phương pháp có khả năng tạo cơ hội cho đối tượng công chúng phát huy dân chủ, tích cực, chủ động và sáng tạo trong tiếp nhận các nội dung tư tưởng. Còn về phương tiện, phải phối hợp đồng bộ, chặt chẽ giữa nhiều loại phương tiện khác nhau, phải kế thừa và phát huy của các phương tiện truyền thống và hiện đại để nâng cao tính thuyết phục cho công tác tư tưởng.

Hai là, quan hệ giữa chủ thể với đối tượng của công tác tư tưởng. Chủ thể là yếu tố đóng vai trò quyết định đến tính thuyết phục của công tác tư tưởng. Trong bối cảnh mới của đất nước hiện nay, nhu cầu của đối tượng công tác tư tưởng ngày càng cao, do vậy đòi hỏi chủ thể công tác tư tưởng, tức là người cán bộ tư tưởng phải có những phẩm chất và năng lực tương xứng mới có thể đảm bảo đem lại tính thuyết phục cho công tác tư tưởng. Chủ thể công tác tư tưởng hôm nay phải là những người có phẩm chất chính trị vững vàng, có đạo đức, nhân cách trong sáng, có năng lực trí tuệ và năng lực chuyên môn cao mới đủ sức hoàn thành những nhiệm vụ đầy khó khăn, phức tạp của công tác tư tưởng.

Ba là, quan hệ giữa đối tượng với chủ thể và nội dung của công tác tư tưởng. Trong công tác tư tưởng, đối tượng, mục đích, nội dung, hình thức, phương pháp, phương tiện có mối quan hệ mật thiết với nhau. Chính vì vậy, để nâng cao tính tuyết phục cho công tác tư tưởng, một mặt, đòi hỏi chủ thể công tác tư tưởng phải tu dưỡng, rèn luyện công phu, nghiêm túc mới có được những phẩm chất và năng lực cần thiết nhằm đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ của công tác tư tưởng; mặt khác, trong từng lĩnh vực hoạt động như: Hoạt động nghiên cứu, giáo dục lý luận chính trị; hoạt động tuyên truyền, cổ động; hoạt động văn hóa-văn nghệ, hoạt động báo chí-xuất bản, v.v.. chủ thể phải chú ý nghiên cứu nắm chắc đặc điểm của từng loại đối tượng cụ thể, trên cơ sở đó chuẩn bị nội dung, lựa chọn hình thức, phương pháp, phương tiện phù hợp mới có thể thuyết phục được đối tượng của công tác tư tưởng.

Trong quá trình lãnh đạo cách mạng từ khi Đảng ta ra đời cho đến nay, công tác tư tưởng luôn luôn được coi trọng và tăng cường, góp phần xây dựng Đảng vững mạnh về chính trị, tư tưởng, khẳng định và bảo vệ đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước, giữ gìn, củng cố sự đoàn kết, thống nhất trong Đảng, sự đồng thuận trong xã hội; chủ động và tích cực đấu tranh chống diễn biến hòa bình, phản bác các luận điệu tuyên truyền xuyên tạc của các thế lực thù địch, phản động, cơ hội chính trị.

Tuy nhiên, bên cạnh những ưu điểm, những thành tựu đáng ghi nhận nêu trên, công tác tư tưởng vẫn còn nhiều hạn chế, yếu kém cần sớm khắc phục. Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng đã chỉ rõ: Tính chiến đấu, tính thuyết phục, hiệu quả của “công tác tư tưởng còn hạn chế; thiếu sắc bén trong đấu tranh chống âm mưu, thủ đoạn “diễn biến hoà bình” (1). Như vậy, thiếu tính thuyết phục đang là một trong những hạn chế lớn trong công tác tư tưởng của Đảng hiện nay. Vì vậy, việc nghiên cứu, trao đổi nhằm tìm ra nguyên nhân, đề xuất các giải pháp nâng cao tính thuyết phục của công tác tư tưởng trong điều kiện mới là vấn đề có ý nghĩa cấp bách trên cả hai phương diện lý luận và thực tiễn./.


PGS. TS. Phạm Huy Kỳ
-----------------

ĐCSVN: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb. CTQG, H, 2011, tr. 173.

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất