Thứ Sáu, 20/9/2024
Thế giới
Thứ Hai, 17/6/2019 7:57'(GMT+7)

Căng thẳng gia tăng sau vụ tấn công tàu chở dầu trên vịnh Oman

Khói bốc lên từ tàu Front Altair sau khi bị bất ngờ bị tấn công vào ngày 13/6. (Ảnh: CNN)

Khói bốc lên từ tàu Front Altair sau khi bị bất ngờ bị tấn công vào ngày 13/6. (Ảnh: CNN)

Theo CNN, ngày 13/6 vừa qua, tàu chở dầu Kokura Courageous treo cờ Panama, thuộc sở hữu của một công ty Nhật Bản và tàu Front Altair mang cờ Quần đảo Marshall, thuộc sở hữu của Công ty Frontline, Na Uy đã bị tấn công ngoài khơi Vịnh Oman. Mặc dù toàn bộ các thủy thủ trên hai tàu đã được giải cứu an toàn, song vụ tấn công đã làm gia tăng căng thẳng giữa Mỹ và Iran, đồng thời làm dấy lên lo ngại về nguy cơ nổ ra xung đột bất ngờ trong khu vực.

Sau Mỹ, đến lượt Anh mới đây đã lên tiếng cáo buộc Iran thực hiện vụ tấn công nói trên nhằm cản trở tự do hàng hải trên Vịnh Oman. Trong một tuyên bố đưa ra ngày 15/6, Ngoại trưởng Anh Jeremy Hunt lên án Iran và Lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC) và cáo buộc Tehran "gần như chắc chắn" gây ra các vụ tấn công nhằm vào hai tàu chở dầu của Nhật Bản và Na Uy.

Trước đó, Mỹ cũng đưa ra cáo buộc tương tự cùng một đoạn băng video quay cảnh một nhóm người trên chiếc cano có kiểu dáng giống hệt phương tiện tuần tra của IRGC đang tìm cách gỡ một thiết bị giống như khối thuốc nổ được gắn trên mạn một trong hai con tàu bị tấn công.

Tuy nhiên, đến nay Iran vẫn một mực bác bỏ những cáo buộc rằng nước này đứng sau vụ tấn công, đồng thời kêu gọi mở cuộc điều tra nhằm làm rõ quy mô và thủ phạm. Phía Iran cũng cho rằng, đây thực chất chỉ là âm mưu nhằm đổ lỗi cho Tehran trong bối cảnh căng thẳng giữa nước này và Mỹ đang dâng cao.

Ngay sau khi Ngoại trưởng Anh Jeremy Hunt đưa ra tuyên bố quy kết Iran tiến hành vụ tấn công, Tehran cho biết nước này đã triệu Đại sứ Anh tại Iran Rob Macaire để chỉ trích mạnh mẽ “những cáo buộc vô căn cứ và lập trường không thể chấp nhận được” của London, đồng thời yêu cầu Đại sứ Anh phải giải thích và đính chính lại thông tin. Mặc dù vậy, Đại sứ Rob Macaire ngày 16/6 lại phủ nhận việc ông bị Bộ Ngoại giao Iran triệu tập.

Trên thực tế, hiện vẫn tồn tại những quan điểm trái chiều về mục đích cũng như thủ phạm thực hiện vụ tấn công nhằm vào hai tàu chở dầu nói trên. Mới đây, một quan chức cấp cao của Nga cho rằng không nên đưa ra kết luận vội vàng về sự cố hoặc đổ lỗi và sử dụng vụ tấn công làm lý do để gia tăng áp lực với Iran. "Chúng tôi phản đối hành động vội vàng kết luận và đổ lỗi cho những nước chúng ta không ưa. Cần tránh vội vàng đưa ra kết luận. Không thể chấp nhận việc quy kết trách nhiệm cho bất kỳ nước nào cho tới khi một cuộc điều tra quốc tế toàn diện được tiến hành", Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Ryabkov nói.

Cùng quan điểm đó, Ngoại trưởng Đức Heiko Maas cho rằng video mà phía Mỹ đưa ra cách đây ít ngày không đủ để chứng minh Iran liên quan tới vụ tấn công hai tàu dầu trên Vịnh Oman.

Trong khi đó, theo Hãng thông tấn Kyodo, Chính phủ Nhật Bản đã đề nghị Mỹ đưa ra bằng chứng cụ thể để chứng minh nhận định của Washington rằng Iran đứng đằng sau vụ tấn công. Được biết, các quan chức Chính phủ Nhật Bản vẫn hoài nghi về nhận định của Mỹ và cho rằng đó chưa phải là những bằng chứng cụ thể cho thấy Tehran đã thực hiện vụ tấn công.

Về phần mình, Saudi Arabia ngày 16/6 hối thúc các nước hành động chống Iran sau khi cáo buộc Tehran đứng sau hai vụ tấn công. Thái tử Saudi Arabia Mohammed bin Salman tuyên bố nước này không muốn chiến tranh tại khu vực, nhưng sẽ không ngần ngại đối phó với các đe dọa nhằm vào người dân và lợi ích sống còn của Saudi Arabia.

Cũng trong ngày 16/6, tàu chở dầu Kokura Courageous, một trong hai tàu bị tấn công trên Vịnh Oman ngày 13/6 vừa qua, đã cập bến an toàn tại một bến tàu ở Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE). Thông tin ban đầu cho biết, toàn bộ thủy thủ đoàn trên tàu vẫn an toàn và khỏe mạnh./.

Anh Vũ (qdnd.vn)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất